Sản xuất phụ thuộc thời tiết, hạn hán ở Cà Mau đang gây hại khôn lường

VOV.VN - Hiện toàn bộ diện tích rừng tại Cà Mau trên 43.500 ha đều bị khô hạn, trong đó, hơn 37.000 ha báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trong thời gian qua, nhiều tuyến kênh mương tại tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời duy trì ở mức rất thấp; nhiều nơi đã khô cạn tới đáy. Với đặc trưng sản xuất nông nghiệp gắn với các kênh mương giao thông thủy, hạn kéo dài, mực nước thấp nghiêm trọng làm cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân vùng đất cuối cùng của đất nước thêm phần khốn đốn.

Khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân Cà Mau.

Một số tuyến kênh mương ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh Cà Mau mùa khô hạn trơ đáy, đất nứt nẻ dưới lòng kênh. Ghe, tàu mùa này di chuyển khó. Đã khó khăn trong sinh hoạt, người dân nơi đây vô cùng khổ sở mỗi khi vận chuyển nông sản bằng đường thủy. Ông Hứa Văn Tới, Giám đốc HTX Đồng Thuận có 17 xã viên với diện tích 50 ha chuyên trồng chuối xiêm buồn rầu cho biết hạn hán làm cho chuối giảm năng suất đáng kể, tới hơn phân nửa.

Đại diện cho các xã viên, ông Tới cho biết, người dân ở đây trồng chuối lấy ngắn nuôi dài. Nguồn lợi từ chuối bán hàng tháng để đắp đổi cho cuộc sống gia đình. Còn trồng rừng thì khoảng từ 5-6 năm mới khai thác một lần. Hiện nay hạn hán khốc liệt, thu nhập giảm mạnh, vận chuyển đi tiêu thụ khó khăn trăm bề. Thương lái không vào mua vì tắc đường thủy, mà thuê vận chuyển ra thì chi phí quá cao.

Hiện toàn bộ diện tích rừng tại Cà Mau trên 43.500 ha đều bị khô hạn, trong đó, hơn 37.000 ha báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nắng hạn kéo dài càng gây bất lợi trong trong công tác phòng chống cháy rừng và việc vận chuyển bằng đường thủy ở khu vực này.

Tại lâm phần thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ, trong tổng số khoảng gần 20 ngàn ha hiện đã có hơn 17 ngàn ha báo cháy cấp 5. Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty nêu rõ, vấn đề đang rất khó vì vì hệ thống các tuyến kênh nhánh đã khô cạn, nếu có cháy thì việc vận chuyển máy móc sẽ rất khó khăn và không có nước để chữa cháy. Cùng với đó, việc vận chuyển gỗ rừng khai thác cũng đội giá lên cao:

"Khô hạn tập trung năm 2016 và 2020 này. Hiện nay, chi phí vận chuyển này gấp đôi. Bình thường vận chuyển 1 khối gỗ ra ngoài để đem lên xe được là 100.000 đồng. Bây giờ phải 200.000 đồng".

Ông Trần Văn Hiếu cho biết chi phí vận chuyển bằng đường thủy đội giá lên gấp đôi.
Ông Nguyễn Long Hoai nêu rõ hạn hán là vấn đề nan giải đối với Cà Mau.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau nêu rõ năm nay hạn hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

Hạn nặng đã làm nhiều kênh mương bị cạn kiệt nước không chỉ làm cho môi trường bị ô nhiễm, mà còn gây ách tắc giao thông đường thuỷ. Những ghe, tàu có trọng tải lớn, khi nước xuống thấp không di chuyển được, buộc phải neo đậu nhiều giờ liền để chờ nước lên mới có thể lưu thông. Đây tiếp tục là vấn đề nan giải đối với địa phương duy nhất ở ĐBSCL chưa tiếp cận được nguồn nước ngọt từ sông Hậu.

"Vấn đề về sản xuất mặc dù có can thiệp bằng hệ thống công trình thủy lợi nhưng vẫn phải phụ thuộc thời tiết. Cà Mau là tỉnh không có nguồn nước ngọt bổ sung. Về lâu dài thì các Bộ ngành TW hỗ trợ để làm dự án đưa nước ngọt từ sông Hậu về. Tuy nhiên, chỉ ở mức tiền khả thi và khả thi thôi", ông Hoai cho biết thêm.

Cà Mau là địa phương có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ. Tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài khiến nhiều địa phương khu vực này bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng; gây bất lợi cho sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Cà Mau đã Công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 và những ảnh hưởng nghiêm trọng vẫn đang tiếp diễn hàng ngày.

Hạn hán đang tàn phá nghiêm trọng; tiếp tục gây hại khôn lường trên vùng ngọt Cà Mau…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên