Sợi nhớ sợi thương của lính đảo Trường Sa

Vì nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó, những người chiến sỹ nơi đảo xa không về được quê nhà đoàn tụ Tết cùng gia đình, những lá thư, tấm ảnh của người thân là món quà tinh thần, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, làm rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền.

Tàu Trường Sa ngày 4/1 vừa cập bờ tàu đảo Côlin, những đôi tay rắn rỏi của chiến sỹ trên đảo, vẫy cao đón chào đoàn công tác. Cờ đỏ sao vàng Tổ quốc lộng gió bay giữa bầu trời biển đảo quê hương.

Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc

Có lẽ vui nhất trong những chiến sỹ ở đảo Côlin nhận được quà lần này là Đại uý Nguyễn Đức Thu, Chính trị viên Đảo Côlin nhận được thư và ảnh con trai Đức Dũng và vợ Đoàn Thị Việt Nga đang ở Hải Phòng.

Thời gian rảnh ngoài công việc, viết thư cho vợ con là điều anh thích nhất. Mặc dù có thể gọi điện thoại về nhà, nhưng những lá thư giữa vợ chồng không chỉ là thông tin mà còn là nơi thể hiện tình yêu với nhau theo dòng chữ thân thương, mang đến cảm giác như họ được trò chuyện hàng ngày. Đặc biệt, những cánh thư còn là nơi để gửi gắm niềm yêu thương của người chồng với vợ, người cha với con mà không thể nói bằng lời.

Đại uý Nguyễn Đức Thu bày tỏ: “Lời động viên an ủi với vợ con giờ cũng khó nói hết bằng lời. Tôi chỉ có 1 điều nhắn nhủ với vợ con: trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dù có vất vả đến đâu thì lúc nào anh cũng nhớ đến vợ, đến con. Ở đây anh vẫn luôn luôn khoẻ, hết nhiệm vụ anh sẽ về chăm sóc gia đình”.         

Đảo là nhà, biển cả là quê hương, thời gian trong năm sống với nhau nhiều hơn ở với gia đình nên những anh em chiến sỹ ngoài đảo, họ coi nhau như anh em ruột thịt. Những người lính đảo còn chia sẻ với nhau những bức thư của gia đình, của bạn gái, của người thân để cùng đọc cho nhau nghe.

Chiến sỹ Lê Tất Hà tâm sự: “Vì một lý do nào đó, những anh em không có thư hoặc thư ít rất cần sự động viên. Đã coi như một người nhà nên lá thư của gia đình mình cũng là lá thư của chiến sỹ khác. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, một chiến sỹ có tâm sự đó là việc chung của cả tập thể”.

Thiếu uý Đinh Văn Sơn đã 3 năm liền ăn Tết ở đảo. Đối với người lính, việc hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc luôn được đặt lên hàng đầu và công tác tốt cũng là cách báo hiếu với cha mẹ. Mỗi lá thư anh gửi về gia đình là mỗi lần thông báo tin vui về kết quả rèn luyện, phấn đấu trong quá trình công tác trên đảo. Và lá thư nhân dịp được kết nạp vào Đảng trên đảo Côlin là 1 trong nhiều lá thư như thế.

Thiếu uý Đinh Văn Sơn viết: “Cha mẹ thương nhớ, con thông báo để cha mẹ tự hào: có một đứa con đứng trong hàng ngũ của Đảng trên đảo xa của Tổ quốc, là tấm gương cho các em noi theo. Cha mẹ hãy yên tâm về sức khoẻ của con ngoài đảo xa này. Vì ở đâu cần là thanh niên có, ở đâu khó có thanh niên, con và anh em sẽ chỉ dành nguyện một lòng son sắt, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Xuân về trên nụ cười chiến sỹ

Viết thư về quê nhà, lính đảo thường mở đầu mượn lời bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai- Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình” và cũng là mở đầu cho các cuộc văn nghệ cuối tuần để an ủi những chiến sỹ không có thư trong các đợt tàu ra đảo. Tiếng hát át tiếng gió, tiếng sóng ầm ào át đi nỗi nhớ nhà cồn cào trong lòng. Những lá thư, những tấm ảnh là những sợi nhớ, sợi thương dệt nên niềm tin quyết thắng để người lính đảo sẵn sàng dâng hiến tuổi đời thanh xuân, xương máu của mình cho sự trường tồn của đảo Trường Sa- Mảnh đất thiêng liêng nơi tuyến đầu Tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên