Sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số: Tại sao?

Việc sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất của pháp luật, quy định số con cụ thể của mỗi cặp vợ chồng

Ngày 5/1/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 27/12/2008. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2009 và Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số.

Mỗi gia đình có một hoặc hai con

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số KHHGĐ trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này để giúp người dân và các cấp chính quyền hiểu đúng và thực hiện một cách nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân số/KHHGĐ trong gần một nửa thế kỷ qua (1961 đến nay) .

* Xin Tiến sĩ cho biết nguyên nhân và lý do tại sao chúng ta phải sửa đổi Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003?

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng: Pháp lệnh Dân số năm 2003 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 09/1/2009 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2003. Pháp lệnh Dân số năm 2003 là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực dân số, về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu: Góp phần nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong công tác dân số; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; Tăng cường, thống nhất quản lý nhà nước về dân số.

Từ kết quả khảo sát đánh giá tình hình 4 năm thi hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 do Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (cũ) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện năm 2007 cho thấy, 57% cán bộ chủ chốt các cấp đánh giá xu hướng đề cao gia đình ít con tăng lên; mặc dầu vẫn còn hiện tượng sinh con ngoài ý muốn về số con, thời gian sinh con, đó là do sức ép của người thân trong gia đình, sức ép công việc; thiếu hiểu biết hoặc không có điều kiện sử dụng biện pháp tránh thai. Các ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị đã thấy được trách nhiệm và tham gia thực hiện công tác dân số dưới nhiều hình thức.

Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trên thực tế hầu như không còn tình trạng cản trở hay cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã thể hiện được cam kết của Nhà nước Việt Nam trong các điều ước, công ước quốc tế về quyền con người liên quan đến công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế mang tính nguyên tắc, quy định khung và định hướng, thiếu cụ thể nên khó áp dụng trong thực tiễn. Do Pháp lệnh quy định tách rời nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con (tại Điều 4) với quyền quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân (tại Điều 10) đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau, chú trọng quyền mà xem nhẹ nghĩa vụ.

Việc quy định thiếu chặt chẽ tại Điều 10 "Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con" dẫn đến việc người dân hiểu là Nhà nước không còn hạn chế quy mô gia đình ở mức một hoặc hai con để mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được tự do quyết định số con của mình.

* Được biết, ngày 16/9/2003, tại Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã cụ thể hóa Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 bằng việc quy định "Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con - có một hoặc hai con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững".

Đã quy định như vậy thì cần gì chúng ta phải sửa đổi Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003? Tiến sĩ giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng: Kể từ khi Nghị định số 104 của Chính phủ ra đời, có dư luận về việc Nhà nước không hạn chế quy mô gia đình một hoặc hai con dần lắng xuống. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền vận động, giáo dục thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình lại gặp không ít khó khăn vì dư luận cho rằng hiệu lực pháp lý của Nghị định 104 thấp hơn Pháp lệnh Dân số năm 2003, thậm chí có ý kiến còn cho rằng những quy định nói trên của Nghị định 104 là trái với Pháp lệnh Dân số năm 2003.

Cũng chính bởi quy định của Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 nên việc đưa quy mô gia đình ít con vào trong các quy định của ngành, đoàn thể, địa phương, hương ước, quy ước của cộng đồng còn gặp không ít khó khăn. Các cơ quan đơn vị, cộng đồng nới lỏng biện pháp hành chính, e ngại xử lý đối với người sinh con thứ ba trở lên. Việc buông lỏng quản lý ở một số nơi, một số thời điểm kết hợp với việc nới lỏng các biện pháp hành chính và hạn chế trong xử lý các trường hợp công chức, viên chức, cán bộ đảng viên sinh con thứ ba đã làm cho việc thực hiện chỉ tiêu giảm sinh hàng năm thêm khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân thiếu chặt chẽ của Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003. Năm 2007 không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao (chỉ đạt 0,25 phần nghìn so với chỉ tiêu đề ra là 0,3 phần nghìn); trong 6 tháng đầu năm 2008, số trẻ sinh ra là 551.969 cháu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2007, số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên là 61.657 cháu, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2007. Đáng chú ý là số tỉnh có số sinh con thứ ba trở lên tăng, từ 16 tỉnh năm 2007 lên 34 tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2008. Vì vậy khả năng năm 2008 cũng chỉ giảm sinh là 0,1 phần nghìn và không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh do Quốc hội giao là 0,3 phần nghìn.

Với quan điểm hết sức đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội để khắc phục tình trạng này, từng bước đưa công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ngày càng đi vào nền nếp, tạo điều kiện cho việc thông tin, giáo dục, truyền thông rõ ràng cụ thể, cần thiết phải có cách hiểu thống nhất về quy mô gia đình ít con.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả việc quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 là hết sức cần thiết. Việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 cũng như Pháp lệnh Dân số sửa đổi Điều 10 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2009 đều xuất phát từ quan điểm nhất quán kiên trì thực hiện mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con của Đảng và nhà nước ta từ năm 1961 đến nay; đồng thời việc sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 nhằm đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất của pháp luật nên đã quy định số con cụ thể của mỗi cặp vợ chồng.

* Thưa Tiến sĩ, được biết từ ngày 1/2/2009, Pháp lệnh Dân số sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành, cụ thể là Tổng cục dân số KHHGĐ (Bộ Y tế) còn phải làm những bước tiếp theo gì để Pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả?

Tiến sĩ Dương Quốc Trọng: Theo đúng trình tự quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 13/2/2009 Bộ Y tế đã có Công văn số 658/BYT-TCDS về việc Thẩm định Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số gửi Bộ Tư pháp thẩm định sau khi đã có ý kiến đóng góp bằng văn bản của 19 bộ, ngành và Bộ Y tế đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; đồng thời hoàn thiện tờ trình Chính phủ và Dự thảo Nghị định và xin Chính phủ phê duyệt.

Sau khi có Nghị định Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Tổng cục dân số KHHGĐ tổ chức tuyên truyền phổ biến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các cấp ủy đảng, chính quyền và địa phương giúp người dân hiểu đúng chủ trương, chính sách nhất quán về Dân số của Đảng và Nhà nước, mỗi gia đình chỉ sinh từ một đến hai con từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ 20. Giải pháp cơ bản tuyên truyền vận động giáo dục thuyết phục để mỗi người dân tự nguyện, tự giác chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Như thế công tác dân số mới thực sự mang tính bền vững./.

*Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên