Tại sao đề án dạy bơi cho trẻ trong nhà trường không được phê duyệt?
VOV.VN -Đề án dạy bơi cho trẻ em trong trường học không phê duyệt được, tuy nhiên có nhiều cách giúp trẻ khỏi đuối nước, không nhất thiết phải có bể bơi.
Thời gian qua, mới đầu mùa hè nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước. Chỉ mới 10 ngày đầu tháng 5 đã xảy ra nhiều vụ chết đuối thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ.
Điển hình như các vụ: 3 học sinh lớp 1 chết đuối dưới kênh ngày 6/5 tại Long An; 4 nữ sinh lớp 7 chết đuối ngày 4/5 tại Khánh Hòa; 3 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm biển tại Nam Định ngày 8/5… Trước đó, ngày 15/4 đã xảy ra vụ đuối nước tập thể tại Quảng Ngãi khiến 9 học sinh lớp 6 tử vong.
Dư luận cho rằng, việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường hiện nay chưa được chú trọng, trẻ em chưa được tiếp cận bể bơi và được trang bị kỹ năng tồn tại dưới nước khiến những vụ chết đuối thương tâm liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, có nhiều cách để giúp trẻ học bơi, không nhất thiết phải là bể bơi.
Hình ảnh đau lòng tại xã An Mỹ - huyện Mỹ Đức – Hà Nội năm 2012 khi cùng một lúc tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng 8 nữ sinh |
Đề án dạy bơi cho học sinh trong nhà trường thất bại
Nói về việc dạy bơi cho trẻ em trong các trường học, đặc biệt là các trường tiểu học và THCS, ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Học sinh – sinh viên, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc này, cũng như triển khai khá mạnh mẽ các mô hình. Trong chương trình giáo dục thể chất, phần học bơi đã được quan tâm để đưa vào.
Về nhân lực dạy bơi cho học sinh, Bộ khẳng định không thiếu. Tuy nhiên, ông Dương Văn Bá nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất của ngành GD-ĐT đó là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi. Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng Đề án dạy bơi cho trẻ em trong trường học để trình Chính phủ cách đây khoảng 5 – 6 năm, nhưng sau đó Đề án không phê duyệt được. Nguyên nhân do đi kèm Đề án là việc xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống bể bơi trong các trường học rất khó khăn, kinh phí rất lớn mà không có nguồn”.
Theo ông Dương Văn Bá, để khắc phục tình trạng này, năm 2014 – 2015, ngành GD-ĐT đã tiếp cận nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) để triển khai hệ thống bể bơi mini tại các nhà trường. Ngân hàng hứa sẽ đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho khoảng 7 bể bơi trong năm 2016 ở một số địa bàn khó khăn.
“Hiện mới có BIDV hỗ trợ chúng tôi bằng chiến dịch này. Chúng ta đều mong muốn mọi trẻ em đều biết bơi, tuy nhiên kinh phí rất khó khăn. Ngày 12/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký chỉ thị đề nghị các Sở GD-ĐT các tỉnh rà soát trên địa bàn, báo cáo chính quyền địa phương để có sự phối hợp, hỗ trợ, kết nối với hệ thống bể bơi hiện có để hỗ trợ dạy bơi cho các em” – ông Dương Văn Bá nói.
Không nhất thiết phải có bể bơi mới biết bơi
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: “Nước ta có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta phải biến những điều này thành ưu thế để dạy trẻ biết bơi và ứng phó khi gặp tai nạn đuối nước. Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho các em”.
Theo Đào Hồng Lan: “Việc dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt, không nhất thiết phải có bể bơi. Từ trước đến nay, nếu phụ thuộc bể bơi người dân mới biết bơi, thì thế hệ cha ông chúng ta đều không biết bơi hết hay sao?
Cho nên việc phát huy các sáng kiến, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, hoặc hỗ trợ tiền phí học bơi để thành lập những lớp học ngắn ngày, kêu gọi những đơn vị sở hữu bể bơi chia sẻ trách nhiệm xã hội… là việc làm cần thiết. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, dùng lưới ngăn các góc sông để tập bơi cho trẻ…”.
Theo bà Đào Hồng Lan, để phòng ngừa tai nạn đuối nước đối với trẻ em, rất cần sự vào cuộc của cộng đồng, thôn bản, tổ dân phố vì không ai có thể biết rõ hơn địa điểm nào là an toàn hay không an toàn, chỗ nước nào nông sâu tại địa bàn bằng người dân địa phương, qua đó để có biện pháp cảnh cảnh, ngăn ngừa. Nếu quyết tâm thì các tai nạn đuối nước đều có thể phòng ngừa được.
Bên cạnh đó, sự quan tâm của bố mẹ đối với các con cũng cần được chú trọng. Thứ trưởng Đào Hồng Lan dẫn chứng: “Nếu không có sự quan tâm của bố mẹ, gia đình thì chúng ta không có vận động viên nổi tiếng là Ánh Viên. Tôi được biết sở dĩ Ánh Viên bơi giỏi vì ngay từ 5 tuổi, ông nội của cô thấy nhà sông nước xung quanh, sợ mất an toàn nên mới dạy bơi cho cháu. Từ đó mới phát hiện ra tài năng, năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng”.
Bà Đào Hồng Lan chia sẻ thêm, qua thống kê từ các vụ đuối nước, không phải tất cả những trẻ không biết bơi đều chết đuối. Nhiều khi các em chết đuối cho chủ quan, nghĩ rằng biết bơi nên ra xa bị sóng cuốn hoặc vào chỗ hố sâu.
Thậm chí có trường hợp trẻ em chết đuối do bố mẹ, ông bà chủ quan, lơ là. Ông đi trước, cháu đi sau, về đến nhà quay lại không thấy cháu đâu vì bé đã sảy chân xuống ao; có người tắm cho con, để bé ngồi trong chậu, vào nhà lấy quần áo quay ra thấy con đã sặc nước.
Cho nên vấn đề nhận thức của mỗi gia đình, việc trang bị kiến thức, ý thức phòng ngừa đuối nước là hết sức quan trọng./. Gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày do tai nạn, thương tích