Tâm bão số 11 đi qua thành phố Tuy Hòa (Phú Yên)

Lực lượng phòng chống lụt bão địa phương đang nhanh chóng di dời người dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ bị triều cường, lũ quét, sạt lở đến những nơi an toàn.  

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 11 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, vùng tâm bão đi qua là thành phố Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hồi 11 giờ, vị trí tâm bão vào khoảng 12,8°Vĩ Bắc; 109,9°Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 60km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75-102km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 11 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Như vậy khoảng trưa và chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ ngày 2/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực các tỉnh Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49km/giờ), giật cấp 7.
Trước diễn biến mới nhất của bão số 11, sáng 2/11, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương đã trực chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Phú Yên.

Ông Cao Đức Phát lưu ý vấn đề trọng tâm của địa phương là phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong thời điểm bão đổ bộ và cả sau bão. Các Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp phải cấp tuyệt đối cấm các đò ngang đưa người qua sông; kiên quyết đưa người trực canh trên các lồng bè nuôi hải sản trên biển vào bờ; thực hiện việc di dời người dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ bị triều cường, lũ quét, sạt lở đến những nơi an toàn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo công tác phòng chống
lụt bão


Lực lượng Biên phòng tỉnh Phú Yên huy động 150 cán bộ, chiến sĩ, 10 tàu và ca nô cùng các trang thiết bị khác để giúp đỡ nhân dân vùng ven biển.
Từ 6 giờ đến 10 giờ ngày 2/11, các đồn biên phòng phối hợp cùng lực lượng thanh niên xung kích và chính quyền địa phương sắp xếp gần 850 tàu, thuyền vào các vịnh, đầm và 316 hộ với 1.307 khẩu trong khu vực triều cường, sạt lở đến nơi an toàn.

Đến trưa 2/11, toàn tỉnh đã sơ tán 1346 hộ dân/6162 nhân khẩu ra khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm, chằng chống 12.709 lồng nuôi thủy sản. Tính đến 10 giờ sáng 2/11, tỉnh Phú Yên còn 74 tàu thuyền với 684 lao động đang hành nghề đánh bắt xa bờ.

Từ đêm 1/11 đến sáng 2/11, các địa phương tại Phú Yên cũng đã tổ chức di dời dân trên các lồng bè nuôi tôm lên bờ. Tổ chức đắp bao cát tại các vùng triều cường và từ sáng nay người dân ở sát mép nước đã di dời ra tuyến sau. Tàu thuyền cũng đã được đưa vào nơi trú bão.  Lưu ý nhất hiện nay của Phú Yên là đảm bảo an toàn cho hơn 7.200 chiếc thuyền. Riêng các tàu câu cá ngừ đại dương, gia đình và bộ đội đã liên lạc và hiện đã vào trú đậu tại các bến bãi các tỉnh nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bão. Số còn lại vào được các bãi neo đậu trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đến 9h sáng 2/11 tại tỉnh Phú Yên đã có khoảng 2500 hộ với 8137 người đã được di dời đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo cho ngành Công thương chuẩn bị 20 tấn dầu lửa 112 tấn xăng và dầu diesel, 30 tấn dầu ăn và bột ngọt, 60 tấn muối iôt, 40 tấn gạo và 322 tấn mỳ tôm để phục vụ công tác ứng cứu cho 6 đơn vị ngoài ra còn có 1000 tấn dầu hoả, 6.000 tấn mì tôm, 1.000 tấn muối và nhiều nhu yếu phẩm khác được dự trữ trên khâu lưu thông để phục vụ nhân dân khi có bão, tránh xảy ra khan hiếm trên thị trường.

** Sáng 2/11, Thường trực Tỉnh ủy  và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp khẩn cấp với các sở ngành liên quan triển khai nhanh phương án phòng chống cơn bão số 11. Tỉnh đã cử 5 đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương vùng trọng điểm của bão lũ ở các huyện để chỉ đạo đối phó với cơn bão số 11; đồng thời lập ban chỉ huy tiền phương tại huyện Đức Phổ. Trước mắt tổ chức cho nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời số hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, triều cường ở các xã ven biển, ven sông, vùng nứt núi nguy hiểm đến nơi an toàn. 

 Tại vùng biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ sáng 2/11 có gió mạnh cấp 6, cấp 7. Chính quyền xã Phổ Thạnh chỉ đạo cho lực lượng công an, dân quân phối hợp với Bộ đội biên Phòng đồn 304 tổ chức sơ tán 20 hộ dân nằm trong vùng triều cường uy hiếp thuộc thôn Thạnh Đức 1 đến nơi cao ráo an toàn. Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đang trực tiếp chỉ đạo việc sơ tán dân ở thông Thạnh Đức 1 cho biết. "Huyện Đức Phổ tổ chức lực lượng phối hợp với bộ đội biên phòng đồn 304 di dời xong số hộ vùng triều cường”.

 Lực lương vũ trang đã triển khai phương án ứng cứu, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương kêu gọi tàu thuyền di chuyển né tránh cơn bão. Đến 10h sáng 2/11, bộ đội biên phòng tỉnh đã liên lạc đựợc 279 tàu thuyền với 2524 lao động, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 23 chiếc với 337 lao động, Trường Sa có 21 chiếc với 452 lao động, khu vực biển phía Bắc có 95 tàu thuyền với 750 lao động, phía Nam có 134 chiếc với 931 lao động và khu vực biển Quảng Ngãi có 6 chiếc với 54 lao động. Các lực lượng chức năng kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi trong lưc này;  đồng thời tổ chức sắp xếp cho tàu thuyền neo đậu an toàn ở các cửa biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên