Tăng viện phí để hợp thức hoá cho việc “xé rào” của bệnh viện?

Trong số những bệnh viện tự điều chỉnh viện phí thời gian qua có bệnh viện buộc phải làm việc này vì “thu không đủ chi”, nhưng cũng không loại trừ trường hợp “đục nước, béo cò”.

Đề án tăng viện phí của Bộ Y tế mới ở giai đoạn dự thảo lần 1, nhưng từ lâu, không ít bệnh viện đã tự nâng giá nhiều dịch vụ y tế lên gấp nhiều lần so với mức quy định hiện hành.

Theo quy định hiện hành thì các bệnh viện chỉ được phép thu tiền khám bệnh từ 500 đồng đến 3.000 đồng/lần. Nhưng trên thực tế, khoản này đã được nhiều bệnh viện tăng lên hàng chục lần, phổ biến nhất là mức 30.000 đồng/lần khám. Hoặc như phí chạy thận nhân tạo, theo quy định hiện hành tối đa là 300.000 đồng/lần, nhưng một số bệnh viện tăng thành 400.000 đồng trở lên.

Anh Nghiêm Xuân Bình ở xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, dù anh được bảo hiểm y tế chi trả 95% nhưng do bệnh viện nâng mức viện phí cao hơn quy định nên phần cùng chi trả cũng tăng lên: “Một tuần, em phải chạy thận 3 lần, một tháng riêng tiền chạy và tiền thuốc phải trả thêm 500.000 đồng”.

(Ảnh minh hoạ)

Giải thích về việc bệnh viện “xé rào” viện phí, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: “Quy định hiện nay của Chính phủ tại Nghị định 43 và 69 khuyến khích xã hội hoá lĩnh vực y tế, giáo dục, có cho phép các đơn vị  tự chủ trong việc tổ chức hoạt động dịch vụ nên trong thời gian vừa qua một số bệnh viện huy động nguồn vốn xã hội hoá để khám chữa bệnh theo yêu cầu và những đối tượng khám chữa bệnh dịch vụ phải đóng mức phí cao hơn”.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số bệnh viện không chỉ tăng viện phí đối với những trường hợp khám chữa bệnh dịch vụ mà với tất cả các đối tượng. Bà Nguyễn Thị Bich Hường, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Việt Đức thừa nhận: “Chúng tôi luôn làm mọi cách để điều trị cho bệnh nhân được tốt nhất, do đó, chúng nâng mức phí khám chữa bệnh và một số dịch vụ là để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh viện có giải thích để người nhà bệnh nhân cùng chi trả”.

Qua việc dự kiến tăng viện phí cho thấy, Bộ Y tế quản lý việc này chưa tốt. Bệnh viện xé rào viện phí nhiều năm nay và nhiều khoản viện phí đến nay không còn phù hợp thực tế nhưng Bộ Y tế hiện vẫn loay hoay chạy theo bệnh viện. Sẽ không quá khi nói rằng dự thảo đề án tăng viện phí là nhằm hợp thức hoá cho bệnh viện và cũng là hợp thức hoá cho việc quản lý yếu kém của Bộ Y tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên