Tập trung khắc phục hậu quả bão số 2 gây ra

Bão số 2 đã làm 10 người chết, 4 người mất tích; 30 ngôi nhà bị đổ, hư hại trên 950 nhà; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hại…

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương (PCLB), đến nay, bão số 2 đã làm 10 người chết, 4 người mất tích; 30 ngôi nhà bị đổ, hư hại trên 950 nhà; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hại; 8 tàu chìm và 5 tàu bị hư hỏng. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc tỉnh Nghệ An.

Cơn bão số 2 đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản cho một số địa phương, như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Tại Nghệ An, theo thống kê ban đầu, mưa bão số 2 đã làm 4 người chết và mất tích; trên 1.430 nhà bị ngập, trôi 20 nhà, sạt lở 9 nhà, 3 phòng học bị sập. Hơn 12.000 ha hoa màu và hơn 90 ha mạ bị ngập úng, hư hại; 3 chiếc cầu treo trên tuyến sông Cả bị đứt, trôi; Quốc lộ 7 và  Quốc lộ 48 bị sạt lở, hư hỏng nặng, gây ách tắc nghiêm trọng. Mưa bão đã khiến lũ ở thượng nguồn sông Cả dâng cao, lớn hơn mức lịch sử năm 2005 là 3,34 m.

Ông Nguyễn Hữu Nhung, Phó Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tỉnh Nghệ An đang dồn sức đảm bảo giao thông, đặc biệt trên quốc lộ 48 và tuyến đường 7; tổ chức cắm biển cảnh báo ở những điểm có thể xảy ra sạt lở lũ quét. Phối hợp với lực lượng biên phòng khi có nước lên cao, di chuyển dân kịp thời.

Ông Nguyễn Hữu Nhung cho biết thêm, tại thời điểm này nước ở vùng trên bắt đầu xuống dần, nhưng hạ nguồn sông Cả từ đoạn Anh Sơn đến Nam Đàn đang lên, cho nên một mặt thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, mặt khác nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Tiếp tục phương án sơ tán dân ở vùng thấp.

Tại Nam Định, mưa bão đã làm 3 người chết (do sét đánh), gần 15.000 ha lúa đổ ngã và trên 3.000 ha hoa màu bị úng ngập. Một số đoạn đê biển bị sạt lở cục bộ với khối lượng gần 8.000 m3; nhiều ha thủy sản bị thiệt hại do độ mặn thay đổi đột ngột.

Trước đó, ngày 23/6, tại huyện Nam Trực, lốc xoáy đã làm 54 ngôi nhà tốc mái, hư hỏng nặng.  Ông Đỗ Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương mở cống tiêu nước, bố trí máy móc thiết bọ chủ động chống úng; Củng cố bờ vùng bờ bao, khoanh vùng, chủ động chống úng cho mạ vụ mùa đã gieo. Đồng thời huy động mọi nguồn lực thu hoạch nhanh lúa đã chín, lúa và hoa màu đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chỉ đạo ngành điện kiểm tra rà soát lại toàn bộ hệ thống lưới điện và tổ chức thường trực liên tục để có lực lượng điện cho tiêu úng. Thường xuyên kiểm tra hê thống đê điều và xử lý ngay sự cố theo phương châm 4 tại chỗ. Yêu cầu các nhà thầu đang thi công trên tuyến đê biển là phải huy động mọi nguồn lực khẩn trương tu bổ những công trình đang thi công.

Còn tại Hà Tĩnh, dù cơn bão số 2 chưa ảnh hưởng nghiêm trọng, song địa phương đã có biện pháp kịp thời đề phòng mưa lớn xảy ra. Ông Đặng Phi Hùng, Phó Chi cục trưởng, phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Tỉnh trển khai đôn đốc địa phương, tập trung nhân lực thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo công trình xây dựng cơ bản. Chỉ đạo các chủ công trình đảm bảo công trình hồ đập khi có mưa bão xảy ra. Chủ động kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên các ngư trường về nơi trú ẩn an toàn. Trực ban 24/24h để chủ động phòng tránh”.

Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các bộ ngành liên quan: tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động; tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê khi vừa phát sinh.

Kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò. Yêu cầu chủ các phương tiện phải chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách, kiên quyết không cho phương tiện hoạt động nếu không đủ điều kiện an toàn theo qui định. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Cơ quan phòng chống lụt bão Trung ương cũng yêu cầu các địa phương thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hạ lưu các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố; khu vực ngoài bãi sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên