Tây Tiến- Nét trữ tình và bản hùng ca

Cách đây 65 mùa xuân, có một đoàn quân gồm những chàng trai cô gái Hà Nội sau những ngày tự vệ, chiến đấu bảo vệ Thủ đô đã lên đường Tây tiến. Đó chính là Trung đoàn 52 Tây Tiến đã đi vào huyền thoại lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn, Tỉnh Đoàn Hòa Bình phối hợp với Trường cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc vừa tổ chức cuộc giao lưu giữa thanh niên với các cựu chiến binh Tây Tiến và trình diễn các tác phẩm thơ- nhạc của chiến sĩ Tây Tiến.

Tâm tình người chiến sĩ Tây Tiến

Đã nhiều lần tôi được tham dự các cuộc tọa đàm, giao lưu, mừng thọ của các chiến sĩ Tây Tiến, mỗi lần lại thấy thiếu vắng vài người. Thời gian với những cụ còn sống cũng không còn nhiều, song họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, thủy chung trong tình đồng chí, đồng đội, và là tấm gương cho con cháu noi theo.

Cuộc gặp gỡ lần này dường như đặc biệt hơn bởi nó diễn ra ở mảnh đất Hòa Bình, từng tiếp đón, nuôi dưỡng, che chở các chiến sĩ Tây Tiến ngay từ những ngày đầu khi đoàn quân rời đô thành khói lửa tiến lên phía Tây, 65 năm về trước.

Bác Giang Hồng Phúc theo đoàn quân Tây Tiến từ năm 17 tuổi, nay đã 82 tuổi, trải hầu hết cuộc đời binh nghiệp của mình ở mảnh đất Hòa Bình nên đã chọn chính đất này để an lão sau khi hoàn thành đời binh nghiệp. Các chiến sĩ Tây Tiến mang theo trong mình một động lực Cách mạng và vốn tri thức của thanh niên Thủ đô để bước vào cuộc kháng chiến. Bác Nguyễn Quang Thường, năm nay 93 tuổi, nguyên Phó Trung đoàn 52 Tây Tiến kể: “Khi nghe lời kêu gọi của Bác Hồ thấy xót xa, thương dân tộc mình lắm, thấy bằng giá nào, có chết cũng phải đứng lên để cứu dân tộc…”

Họ lên miền rừng thiêng nước độc, bước vào những trận đánh với toàn vũ khí thô sơ, quân trang quân dụng giản đơn và thiếu thốn, chỉ có tình nghĩa quân- dân là chan chứa. Bác Trần Kỳ ở Khu tập thể hàng không, Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội còn khắc sâu trong tâm khảm những câu chuyện cảm động: “Bà con Hòa Bình đã nuôi nấng, che chở đoàn quân Tây Tiến, cho “bú mớm” đúng nghĩa đen. Tôi nhớ, có một anh bị đói lả, nằm ngất, một bà mế đã mài củ mài lấy nước cho anh uống, anh tỉnh lại và đi theo kịp đoàn quân. Một anh khác cũng bị ngất giữa đường, có chị địu con đi nương, đã vắt sữa cho anh uống. Khi anh tỉnh thấy chị ấy đã đi lên nương xa rồi…”      

Bác Vũ Lễ, nay ở Tập thể Thành Công quận Ba Đình- Hà Nội, tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, rồi đi Tây Tiến. Lần này trở lại Hòa Bình, lúc đi qua tượng đài của trung đoàn bác đã  khóc nghẹn ngào bởi  thấy giờ mình còn được về Hòa Bình nhưng các đồng đội thì phải nằm lại…

Khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ là tinh thần của chiến sĩ  Tây Tiến  cho dù họ là trai hay gái. Bà Nguyễn Thị Thanh Liêm, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến, ngày đầu chỉ là bé gái 11 tuổi ở Sầm Nưa, làm liên lạc viên khi quân Tây Tiến đến Sầm Nưa. Sau đó về Hòa Bình bà Liêm được theo học lớp y tá để chăm sóc bệnh nhân tại Trạm xá Châu Trang. Bà Liêm kể về cách học nghề y hết sức đơn giản hồi ấy: “Ngày ấy học tiêm, chúng tôi cứ lấy những xi lanh hỏng tập tiêm vào cây chuối chứ đâu dám tiêm vào người. Rồi bẹ chuối phơi khô vuốt ra lấy làm băng để học băng bó. Khi chăm sóc bệnh nhân ở Quân y xá Châu Trang, làm gì có đủ thuốc kí ninh để cho anh em uống khi sốt rét. Tôi cứ phải vào rừng chặt cây đắng, bà con gọi là cây kí ninh, băm ra cho anh em uống. Hoặc một viên kí ninh hòa vào nước cho 10 người uống, gọi là để trấn an tinh thần chứ làm sao giải quyết được cơn sốt rét!”

Cũng tại trạm xá Châu Trang này, bà Liêm đã phải chứng kiến bao đồng đội đã ra đi trong âm thanh của tiếng cồng đưa tiễn. Nhớ lại mà bà Liêm không ngăn được dòng nước mắt bởi trong bà đó là âm hưởng thời hào hùng, đẹp như khúc ca bi tráng…

Bài thơ của Quang Dũng

Khi nói về đoàn binh Tây Tiến, nhà thơ Vân Long cho rằng, đây là đoàn binh tập hợp tất cả những người trai trẻ một thời của Hà Nội với đầy đủ những tài năng: từ cầm- kỳ- thi- họa, hay những tướng giỏi, có những chiến binh đã huyền thoại một thời như là anh hùng hảo hán, như người bắn giỏi  Tạ Đình Đề, những nhạc sĩ tài năng như Như Trang,  họa sĩ tài như Văn Đa, và đặc biệt là thi sĩ Quang Dũng…

Nhà thơ Vân Long nói về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: “Một bức tranh vĩ đại về thiên nhiên và con người, trong đó mỗi khổ thơ, mỗi một câu thơ, thậm chí chỉ vài ngôn từ cũng đủ để vẽ nên một bức tranh đẹp, đặc tả một địa danh, một cảnh vật, một con người cụ thể. Bài thơ Tây Tiến đầy ắp những bức họa, những giai điệu. Trong bức tranh tổng thể ấy, hình như non nước con người Hòa Bình được nhà thơ ưu ái hơn. Những địa danh Mường Hịnh, Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Sông Mã, Mộc Châu đều nằm trên một vùng giáp danh giữa ba tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa và Sơn La, nơi con gà gáy cả ba tỉnh đều nghe thấy, nơi con suối chảy về hai sông, khe đổ về sông Mã, khe chảy về sông Đà, thì bên kia là bãi Sang, bên này là Châu Mộc, cả một vùng núi non hiểm trở tuyệt mĩ ấy đã nằm trong thơ của Quang Dũng. Đầu tiên bài thơ mang tên “Nhớ Tây Tiến”, về sau tác giả nghe đồng đội và bạn bè bỏ chữ « Nhớ », và chỉ để “Tây Tiến”, chính vì thế bài thơ đã được mang tên của một đoàn binh, mang tên một mặt trận, và là một bài thơ. Như vậy, một bài thơ đã mang ý nghĩa của ba sự kiện rất lớn lao.”

Bác Nguyễn Xuân Sâm, một chiến sĩ Tây Tiến, bạn khá thân với nhà thơ Quang Dũng nói: “Thơ của anh ấy nói được cái hùng vĩ của miền tây, nói được cái hào khí của chiến sĩ, trong quang cảnh hùng vĩ của núi sông, và cái chất hào hoa… “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, đó là cảnh một cô gái đi chơi đêm, về muộn, đốt một bó đuốc đi trong sương đêm. Cái cảnh đó đẹp lắm. “ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”- đó là cảnh cô gái chèo thuyền xuôi dòng sông Mã, vừa hùng vĩ,  vừa nên thơ.”

Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích: “Chúng ta thấy đặc điểm của thơ kháng chiến chống Pháp, những tinh hoa nhất của thơ kháng chiến chống Pháp không rơi vào lớp đàn anh, tức những người đã nổi tiếng trước năm 1945 như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên. Cài mầu sắc kháng chiến chống Pháp nó không rơi vào lớp ấy, nó rơi vào lớp đàn em, lớp khi bước vào kháng chiến họ chưa nổi tiếng nhưng lại làm nên màu sắc của cuộc kháng chiến như Quang Dũng, như Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh v.v… Nói đến thơ kháng chiến phải nói đến những người này, trong những người đó thì bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng như một ốc đảo. Tôi nói “ốc đảo” vì thành tựu của nó không “dính” vào những thành tựu của các bài thơ khác. Nó là một thành tựu đột xuất, như một cái núi ở giữa đồng bằng, nhô lên, đến nỗi một thời kỳ mà người ta còn ngơ ngác, thậm chí người ta còn phê phán, hôm nay đọc lại thì thấy cái hay của nó khác cái hay của thời thơ mới, thời thơ lãng mạn,  khác cái hay của thơ thời sau đó như Việt Bắc, Nhớ Bầm của Tố Hữu. Nó có những câu thơ kỳ ảo nửa lãng mạn nửa hiện thực. Câu thơ như thế này: «Áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành » thì có gì xa xưa như thơ cổ, nhưng nó chính lại là hiện thực của cuộc kháng chiến… Hay là hai câu thơ chỉ mười mấy chữ mà nó là hai thế giới mà duy nhất Quang Dũng ghi được cái tâm hồn học sinh Hà Nội mà có thời người ta định nghĩa là “tiểu tư sản” ấy, thì cái chất tiểu tư sản này nó lại đi vào kháng chiến và có cái chung sống của hai cảm xúc này là «mắt trừng gửi mộng qua biên giới », tức là chiến tranh, dữ dội, nguy hiểm, câu thứ hai là  “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm »… Ban ngày thì nó dữ dội, chiến tranh là như vây, nhưng lui về hậu trường ban đêm, thì đi vào giấc mộng lại…  «mơ Hà Nội dáng kiều thơm ». Trước đây hai câu thơ này ngươi ta phê phán điển hình mang tâm hồn dấu vết tiểu tư sản. Nhưng giờ mình trưởng thành lên, mình thấy dấu vết đó đâu phải là xấu, nó là cái phong phú của tâm hồn con người, nó có mặt này, có mặt kia, và cả hai mặt đó nó đi chung một con đường là yêu nước, khát khao giành độc lập cho dân tộc. Có lẽ bài thơ Tây Tiến nó còn sống lâu với chúng ta chính ở cái tâm hồn phong phú, cái trữ tình mơ mộng và cái dữ dội hiện thực…” 

Lớp trẻ Hòa Bình  hôm nay với Tây Tiến

Cùng với lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến, Ban liên lạc cựu chiến binh Tây Tiến đã triển khai các hoạt động như: Làm hồ sơ đề nghị công nhận “Di tích cấp tỉnh” cho Đài tưởng niệm Tây Tiến tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn được xây dựng từ năm 1991 tưởng niệm hơn 200 chiến sĩ Tây Tiến đã anh dũng hy sinh tại Quân y xá Châu Trang; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng “ Đài tưởng niệm Tây Tiến” ở chân dốc Cun, quốc lộ 6 (triển khai từ năm 2010); Tổ chức trình diễn những tác phẩm thơ nhạc của chiến sĩ Tây Tiến do Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc dàn dựng. Qua âm nhạc, tiếng hát lời ca và việc làm của những đoàn viên thanh niên ấy, chúng ta có thể thấy nét khởi sắc của thế hệ trẻ Hòa Bình hôm nay.

Tiếng hát của các nghệ sĩ trẻ  Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc như thôi thúc một thế hệ mới tiếp nối cuộc hành trình của những chiến sĩ Tây Tiến năm nào. Mặc dù họ chỉ được tập luyện hai tác phẩm Trấn biên cương và Tiếng cồng quân y của Nhạc sĩ - liệt sĩ  Như Trang trong hơn hai tuần, nhưng tại buổi giao lưu với các chiến sĩ Tây Tiến, hai hợp xướng thể hiện hai ca khúc này đã rất thành công, gieo vào lòng khán giả biết bao cảm xúc. Lường Văn Tài, học sinh năm thứ ba, Khoa thanh nhạc của trường chia sẻ: “Bọn em tập bài hợp xướng trong hai tuần. Thầy giáo đã đưa cho chúng em xem những tài liệu về chiến sĩ Tây Tiến, nói về sự  gian khổ, những căn bệnh trong trạm quân y mà chiến sĩ mắc phải, về  lòng bất khuất của chiến sĩ, sự hy sinh… để cảm nhận, để thể hiện…”

Nhìn các nghệ sĩ trẻ hóa thân vào những tiết mục nghệ thuật, tái hiện lại hình ảnh thế hệ thanh niên thủ đô hào hoa đã dũng cảm chiến đấu nơi trấn biên cương và nghe những câu chuyện cảm động của cựu chiến binh Tây Tiến, các Đoàn viên thanh  niên tỉnh Hòa Bình như được tiếp thêm sức mạnh lý tưởng và ý nghĩa cuộc sống. Bạn Triệu Thị Thu Hà, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình chia sẻ: “Ngày bé đi học tôi chỉ được nghe bài thơ thôi, bây giờ lại được nghe chính các bác nhân chứng sống tâm sự về những khó khăn vất vả, sự hy sinh xương máu của trung đoàn 52. Đây thực sự là điều có ý nghĩa và có sức lan tỏa, nhất là với các em học sinh…”

Cô giáo trẻ Nguyễn Thi Nga, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật quân đội và Nhạc viện, được về công tác tại Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc đã thể hiện rất thành công phần lĩnh xướng trong hai hợp xướng Trấn biên cương và Tiếng cồng quân y. Nghệ sĩ trẻ này đã cảm nhận sâu sắc những tố chất nổi bật của người chiến sĩ Tây Tiến, những người tài hoa và cũng rất oai hùng.  

Giáo dục truyền thống bằng con đường nghệ thuật đã là một cách làm hay. Ông Trương Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc là con của bác Trương Văn Thọ- chiến sĩ Tây Tiến, chính là người chỉ đạo chương trình nghệ thuật dành cho các cựu chiến binh Tây Tiến chia sẻ:  “Tôi cho rằng những người có nhiệm vụ phải giới thiệu Tây Bắc, giới thiệu truyền thống Tây Tiến, chính là những người làm nghệ thuật, và chúng tôi đào tạo những chiến sĩ trên mặt trận này…”

Riêng các cựu chiến binh Tây Tiến ở Hòa Bình hiện nay còn trên dưới 100 người, tuổi cao sức yếu, “trẻ nhất” cũng trên 75 tuổi, cao nhất trên 90 tuổi. Phó bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình Triệu Thị Thu Hà cho biết: “Chúng tôi mời những cựu chiến binh, những nhân chứng sống đến nói chuyện với thanh niên thì thanh niên rất thích, gây được ấn tượng, gợi trong lòng thanh niên những tình cảm yêu quê hương, đất nước… Chúng tôi cùng với những bác Tây Tiến đến từng nhà những thanh niên chậm tiến, vận động các bạn tham gia hoạt động Đoàn, hoạt động phát triển kinh tế như cấy lúa trồng ngô, dần dần cảm hóa các bạn…”

Cuộc sống có thể đổi thay từng ngày, nhưng những giá trị cao quí của người chiến sĩ Tây Tiến- nét trữ tình và bản hùng ca ấy vẫn còn mãi trong lịch sử và sống mãi trong lòng thế hệ sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên