Thị trường xăng dầu - vì đâu nên nỗi?!

Hàng loạt lý do đã được đưa ra, nhưng có lẽ, lý do chính yếu, cơ bản nhất chính là việc quản lý và điều hành giá xăng dầu theo cơ chế giá thị trường trong suốt thời gian qua vẫn chưa tuân thủ theo đúng trình tự và mục tiêu đã đề ra

0 giờ sáng 1/7/2009, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu trên thị trường đã điều chỉnh tăng từ 500-700 đồng/lít. Vì sao lại có chuyện tăng giá “tréo queo” - trái với quy định của Bộ Tài chính là chỉ cho phép điều chỉnh không quá 500 đồng/lít xăng, dầu trước đó?! Hơn nữa, việc tăng giá một mặt hàng khá nhạy cảm với thị trường lại rơi ngay vào ngày đầu tiên của quý III - khi mọi nỗ lực của Chính phủ và các bô,̣ ngành đều nhằm một mục tiêu là bình ổn giá, chống suy giảm kinh tế ?!

Theo quyết định của Bộ Tài chính, giá bán lẻ các loại xăng tăng 700 đồng/lít, diezel tăng 600 đồng/lít, dầu hỏa tăng 650 đồng/lít, và - giá bán buôn mazut 3S và 3,5S tăng 500 đồng/kg.

Những con số này cho thấy, hầu hết các mặt hàng xăng, dầu đều tăng vượt quá quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 56 /2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu ban hành ngày 23/3/2009 chỉ cho phép các doanh nghiệp đầu mối tăng không quá 500 đồng/lít xăng, dầu. Vì sao lại có chuyện Bộ này không tuân thủ quy định của chính mình ban hành?

Trước đó, ngày 10/6/2009, Bộ Tài chính cũng đã cho phép tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng dầu với lý do: “tăng bù” cho những lần trì hoãn bởi đã nhiều lần bác đơn xin tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong nước, trong khi giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục tăng cao khiến số lỗ của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam - đơn vị nắm vai trò đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa vượt quá sức chịu đựng, còn một số doanh nghiệp đầu mối khác báo động khả năng giảm lượng hàng nhập vào.

Hàng loạt lý do đã được đưa ra, nhưng có lẽ, lý do chính yếu, cơ bản nhất đã không được nhắc tới. Đó chính là việc quản lý và điều hành giá xăng dầu theo cơ chế giá thị trường trong suốt thời gian qua, kể từ ngày 16/9/2008 (QĐ về việc kinh doanh giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước) đến nay vẫn chưa tuân thủ theo đúng trình tự và mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể: Thứ nhất, Tổ giám sát giá xăng dầu (thuộc Liên Bộ Tài chính - Công thương) đã can thiệp quá sâu (có thể nói là một sự can thiệp thô bạo) vào nội bộ hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, thông qua việc quy định, khống chế tỷ lệ lãi (theo kiểu cào bằng) cho các doanh nghiệp. Thể hiện chính điểm yếu trong công tác quản lý nhà nước khi công khai tất cả các khoản thuế phí xuất, nhập khẩu xăng dầu - thậm chí đã liên tục để lộ thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu trước nhiều giờ - trong khi quy định về việc điều chỉnh giá xăng dầu thuộc bí mật quốc gia, rất dễ ảnh hưởng, biến động, xáo trộn đến an ninh giá cả thị trường.

Thứ hai, việc cho ra đời Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hơn 3 tháng, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân là do việc hình thành Quỹ đúng vào dịp giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao. Việc trích nộp vào quỹ mới chỉ thực hiện được đối với mặt hàng dầu hỏa là không đáng kể (chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng xăng dầu). Điều này kéo theo hệ lụy là quy định về việc điều chỉnh giá xăng dầu không được vượt quá 500 đồng/lần (thông tư 56) đã không thực hiện được. Đó là chưa kể đến việc, Tổ giám sát giá xăng dầu thuộc Liên Bộ Tài Chính - Công thương đã chưa theo sát được tình hình biến động giá xăng dầu trên thị trường thế giới suốt thời gian qua nên đã cố tình trì hoãn việc tăng giá xăng, dầu trong nước - gây nên tình trạng giá xăng dầu trong nước thấp hơn  so với các nước trong khu vực (tới 3.000 – 4.000 đồng/lít) - không chỉ khiến các doanh nghiệp lỗ mà còn tiềm ẩn nguy cơ xuất lậu sang bên kia biên giới.

Thứ ba, Chính phủ đã thống nhất chủ trương chuyển mặt hàng xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường từ ngày 16/9/2008. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo sửa đổi bổ sung Nghị định số 55/2007 NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế (văn bản số 253/TB-VPCP ngày 15/9/2008 ), song cho đến nay vẫn chưa được triển khai, thực hiện.

Tại thông báo số 172/TP-VPCP ngày 07/6/2009 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá xăng dầu cũng đã chỉ rõ: “Trong điều hành cụ thể, các cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường; việc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu các cơ quan có trách nhiệm triển khai còn chậm…”.

Thiết nghĩ, bất cứ một loại hàng hóa, dịch vụ nào khi vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì vấn đề là vai trò của người thực thi và người quản lý phải được rạch ròi. Sự “nhầm lẫn” trong quản lý và điều hành - theo kiểu “xin-cho”, bắt buộc khi tăng, lúc giảm đã vượt quá xa với chức năng của Tổ giám sát giá xăng dầu - Liên Bộ Tài chính-Công thương. Không những thế, nó đã minh chứng cho sự yếu kém trong quản lý vĩ mô trước những biến động giá cả trên thị trường thế giới.

Hãy thử nghĩ xem, nếu như giá dầu thô trên thị trường thế giới lặp lại kịch bản của năm 2008, thị trường xăng dầu trong nước sẽ biến động ra sao - với một Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đi vào hoạt động? Và nếu như vậy có nghĩa là quy định không được tăng quá 500 đồng/lít xăng dầu cần được bãi bỏ để người tiêu dùng tránh “sốc” sau mỗi lần tăng giá trái quy định như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên