Trả lời khiếu nại của Viện Sena

Liên quan bài báo “Lập viện nghiên cứu… kinh doanh công sản” đăng trên VOVNews ngày 29/6/2009

Ngày 4/6/2011, Viện Sena có Công văn số 09/2011/CV-VSENA gửi Báo TNVN, Đài TNVN và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội(?) khiếu nại bài báo “Lập viện nghiên cứu… kinh doanh công sản” của Nhóm PV TNVN, đăng trên Báo TNVN cách đây 2 năm 3 tháng.

Công văn có 3 phần. Phần I - Sau khi nêu: “Liên tục trong 2 năm, tính đến ngày 29/5/2011, Báo TNVN và tác giả “Nhóm PV TNVN” đã đăng nhiều bài sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín Viện Sena”, công văn đề cập nội dung bài báo “Lập viện nghiên cứu kinh doanh… công sản” với khẳng định, bài báo đưa ra những kết luận không đúng sự thật: “Viện Sena được thành lập từ năm 1992. Sau 17 năm hoạt động, Sena… sử dụng công sản để… kinh doanh trái phép”; “Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào… Trong biên chế của Sena không có bất cứ một nhà khoa học nào”; “Viện nghiên cứu này không cần phải nghiên cứu khoa học”; “Sena chỉ tồn tại như một vỏ bọc để một số người chiếm dụng đất đai nhằm mưu lợi cá nhân”.

Phần II - “Những căn cứ chứng minh”. Nội dung chỉ là các câu hỏi yêu cầu Báo TNVN trả lời: Vì sao hoặc căn cứ nào lại đăng các nội dung trên? Trong khi đó, nội dung “3 tài liệu minh họa cho quan điểm của Viện Sena” gửi kèm theo, lại có nhiều nhầm lẫn khó hiểu, sai sự thật, không minh họa gì cho các “câu hỏi” kể trên.

Phần III - Yêu cầu của Viện Sena: Căn cứ Điều 9 Luật Báo chí, ngay lập tức Báo TNVN phải gỡ bỏ toàn bộ các bài viết sai trái về Viện Sena và có bài viết cải chính, xin lỗi công khai Viện Sena.

Ngày 14/6/2011, Báo TNVN có Công văn số 20/TNVN - BTNVN trả lời: Không có căn cứ để thực hiện theo yêu cầu của Viện Sena; nêu rõ, Viện Sena đã “quên” không nhắc tới 2 Kết luận thanh tra và Văn bản Thông báo kết luận của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội khẳng định sai phạm của Viện Sena; lưu ý Viện Sena, cả 3 văn bản này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Tuy nhiên, với tinh thần tôn trọng bạn đọc, Báo TNVN trân trọng đề nghị Viện Sena cung cấp thêm tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh, để có căn cứ xem xét nội dung yêu cầu của Viện Sena.

Đáp lại, ngày 8/7/2011, Viện Sena có Công văn số 14/2011/CV-VSENA gửi Lãnh đạo Báo TNVN, không những không cung cấp tài liệu chứng minh, mà dùng những lời lẽ xúc phạm cơ quan báo chí, danh dự, nhân phẩm của tác giả và rất thiếu hiểu biết pháp luật. Theo Điều 9, Luật Báo chí, Báo TNVN không có trách nhiệm xem xét nội dung công văn này. Đồng thời có cơ sở khẳng định, ngoài những chứng cứ đã gửi, Viện Sena không còn tài liệu gì thêm.

Về Công văn số 09/2011/CV-VSENA, ngày 4/6/2011, do Viện trưởng Nguyễn Sơn Lộ ký, Báo TNVN trả lời như sau:

Một là, ông Lộ đã nhầm lẫn khi nêu: “Liên tục trong 2 năm, tính đến ngày 29/5/2011, Báo TNVN và tác giả “nhóm PV TNVN” đã đăng nhiều bài sai sự thật…”. Tiếp tục nhầm khi trong tài liệu (gửi kèm) còn in đậm nội dung: “Điểm mới lần này nằm ở bài của nhóm phóng viên VOV… Đó là những nội dung trước đây vẫn thường được sắp xếp ở trang Xã hội hoặc Kinh tế, nhưng lần này chắc do quá bức xúc, lo lắng… cho nên trong số ra ngày Chủ nhật 29/5/2011, họ đã bố trí “tác phẩm” lên đầu trang Hình sự…” (kèm theo là “tài liệu” photo “có gia cố” bài: “Thu hồi toàn bộ nhà đất 35 Điện Biên Phủ”, dòng chữ “Hình sự. Chủ nhật 29/5/2011” được bôi đen).

Sự thật, Báo TNVN xuất bản 2 kỳ/tuần, vào thứ Ba và thứ Năm, không hề có trang Hình sự, các bài viết về Viện Sena đều đăng trên trang Pháp luật. Bài “Thu hồi toàn bộ nhà đất 35 Điện Biên Phủ” đăng ngày 22/10/2009, chứ không chờ tới ngày 29/5/2011, tức là gần 1 năm 6 tháng sau mới đăng (như Viện Sena bôi đen trong tài liệu).

Phải chăng, việc “cố” kéo dài thời gian này là để phù hợp với tài liệu gửi kèm là Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 của Bộ Tài chính? Đáng tiếc là ông Lộ lại nhầm vì Viện Sena không phải là đối tượng điều chỉnh của 2 văn bản trên đây bởi các lý do: Điều 1, Quyết định 09 quy định: “Quyết định này quy định việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở nhà đất) thuộc sở hữu Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý, sử dụng”; Điều 2, Thông tư 39 quy định: “Đối với nhà thuê của Công ty quản lý kinh doanh nhà hiện do các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp đang sử dụng”.

Theo Điều lệ hoạt động của Viện Sena, Viện là đơn vị sự nghiệp nghiên cứu triển khai (không phải là đơn vị sự nghiệp công lập), hạch toán độc lập, tự trang trải, hoạt động bằng vốn góp của một số thành viên tham gia thành lập, vốn tài trợ, vốn vay… Viện không được Nhà nước cấp kinh phí; cũng không được bố trí, giao, cấp trụ sở để hoạt động. Nhà 35 Điện Biên Phủ là nhà do Viện Sena thuê của Công ty Kinh doanh nhà Hà Nội, chưa bao giờ là tài sản Nhà nước giao cho Viện quản lý, sử dụng. Viện Sena không thuộc đối tượng do Bộ Tài chính cấp kinh phí hoạt động nên Bộ Tài chính không phải là cấp quyết định về việc sử dụng cơ sở nhà đất 35 Điện Biên Phủ của Công ty Kinh doanh nhà thuộc TP. Hà Nội. Chính ông Lộ cũng thừa nhận: “Viện thành lập năm 1991… bắt chước mô hình Nhà nước… chứ có phải Viện Nhà nước quái đâu”. Việc Viện Sena bị các cơ quan chức năng Hà Nội kiến nghị thu hồi nhà đất là do vi phạm pháp luật kéo dài trong quá trình thuê nhà.

Hai là, ông Lộ yêu cầu: “Xin Báo TNVN và tác giả trả lời: Vì sao lại kết luận, Viện Sena đã sử dụng công sản để kinh doanh? Và kinh doanh trái phép ở chỗ nào?”.

Trả lời: Nội dung này đã được chứng minh trong các bài báo đã đăng trên Báo TNVN và đã được cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kết luận và kiến nghị thu hồi toàn bộ nhà đất 35 Điện Biên Phủ. Cụ thể: Văn bản số 1918/KL-TTTP(P1) ngày 13/10/2009 của Thanh tra Hà Nội kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ; Văn bản số 708/TTTP(P1) ngày 10/5/2010 của Thanh tra Hà Nội về giải quyết khiếu nại kết luận thanh tra của Viện Sena; Thông báo 240/TB-UBND ngày 8/7/2010 của UBND TP. Hà Nội. Các văn bản này khẳng định: Toàn bộ diện tích nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ thuộc sở hữu Nhà nước, từ năm 2005 Viện Sena không nộp tiền thuê nhà, không thực hiện kê khai theo Quyết định 09/2007/TTg, tự ý cho các tổ chức nước ngoài thuê một phần diện tích nhà ở 35 Điện Biên Phủ dưới các hình thức thỏa thuận và hợp đồng dịch vụ có thu tiền, vì thế Thanh tra TP thống nhất với ý kiến của Sở Xây dựng, đề nghị UBND TP giao Sở Xây dựng làm thủ tục thu hồi nhà đất ở 35 Điện Biên Phủ. Các văn bản này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ba là, ông Lộ hỏi: “Căn cứ để đăng: Viện Sena chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào được thẩm định bởi các Hội đồng khoa học”? “Trong biên chế của Sena không có bất cứ một nhà khoa học nào”? Viện trưởng của viện này có thuộc biên chế của Viện Sena? Vì sao ông này không phải là nhà khoa học, một khi đã là chủ nhiệm nhiều công trình khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước?...

Trả lời: Chắc chắn ông Lộ không ngờ, mặc dù đã 2 năm 3 tháng, Báo TNVN vẫn lưu giữ nguyên vẹn nội dung băng ghi âm toàn bộ buổi làm việc giữa ông với các nhà báo: Đoàn Quang, Phạm Trung Tuyến, Hà Nho. Chỉ cần căn cứ vào nội dung băng ghi âm này đã có thể trả lời các câu hỏi nêu trên. Để khỏi làm mất thời gian của bạn đọc, chỉ xin dẫn ra đây một số nội dung có trong băng ghi âm.

Trước hết, đơn tố cáo nêu: Biên chế của Viện chỉ có 3 - 4 người, ngoài ông Viện trưởng chỉ có vài trường hợp là lái xe, bảo vệ, nhân viên lễ tân và tạp vụ được ký hợp đồng với Viện, được trả lương, đóng bảo hiểm; không có Chi bộ,  Chi đoàn, Công đoàn… Phóng viên đã nhiều lần nêu câu hỏi về nội dung này, ông Lộ quanh co rồi đành thừa nhận: “Có thể thế. Các anh cứ cho là đúng đi, chẳng sao cả”; “Già khú rồi, làm gì có thanh niên”; “Tôi 28 năm trong quân đội nhưng tôi không phải đảng viên”.

Về chuyên môn, ông Lộ chân thành: “Tôi là tiến sĩ. Nhưng mà tiến sĩ rởm thôi. Tôi là tiến sĩ tự động hóa, có 2 bằng đại học. Nhưng phải nói rằng tất cả kiến thức của tôi lão hóa rồi, quên hết rồi. Phải nói chân thành với các anh thế. Chân  thành đấy. Bởi thế này này, tôi làm quản lý lâu rồi… Phải nói thật với các anh là chuyên môn thật tôi quên hết rồi, mình làm quản lý mấy chục năm, có năm nào làm chuyên môn đâu. Thành ra cái học hàm để đấy, bỏ đấy cũng được, chẳng sao… Mình “trộ” anh em mình là tiến sĩ, thực ra là không sòng phẳng”.

“Thẳng thắn” như vậy, nhưng khi trả lời nội dung tố cáo Viện Sena chưa có công trình khoa học được Hội đồng khoa học thẩm định, ông Lộ đã không chứng minh được rõ ràng. Ông đưa ra một quyển sách và nói: “Đây chính là công trình khoa học”. Nhưng ông cũng không làm rõ đó là công trình của Viện Sena, được Hội đồng khoa học thẩm định. Phóng viên đề nghị được giữ lại quyển sách, ông liền thoái thác: “Không được. Quyển này 500.000 đồng, rất muốn tặng các anh nhưng vì hoàn cảnh éo le…”. Khi phóng viên trả lại, và hỏi: “Cuốn này nghe nói bị thu hồi, có đúng không?”. Ông Lộ: “Theo tôi, các anh nên hỏi Ban Tuyên giáo. Tôi nói với các anh thế này. Thứ nhất, quyển này không phải quyển ấy. Thứ hai, không có ai thu hồi cả. Quyển này Tổng Bí thư có nói rằng nên ở phạm vi nghiên cứu hẹp. Chưa ông nào, xin lỗi các anh, mở mồm nói đúng hay sai cả”. Hỏi về cuốn sách “Việt Nam thay đổi và hạnh phúc” cũng có thông tin bị thu hồi, ông Lộ gạt đi: “riêng về quyển này, tôi khuyên các anh, tốt nhất đừng đả động đến”, và nói nhiều nội dung “nhạy cảm” nữa mà chúng tôi thấy chưa cần thiết phải nêu ra đây. Sau đó, ông Lộ nói: "Theo tôi, hai vấn đề cốt tử nhất là cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước và vấn đề trốn thuế. Còn tất cả các vấn đề khác là vấn đề nội bộ".

Sau đó, cùng với những căn cứ khác, Báo TNVN đã đăng bài điều tra, Đài TNVN phát sóng, ông Lộ không phản ứng gì. Đến nay, sau 2 năm 3 tháng, bỗng nhiên ông khiếu nại, nhưng cũng không đưa ra tài liệu pháp lý chứng minh Viện Sena có công trình khoa học được thẩm định bởi các Hội đồng khoa học, ngay cả khi Báo TNVN có công văn đề nghị.

Chỉ cần như vậy, đã đủ để trả lời các câu hỏi nêu trên của ông Lộ.

Bốn là, ông Lộ lại hỏi: “Căn cứ nào để đặt vấn đề: “Viện nghiên cứu này không cần phải nghiên cứu khoa học”?; “Vì sao lại viết: Sena chỉ tồn tại như một vỏ bọc để một số người chiếm dụng đất đai mưu lợi cá nhân”?.

Xin thưa: Câu trả lời đầy đủ nằm trong nội dung bài báo. Xin dẫn ra đây một đoạn: “Thậm chí, để hoàn toàn không cần phải làm gì, ngày 23/12/2008, Sena còn công nhiên ký hợp đồng với Công ty cổ phần Gia Cát với nội dung: chuyển giao hoàn toàn quyền quản lý kinh doanh tòa nhà 35 Điện Biên Phủ cho Công ty Gia Cát. Theo hợp đồng này, Công ty Gia Cát sẽ được giữ lại 8% doanh thu từ việc cho thuê văn phòng. Như vậy, toàn bộ khu nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đã nghiễm nhiên bị sử dụng sai mục đích. Vấn đề là khoản tiền khổng lồ từ nguồn lợi công sản cho thuê kia được sử dụng như thế nào? Liệu số tiền cho thuê nhà có trở lại ngân sách của Liên hiệp các Hội KHKT để phục vụ mục đích khoa học? Điều này chắc chắn không xảy ra, vì Sena là đơn vị hạch toán độc lập. Và có một điều chắc chắn khác, đó là cơ quan thuế cũng không được biết khoản thu này”. Trong khi đó, lại có chuyện, ông Nguyễn Sơn Lộ được biệt phái sang một đơn vị khác suốt từ năm 2003 đến 2008, được hưởng lương và các khoản phụ cấp tại cơ quan biệt phái, nhưng vẫn cứ làm Viện trưởng Viện Sena(!?).

Cuối cùng, từ nội dung trả lời này, Báo TNVN mong rằng, Viện Sena hãy thẳng thắn nhận ra sai trái của mình để có những hành xử tích cực, đúng pháp luật.

Tham gia phản ánh vụ việc này, Báo TNVN không có mục đích nào khác ngoài mục đích bảo vệ công sản của Nhà nước, phê phán hành vi sai trái, góp phần đảm bảo tính đúng đắn trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, của mọi tổ chức xã hội và công dân. Với tinh thần đó, Báo TNVN đề nghị UBND TP. Hà Nội có biện pháp giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật đối với những vi phạm của Viện Sena đã được Sở Xây dựng, Thanh tra TP và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình kết luận; không để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, cũng như tính nghiêm minh của pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên