Từ “khoán chui” cất tiếng nói đổi mới

VOV.VN -Phóng viên Đài TNVN nhận ra thực tế dù “khoán chui” đi ngược nghị quyết, đường lối nhưng vẫn đem lại ấm no cho người dân.

Các bài phát trên Đài TNVN đã giúp các nhà lý luận đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, giúp Đảng, Chính phủ đề ra những chính sách đột phá cho nông nghiệp gọi là "khoán 10".

Trong đêm khó ló “khoán chui”

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ này, nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Nhà nước lên kế hoạch cho mọi hoạt động kinh tế, các xí nghiệp, nhà máy cứ theo kế hoạch mà làm. Thành phần kinh tế tư nhân dần bị xóa bỏ. Nông dân làm việc trong các hợp tác xã. Dù là một đất nước nông nghiệp, “bờ xôi ruộng mật” trải dài từ Bắc chí Nam nhưng chúng ta vẫn thiếu gạo, thiếu lương thực, thiếu thực phẩm…

Còn trước đó, khoán đất ruộng cho từng hộ nông dân, tập trung công sức thật sự làm ra hạt lúa, củ khoai nhiều hơn phát tích từ “đất Vua Hùng” vào những năm 60 của thế kỷ trước. Cuộc sống từ đây đi lên khấm khá, xã viên nhiệt liệt ủng hộ, nhưng Chủ nhiệm Hợp tác xã không dám nhân rộng, không dám báo cáo với cấp trên, thậm chí nhiều nơi giấu cả nhà báo.

(Ảnh minh họa. Nguồn: TL)

Có nhà báo biết sự thật, nhưng soi vào Nghị quyết, đường lối thấy ngược nên không dám phản ánh. Khoán thật, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật vẫn là “khoán chui”. Đến như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, Hoàng Kim Ngọc bị kỷ luật về sự “khoán chui” này. Nhưng miếng cơm, manh áo hàng ngày thôi thúc phải làm ra nhiều của cải. Chia đất, khoán sản phẩm cho từng hộ nông dân vẫn ngấm ngầm, lan truyền từ Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú, xuống Đồ Sơn, Hải Phòng, sang Thanh Liêm, Hà Nam Ninh.

Ngày ấy, phóng viên trẻ Trương Hữu Lợi của Đài TNVN, học văn chương ở Ba Lan về, gắn bó với miền quê, đất ruộng, với nông dân “một nắng hai sương” đã bắt nhịp với cuộc sống thật. Tính anh ít nói, nhưng đã nói là thật lòng, thấy đúng là nói ngay. Một đêm mưa lạnh giá, Trương Hữu Lợi nao lòng khi thấy cảnh bà con ở Hợp tác xã Nam Sơn, Thanh Liêm đốt đuốc vớt lúa, bắt sâu.

Họ làm vì cái gì? Vì phong trào hay vì chính lợi ích bản thân, gia đình? Thì ra họ làm thật, làm vì mảnh ruộng khoán, nhưng Tỉnh ủy, Ban Nông nghiệp lại cho là sai trái, mất lập trường. Một cán bộ chủ chốt của huyện vừa học chính trị dài hạn về lớn tiếng với các chủ nhiệm hợp tác xã “khoán chui”: “Các anh phá Chủ nghĩa xã hội rồi, các anh kích thích nông dân chạy theo lợi nhuận rồi”.

Biết rằng lúc này nói lại cho rõ trắng đen, sự thật, tranh luận với số đông cán bộ loại này không xuể, nên Trương Hữu Lợi lẳng lặng về cơ quan báo cáo sự thật với lãnh đạo Ban biên tập và cho lên sóng phóng sự thu thanh: “Khoán mới ở Hợp tác xã Nam Sơn” trong hai chương trình Thời sự 18h ngày 9 và 10/11/1980.

Sau đó hai ngày trên trang báo Đại đoàn kết có bài “Ngọn gió Hải Phòng” của nhà báo kỳ cựu Thái Duy, rồi lần lượt các báo Nhân dân, Tiền phong, bản tin Thông tấn xã đăng tải các tin, bài về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Khoán mới qua làn sóng phát thanh và các trang báo đã thổi luồng gió mới vào dư luận, được bà con nông dân đón nhận, đồng tình, nhưng liệu có được các cấp lãnh đạo lắng nghe, tiếp thu, ủng hộ? Lắng nghe, suy nghĩ, nhưng không chùn bước, nhà báo Trương Hữu Lợi lại về Hà Nam Ninh viết tiếp phóng sự: “Huyện Xuân Thủy phát huy tác dụng của khoán sản phẩm”.

Trong phóng sự có thể hiện đậm đà tình cảm của đồng chí Trường Chinh về thăm quê, chăm chú nghe bà con nông dân nói “khoán mới” và nhận xét: “Tôi nghiệm thấy từ khi có Đảng, có Cách mạng đến nay, một khi quần chúng nhân dân làm chủ thật sự thì Cách mạng gặp khó khăn mấy cũng vượt qua”.

Đồng chí Trường Chinh một phút nghe sự thật, hay cuộc họp báo có một không hai

Vế đầu là của Trương Hữu Lợi viết trong hồi ký “Khoán chui”, còn vế sau là của nhà thơ Trần Đăng Khoa, viết trong điếu văn đọc tại lễ tang nhà báo Trương Hữu Lợi ngày 8 tháng 5 năm 2015.

Theo quy chế của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban biên tập ký duyệt chương trình phát sóng, nhưng phóng sự “Huyện Xuân Thủy phát huy tác dụng của khoán sản phẩm” có hai nội dung “nhạy cảm”. Một là nhân rộng mô hình “khoán mới” khi chưa có nghị quyết của Đảng, hai là có ý kiến của đồng chí Trường Chinh.

Với tinh thần thận trọng và cầu thị, Tổng biên tập Trần Lâm gửi bài phóng sự lên Văn phòng đồng chí Trường Chinh xin ý kiến. Sau một thời gian chờ đợi, 19 giờ ngày 13/10/1981, đồng chí Trường Chinh tiếp nhà báo Trương Hữu Lợi tại nhà riêng, số 3, Nguyễn Cảnh Chân. Thời gian người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước dành cho nhà báo trẻ không nhiều, nhưng cũng đủ cho Trương Hữu Lợi kể hết những điều mắt thấy tai nghe từ ngoài Bắc vào trong Nam về khoán mới.

Nhìn dòng chữ phê phán những người bài xích khoán mới bị đồng chí Trường Chinh gạch đi, Trương Hữu Lợi chân thành: “Thưa bác, theo cháu thì bác còn dè dặt với vấn đề khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Đồng chí Trường Chinh nhỏ nhẹ: “Theo tôi dè dặt, thận trọng là đúng. Nếu mình nôn nóng, hứa hẹn với quần chúng mà thực tế lại diễn ra ngược lại, đời sống quần chúng gặp khó khăn thì quần chúng kém phấn khởi, mất lòng tin” - “Thưa bác, cháu e rằng sự e dè của bác có thể làm cho một số cán bộ phân vân. Nguy hại hơn, một số cán bộ bảo thủ vin cớ rằng chưa có sự thống nhất ở các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nên chần chừ trong việc thực hiện”. Đồng chí Trường Chinh sững lại: “Thật thế à. Họ hiểu thế à? Lần đầu tiên có người nói với tôi về điều này”.

Ra về, Trương Hữu Lợi băn khoăn mãi: Có phải mình thật quá không? Có lỡ lời không?

Nhà báo Trần Ngọc Thụ, Ủy viên Ban Biên tập Đối nội có kiến thức sâu rộng, ưa thích cái mới nên khi nghe phóng viên nói thật cái mới đang diễn ra, dù chỉ là đốm lửa nhỏ trong đêm đã ủng hộ, khuyến khích Trương Hữu Lợi viết phóng sự về khoán mới. Giờ nghe ý kiến của đồng chí Trường Chinh là bàn với Tổng biên tập, nếu thấy cần thiết thì phát, nếu không thì giữ lại làm tư liệu. Như vậy là cán bộ cấp cao của Trung ương không can thiệp sâu vào công việc của báo chí mà giao quyền định đoạt và tự chịu trách nhiệm cho Tổng biên tập.

Nhà báo Trần Ngọc Thụ chỉ nói hai tiếng “thoáng quá” rồi cùng Trương Hữu Lợi gặp Tổng Biên tập Trần Lâm. Tổng biên tập không chỉ đồng ý phát sóng bài nhân rộng khoán mới mà còn chia sẻ thêm về tuyên truyền và thông tin. Từ phản ánh hiện thực khoán mới trong nông nghiệp, khoán sản phẩm đến khâu cuối cùng trong công nghiệp, hay xóa bỏ ngăn sông cấm chợ trong phân phối lưu thông cho thấy hiện thực đang diễn ra sinh động, phong phú.

Làn sóng Tiếng nói Việt Nam muốn có tiếng nói thật hợp với lòng dân ý Đảng thì phải thông tin nhiều chiều, xóa bỏ cách tuyên truyền cứng nhắc, một chiều từ trên xuống, chỉ minh họa chủ trương, quan điểm, chính sách mà xem nhẹ tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân.

Những năm 80, 81 của thế kỷ trước mà có được quan niệm về báo chí như thế thật sự là đổi mới. Sau này có nhiều người hỏi kinh nghiệm những nhà báo thời ấy thì câu trả lời cũng đơn giản thôi: phóng viên phát hiện, lãnh đạo lắng nghe, chịu trách nhiệm và quyết đúng thì ắt thành công. Còn với cố nhà báo Trương Hữu Lợi thì “từ trong khoán chui cất tiếng nói đổi mới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thính giả Mỹ: “Tôi chỉ mong VOV tăng thời lượng phát sóng“
Thính giả Mỹ: “Tôi chỉ mong VOV tăng thời lượng phát sóng“

VOV.VN -Ở bên kia bán cầu, nhiều thính giả Mỹ vẫn hàng ngày lặng lẽ dõi theo từng chương trình của Đài như một món ăn tinh thần

Thính giả Mỹ: “Tôi chỉ mong VOV tăng thời lượng phát sóng“

Thính giả Mỹ: “Tôi chỉ mong VOV tăng thời lượng phát sóng“

VOV.VN -Ở bên kia bán cầu, nhiều thính giả Mỹ vẫn hàng ngày lặng lẽ dõi theo từng chương trình của Đài như một món ăn tinh thần

Phóng viên VOV Tây Bắc: Ai cũng nổi tiếng… đi xe máy giỏi
Phóng viên VOV Tây Bắc: Ai cũng nổi tiếng… đi xe máy giỏi

VOV.VN -Phóng viên Cơ quan thường trú Tây Bắc có 10 người, bất kể nam hay nữ đều nổi tiếng đi xe máy giỏi để lăn lộn trên đường tác nghiệp.

Phóng viên VOV Tây Bắc: Ai cũng nổi tiếng… đi xe máy giỏi

Phóng viên VOV Tây Bắc: Ai cũng nổi tiếng… đi xe máy giỏi

VOV.VN -Phóng viên Cơ quan thường trú Tây Bắc có 10 người, bất kể nam hay nữ đều nổi tiếng đi xe máy giỏi để lăn lộn trên đường tác nghiệp.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo tới thăm VOV
Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo tới thăm VOV

VOV.VN -Trong suốt 70 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã vinh dự được đón tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước… tới thăm.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo tới thăm VOV

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ lãnh đạo tới thăm VOV

VOV.VN -Trong suốt 70 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã vinh dự được đón tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước… tới thăm.

VOV.VN khát vọng chinh phục đỉnh cao
VOV.VN khát vọng chinh phục đỉnh cao

VOV.VN - Thời gian gần đây, VOV.VN đã vượt qua ngưỡng truy cập 1 triệu lượt/ngày, mức tăng trưởng chưa bao giờ có kể từ ngày thành lập báo (3/2/1999).

VOV.VN khát vọng chinh phục đỉnh cao

VOV.VN khát vọng chinh phục đỉnh cao

VOV.VN - Thời gian gần đây, VOV.VN đã vượt qua ngưỡng truy cập 1 triệu lượt/ngày, mức tăng trưởng chưa bao giờ có kể từ ngày thành lập báo (3/2/1999).