Bao giờ tất cả trẻ em nghèo có Tết Trung thu?

Nhìn những đứa trẻ thành phố hờ hững với đồ ăn thức uống và những thứ không còn hấp dẫn chúng, tôi xót xa nghĩ về những đứa trẻ nơi vùng hẻo lánh chưa từng biết đến cái Tết Trung thu với chiếc bánh ngon và đồ chơi sắc màu

Hà Nội, ngày 23/9/2010

Gửi mẹ cái Mùa!

Hôm qua trong tôi tràn ngập một nỗi buồn, tôi gọi nỗi buồn của mình là “nỗi buồn hậu Trung thu”.

Số là tối hôm kia, nhằm ngày mười tư Âm lịch, tôi được một bà mẹ cùng xóm là bác sĩ, bận trực đêm nên nhờ đi đón đứa con gái học tiểu học. Chị ấy dặn: “Hôm nay trường cháu tổ chức Trung thu cho học sinh, con bé có tiết mục biểu diễn văn nghệ nên bác đón cháu lúc chín giờ tối”. Đề phòng tắc đường, tôi đến trước giờ hẹn khoảng nửa tiếng. Cũng vì vậy mà… buồn.

Đêm vui chơi ấy, có phần thi trình bày mâm cỗ Trung thu của các lớp. Phải nói là các mâm cỗ được các cháu và các ban phụ huynh hỗ trợ bày biện rất đẹp, nhiều loại hoa quả, bánh kẹo đắt tiền. Trẻ con vốn vô tư và hiếu động, chúng háo hức xúm quanh chờ phá cỗ mà hồ hôi nhễ nhại. Giờ phút náo động ấy rồi cũng đến. Chúng lôi kéo, giành nhau những thứ mình thích trên mâm cỗ, và có những thứ mà không đứa nào lấy đã rơi xuống đất và ngay lập tức bị giẫm nát bởi đám đông.

Tôi dẫn đứa bé ra bãi xe. Nào chuối, hồng, quýt, bưởi, bánh quy…, những chiếc đèn ông sao xanh đỏ nhàu nát vương vãi lối đi. Ra gần đến cổng trường lại gặp đứa trẻ chừng lớp 1, do sơ ý va chiếc đèn nhựa nhấp nháy vào một thân cây. Chiếc đèn vỡ, đứa bé nũng nịu đòi vứt bỏ, bà mẹ trẻ treo chiếc đèn lên cành cây thấp rồi dẫn con ra về và hứa với nó sẽ mua cho chiếc khác.

Tôi với tay lấy chiếc đèn có ý đem về gắn keo mà xót ruột nghĩ đến những đứa trẻ nghèo ở quê, chỉ một chiếc kẹo “bột đá” thôi cũng hớn hở mặt mày.

Tối qua chính rằm, tôi quyết định không ra đường. Bác giáo Bình tưởng tôi lười nhác liền chạy sang và không quên mang mấy tờ báo để tôi giải khuây. Báo đưa nhiều bài viết về Tết Trung thu, trong đó có bài đập vào mắt tôi về những đứa trẻ nơi vùng hẻo lánh chưa từng biết đến cái Tết Trung thu với những chiếc bánh ngon và đồ chơi sắc màu. Và tôi lại nghĩ, lại so sánh…

Bác giáo bảo, ngôi trường của đứa bé ấy tổ chức Trung thu cho các cháu là một hoạt động bổ ích, để các cháu được sống trong không khí cổ truyền của dân tộc và lưu giữ nét đẹp văn hóa ấy. Cũng không thể trách những đứa trẻ hồn nhiên ở thành phố có điều kiện đủ đầy mà hờ hững với đồ ăn thức uống và những thứ đã không còn hấp dẫn chúng. Chỉ có điều, người lớn cần dạy chúng biết tiết kiệm và tránh lãng phí.

Tôi đồng ý với bác giáo và buột miệng hỏi “Bao giờ tất cả trẻ em nghèo có Tết Trung thu?”.

Bác giáo đã không trả lời câu hỏi của tôi!./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên