Biết đâu lại… đổi đời

Mẹ nó nên bỏ trồng khoai lang, đổ đất biến mảnh ruộng thành sân quần vợt dã chiến cho thằng Bội nó chơi. Biết đâu lại… đổi đời ấy chứ!

Ngày 24 tháng 3 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Lâu nay, biên thư cho mẹ nó, tôi thường hay kể chuyện phố phường mà ít thăm hỏi đời sống ở quê nhà. Hôm nay thì khác. Lời đầu thư, tôi muốn hỏi mẹ nó về mấy miếng ruộng phần trăm của nhà mình. Đã lâu tôi đi làm xa, ít quan tâm lợi nhuận từ mảnh ruộng này, không biết mỗi năm thu hoạch được bao nhiêu? Hồi tôi còn ở nhà, đâu như mỗi vụ trồng khoai lang, trừ chi phí thì cũng lãi được gần trăm ngàn bạc, một năm hai vụ cứ coi như là được hai trăm.

Mẹ nó ạ, không phải tự dưng tôi nhắc đến chuyện này. Theo tôi thấy, mấy trăm bạc đó chẳng bằng tôi chạy cố mỗi ngày một cuốc xe. Xem ra, mẹ nó bỏ trồng khoai lang, đổ đất biến mảnh ruộng thành sân quần vợt dã chiến cho thằng Bội nó chơi. Mẹ nó đọc đến đây chắc nghĩ tôi phát rồ. Nhưng mà gượm hẵng cười. Chẳng là tôi đọc báo, thấy cái tin cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bỏ ra những 164 triệu đồng để chi cho một buổi giao lưu quần vợt, ban đầu là choáng, sau chợt nghĩ đến ý tưởng cho thằng Bội nhà mình tập chơi quần vợt. Cái ý tưởng này, khi chia sẻ với bác giáo Bình, bác ấy hô hô cười, bảo rằng: “Chú tưởng chơi quần vợt mà dễ à. Riêng đầu tư trang phục, rồi bóng, rồi vợt cũng đã tốn hàng chục triệu đồng. Rồi tiền thuê sân tập, mỗi buổi cũng đi đứt dăm bảy chục ngàn, đó là môn thể thao quý tộc…” - Bác giáo Bình nói thế nào chứ. Cái cơ quan bảo hiểm ấy cũng là cơ quan Nhà nước, vận động viên của họ cũng là viên chức, lương ba cọc ba đồng… thế mà họ cũng đánh quần vợt như ai. Nếu chơi quần vợt mà tốn tiền như bác ấy nói, làm sao họ chơi được? Tôi chắc một điều, để chơi quần vợt không khó, quan trọng là không phải ai cũng chơi hay để mà thi đấu. Thằng Bội nhà mình có sức khỏe, lại khéo léo nữa, nếu mình đầu tư cái thửa ruộng phần trăm làm sân quần dã chiến cho nó tập, kiểu gì cũng đánh hay.

Tất nhiên, tôi không dám hy vọng thằng Bội nhà mình có thể trở thành tay vợt tầm cỡ thế giới. Nhưng, một cơ quan Nhà nước mà dám bỏ ra những 164 triệu đồng chi cho một buổi giao lưu quần vợt thì chẳng phải chuyện đùa. Lãnh đạo cơ quan ấy hẳn rất yêu quần vợt, phải rất trọng việc phát động phong trào nên mới mạnh tay chi đến thế, nhất là trong thời buổi cả xã hội thắt lưng buộc bụng như hiện nay.

Thằng Bội nhà mình, nếu tập luyện đều đặn, chơi khá một tý, chẳng cần chuyên môn nghiệp vụ đâu, chỉ lên trên này, chịu khó đến sân quần, lân la giao đấu với mấy ông lãnh đạo cơ quan mê quần vợt, thế nào chẳng được tuyển dụng làm cán bộ phong trào. Đổi đời ấy chứ! Tôi phân tích như thế, mẹ nó xem, đừng tiếc cái thửa ruộng phần trăm mà làm gì.

Mà tôi nói thêm cho mẹ nó yên tâm. Khi tôi quyết bảo vệ ý kiến của mình, bác giáo Bình có nói rằng, ngày xưa đã từng có một anh tên là Xuân tóc đỏ, từ một gã nhặt bóng ở sân quần, học được đôi ba chiêu rồi cũng nên người. Tôi không biết thực hư cái chuyện nhà anh Xuân tóc đỏ ấy, nhưng bác giáo bảo rằng, chuyện ấy đã được viết thành tiểu thuyết hẳn hoi. Cuốn sách có tên là Số đỏ. Hôm nào tôi tìm đọc rồi chuyển cho mẹ nó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên