Chỉ người chết là thiệt

Những người làm ngơ cho người ta khai thác cát trái phép trên sông, những người có trách nhiệm nhưng lại phớt lờ lời kêu cứu của người dân ven sông... đó là những kẻ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.  

Hà Nội ngày 28/1/2010

Gửi mẹ cái Mùa,

Thế là cái điều tôi sợ nhất, cuối cùng cũng đã thành sự thật! Việc người dân tự mình “hành đạo” đã khiến bản thân họ trở thành nạn nhân. Ít bữa trước, tôi có biên thư kể với mẹ nó chuyện người dân ở một ngôi làng bên sông Cầu tấn công tàu hút cát khiến hai thuyền viên bị thiệt mạng. Hôm nay, tôi đọc báo lại thấy việc tàu hút cát tấn công người dân bên sông Mã khiến ba người dân bị mất tích.

Mẹ cái Mùa biết không, cái nạn “cát tặc” giờ ai còn lạ gì! Bao nhiêu năm rồi, con sông nào cũng nhan nhản những đoàn tàu hút cát. Đất đai hoa màu, thậm chí là nhà cửa của người dân đôi bờ bị phá hoại. Người dân kêu cứu, báo chí cũng than phiền, các cơ quan chức năng thì bao giờ cũng quyết tâm... thế mà vẫn thế! Chờ đợi các cơ quan pháp luật mãi chẳng được, rốt cuộc thì người dân phải tự mình cứu mình.

Trên khúc sông Mã qua xã Thiệu Thịnh, đoàn kiểm tra liên ngành từng nhiều lần bắt giữ phương tiện của những người khai thác cát trái phép (Ảnh:VNexpress

Vụ sông Cầu tháng trước, hai thuyền viên thiệt mạng vì sự quá khích của người dân ven sông. Vụ sông Mã lần này, khi những người dân ít quá khích hơn, chỉ chèo thuyền ra xua đuổi thì những thuyền viên tàu cát lại quá khích, chủ động tấn công khiến ba người dân mất tích giữa dòng. Những cái chết thì luôn đau buồn như nhau cả.

Dẫu người thiệt mạng là thuyền viên tàu cát, hay là những nông dân bảo vệ ruộng đất của mình thì cũng đều đáng tiếc như nhau. Không những thế! Những người gây ra cái chết đó cũng giống nhau. Họ đều manh động trong khi bảo vệ cuộc sống, bảo vệ miếng cơm manh áo vốn dĩ đã khó khăn của mình. Một đằng để bảo vệ đất đai hoa màu, nguồn sống duy nhất của họ, một đằng bảo vệ công việc làm thuê mà nhờ đó họ có thể nuôi sống vợ con.

Tôi so sánh thế, chắc mẹ nó cũng phải đồng tình. Như mẹ nó với tôi, kẻ bám ruộng đồng, kẻ lên phố sống nghề xe ôm... nhìn trước nhìn sau đều thấy đồng cảm. Bác giáo Bình cũng gật gù khi tôi nghĩ thế. Bác ấy bảo: đằng sau mỗi hành vi sát nhân đều là những khuôn mặt người đau khổ. Tôi không hiểu đằng sau câu nói ấy có ý nghĩa sâu xa gì. Nhưng, họ quả đúng là những kẻ sát nhân đau khổ.

Tôi chắc rằng giữa những người nông dân bên bờ sông với những người làm thuê trên tàu cát chẳng ai sướng hơn ai, họ đều kiếm sống kiểu vắt mũi bỏ mồm thôi, chẳng ai giàu có gì. Người giàu, có chăng là những ông chủ thuyền cát ấy, những người mà sau những cái chết này họ chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm. Người giàu, có chăng là những người có trách nhiệm ngăn chặn việc hút cát trái phép trên những dòng sông kia, nhưng họ không làm việc phải làm. Những cái chết trên những dòng sông, họ cũng vô can.

Mẹ cái Mùa biết không? Tâm sự với mẹ nó chuyện này, tôi buồn lắm! Buồn vì chứng kiến người nghèo giết lẫn nhau đã đành. Buồn hơn là chuyện tôi biết chắc kết cục của những chuyện thế này. Người chết thì đã chết! Người chịu tội, quá lắm cũng chỉ là một vài người dân nghèo đã trực tiếp gây ra cái chết đó. Còn những người tạo ra nguồn gốc những vụ xung đột này, những người làm ngơ cho người ta khai thác cát trái phép trên sông, những người có trách nhiệm nhưng lại phớt lờ lời kêu cứu của người dân ven sông... đó là những kẻ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Họ chính là nguyên nhân sâu xa gây ra những cái chết đó.

Nhưng, mẹ nó à, mẹ nó sẽ nghe thấy những lời đại loại như “rất đáng tiếc!”, hay “cần nghiêm trị hành vi côn đồ, coi thường luật pháp!”, hoặc “chúng tôi sẽ làm nghiêm, sẽ chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sông...”. Những lời như vậy, mình nghe nhiều rồi, mẹ nó nhỉ!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên