Giữ gốc gác quê hương

Mẹ cái Mùa à! Tôi trộm nghĩ, dân ta xa quê tứ tán nhiều nơi, nhưng phải cố làm sao giữ được cái gốc gác quê hương của mình, mẹ nó nhỉ!

Hà Nội, ngày 24/8/2010

Gửi mẹ cái Mùa

Rằm tháng 7 nhà ta có làm gì không? Tôi và bác giáo Bình trên này cũng được bà chủ trọ đãi món bánh khoai sọ. Chỉ tiếc là bây giờ người ta nghiền khoai sọ thành bột rồi gói. Chứ không như ngày xưa, khoai sọ cắt lát hòa với bột tẻ mà gói. Cầm miếng bánh, cứ tỉ mẩn bóc từng lớp ra mà ăn, thật thú vị.

Nghĩ cũng thấy vui, cuộc đời anh xe ôm như tôi dễ thường được tiếp xúc với nhiều người, vậy mà xem ra còn hơn cả bác Cả Khoa. Cũng học được nhiều, cũng biết được nhiều.

Mẹ nó chắc đang bụng bảo dạ: Sao hôm nay bố cái Mùa văn vẻ thế? Chả là tôi có chuyện muốn kể với mẹ cái Mùa dài dài một chút. Hôm thứ Bảy (12/7 Âm lịch) tôi đang chờ khách ở bến xe Giáp Bát thì có người gọi, nói là đưa tới Bệnh viện Việt - Xô ở đường Trần Khánh Dư ấy. Bệnh viện này thì cánh xe ôm chúng tôi ai cũng biết. Như tôi thì còn có dịp vào tận nơi, nên cũng tường tận lắm. Ông ta trạc ngoài năm mươi, người rắn chắc, nước da cháy nắng. Vừa đi, ông vừa kể nguồn cơn phải đi gấp từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xuống đây. Thì ra cụ thân sinh của ông là lão thành cách mạng, người Dao, được tỉnh Tuyên Quang mời đi an dưỡng ở Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc). Được mấy hôm, cụ bị đau, viêm túi mật, nên nhà nghỉ đưa về chữa bệnh tại Bệnh viện Việt - Xô. Nay cụ báo lên là có khi phải mổ, cắt bỏ túi mật bị sỏi.

Mẹ cái Mùa cũng biết đấy, với các cụ lão thành cách mạng, tôi kính trọng lắm. Nên mới tỉ mẩn hỏi thêm, được biết cụ “thoát ly” sau Cách mạng Tháng 8/1945, hoạt động trong vùng đồng bào thiểu số, đặc biệt là người Mông, ở tỉnh Lai Châu (cũ). Cụ tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên, 4 lần được cử làm Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ, làm đến Trưởng ban định canh định cư của tỉnh Lai Châu (cũ). Cụ lấy một cô gái người Dao Sìn Hồ, sinh ra hai người con. Ông khách mà tôi chở đi là con cả. Người thứ hai đang làm ở Lai Châu. Về hưu, cụ quyết định về quê cũ ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Ông khách thở dài nói: em đang làm việc trên ấy, thấy bố mẹ về quê ở, cũng bỏ việc về quê sống cùng bố mẹ, chăm lo các cụ lúc tuổi già. Nghe ông khách nói mà tôi phục quá. Xã hội mình giờ hiếm có những người con có hiếu như vậy.

Tò mò, đưa ông khách đến bệnh viện, tôi xin phép lên thăm cụ, vừa lúc gặp mấy người cán bộ ở nhà nghỉ Đại Lải mang tư trang của cụ xuống. Họ chu đáo quá. Hôm đưa cụ đi cấp cứu chưa kịp mang gì. Hôm nay lại cử người xuống, bàn giao đầy đủ.

Cụ lão thành cách mạng này ngoài 80 tuổi nhưng còn khỏe. Cụ bảo: "Tôi đi nhiều, làm nhiều nên nhờ trời, vẫn còn một chút sức lực". Cụ gặp con trai, rành rẽ nói từng việc, khen hai đứa cháu nội (đều là con gái) lúc bố chưa kịp xuống, chăm sóc ông chu đáo lắm.

Nhìn hai cô cháu gái của ông, cô thì nhuộm tóc nâu, cô thì quần bó ống... chẳng thể biết được họ được sinh ra từ một chàng trai người Dao và một cô gái người Thái. Tôi lân la hỏi chuyện theo kiểu bác giáo Bình: "Các cháu có biết nói tiếng Dao không?" Cả hai đều cười, lắc đầu: "Cháu chỉ biết vài từ thôi". Tôi nói với cô chị, vừa xong lớp tại chức tiếng Anh đại học: "Cháu ơi, bây giờ người biết nói và biết chữ tiếng Dao ít lắm. Sao cháu không học tiếng Dao cho giỏi mà về quê hương làm việc?"

Ông khách của tôi lại thở dài, phân trần: "Các cháu học ở Hà Nội lâu rồi, không muốn về quê đâu, vất vả lắm. Tôi làm bố, nhưng cũng không ép được,  bác ạ".

Cũng không tiện ngồi lâu, tôi xin cáo lui. Cụ lão thành cách mạng cứ cầm tay tôi lắc lắc: "Anh nói chí phải. Ở quê, tôi với các cụ cao tuổi cũng đang bàn nhiều về việc dạy tiếng và chữ Dao cho con em mình, để gìn giữ bản sắc dân tộc mình. Hôm nào, có dịp về Chiêm Hóa, lối vào thủy điện Tuyên Quang ấy, đến xã Yên Duyên hỏi nhà cụ Bàn Quốc Bảo, đội 12 thôn Đồng Vàng, có con trai là Bàn Cao Sơn là ai cũng biết. Tôi sẽ hát dân ca Dao cho anh nghe.

Tôi kể cho mẹ cái Mùa chuyện này, lòng nghĩ đến con cái ở nhà. Dân ta xa quê tứ tán nhiều nơi, nhưng phải cố làm sao giữ được cái gốc gác quê hương của mình, mẹ nó nhỉ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên