Giữ lòng tin ở dân

Đành rằng bây giờ phương tiện thông tin đa dạng nhưng cái quan trọng nhất là chính sự đa dạng nhưng lại ít chuẩn mực đã khiến người ta luôn bán tín bán nghi.

Hà Nội ngày 28/8/2009

Gửi mẹ cái Mùa

Ở phố lâu rồi, càng ngày tôi càng thấy những chuyện xưa kia mình vẫn tưởng chỉ nông thôn mới có, hoá ra ở thành phố cũng đầy, thậm chí còn ấu trĩ hơn. Gần đây nhất là chuyện tin đồn.

Mẹ cái Mùa còn nhớ cách đây đã lâu, ở quê mình người ta tìm thấy bộ xương một con cá voi khi đào đất đắp đê. Mấy ngày sau, từ khắp các vùng lân cận người ta ùn ùn kéo đến làng mình. Hỏi vì sao thì người ta bảo đi xem khủng long hoá thạch. Chuyện lâu rồi, nhưng tôi chắc mẹ nó còn nhớ vì cứ mỗi khi ôn nghèo kể khổ, câu chuyện đó lại được lấy ra làm ví dụ về cái thời thiếu thốn thông tin xa xưa ấy. Giờ tôi nghiệm ra, cái ví dụ ấy hoàn toàn sai, bởi tin đồn không chỉ tồn tại bởi chuyện thiếu thốn các phương tiện thông tin.

Hà Nội bây giờ chẳng thiếu thông tin. Ai mà chẳng có cái điện thoại di động, báo chí thì ngập tràn, từ vỉa hè đến hiệu sách, từ những người bán rong… thêm vào đó là internet mọi lúc, mọi nơi. Thế mà tin đồn vẫn có nhiều đất sống, thậm chí đó là những tin đồn hoang đường tột độ. Mẹ nó có biết không? Những ngày qua, đi về ngoại ô, đâu đâu tôi cũng thấy rộ lên chuyện có bọn chuyên bắt cóc trẻ con mổ lấy nội tạng. Người ta tin đến mê man, thậm chí mới đây có người đàn bà suýt bị người dân đánh chết khi đi qua một ngôi làng chỉ vì bị nghi là có vẻ giống kẻ bắt cóc trẻ con. Tôi nghe đài, thấy ra là sự việc chẳng có gì. Trước đó, ở huyện Thanh Trì có cháu bé 7 tuổi bị chết đuối, rồi cũng ở huyện này có hai cháu bé bị một người đàn ông ép vào nghĩa trang định giở trò sàm sỡ. Chuyện như vậy, chẳng hiểu sao lan ra các huyện lân cận thành ra việc nhiều trẻ em bị bắt cóc mổ lấy nội tạng rồi vùi xác ngoài đồng. Tam sao thất bản đến như vậy mà người ta cũng tin, tin đến mức có người 2, 3 giờ sáng còn tìm đến hiện trường để buôn chuyện, tin đến mức bao vây uỷ ban xã để đòi tự xử lý một người khách qua đường chỉ vì có dấu hiệu khả nghi, suýt nữa gây án mạng. Những tin đồn kiểu như thế, ngày xưa làm gì có chuyện gây hậu quả như vậy! Mẹ nó có thể giải thích được hay không? Chứ như cách lý luận của bác giáo Bình thì tôi thấy cũng mông lung lắm!

Bác giáo Bình nói với tôi rằng: Dạo này bọn phản động phá hoại ghê lắm! Chúng nó đi rỉ tai bà con, thêu dệt đủ chuyện để gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Bác ấy nhấn mạnh rằng khi người ta cố tình đặt chuyện, nói mãi thì giả cũng thành thật thôi! Tôi nhất định không tin như vậy! Tin đồn thì thời nào cũng có, nhưng mà nó chỉ sống được khi mà người ta thiếu điều kiện trao đổi thông tin mà thôi. Đành rằng bây giờ phương tiện thông tin đa dạng nhưng mà cái quan trọng nhất là chính sự đa dạng nhưng lại ít chuẩn mực đã khiến người ta luôn bán tín bán nghi. Tôi là người chăm nghe đài đọc báo, có nhiều khi vừa đọc tin ở báo này như thế, sang báo nọ lại đã khác rồi. Trong khi đó, chờ mãi chẳng thấy những cơ quan chức năng lên tiếng để kết luận sự việc một cách rõ ràng. Lòng tin của người dân cứ chạy như đèn cù xung quanh việc đưa tin của báo chí. Chạy mãi thì mỏi, chạy mãi thì hoa mắt ù tai, như thế thì làm gì thông tin chẳng bị nhiễu. Tôi không cho rằng chuyện tin đồn là do bọn phản động. Muốn tiêu diệt tin đồn, cách tốt nhất là có thông tin chuẩn xác, được đưa ra từ các nguồn tin đáng tin cậy. Nếu như các cơ quan nhanh chóng, kịp thời công bố kết luận của mình từ những sự việc gây nghi ngờ, tin đồn há có đất để sống hay sao? Mẹ nó có công nhận thế không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên