Khi H1N1 gõ cửa trường học

Hôm thứ sáu tuần trước, khi đến trường của thằng bé rồi thì tôi mới đọc được cái thông báo “tạm thời đóng cửa vì dịch cúm hờ một nờ một”...

Hà Nội ngày 11/8/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Lại một lần nữa tôi biên thư cho mẹ nó để nói về cái sự dễ tổn thương của người Hà Nội. Vì cái sự dễ tổn thương ấy mà mấy hôm nay tôi phải chuyển nghề, từ ông xe ôm trở thành bảo mẫu.

Mẹ nó biết không, tôi có cái hợp đồng thường xuyên đưa đón thằng cu 3 tuổi của cái cô nhà báo Thanh Nga đi nhà trẻ. Hôm thứ sáu tuần trước, khi đến trường của thằng bé rồi thì tôi mới đọc được cái thông báo “tạm thời đóng cửa vì dịch cúm hờ một nờ một”. Chẳng biết làm thế nào, tôi gọi cho cô nhà báo. Cô ấy ớ ra mất một lúc, rồi khẩn khoản, nói mà như khóc “bác giúp em, cho cháu về nhà bác, tối em về đón, em sẽ bồi hoàn toàn bộ thu nhập trong ngày của bác!” - Thu nhập của tôi thì đáng gì, có điều tôi đã biết trông trẻ thế nào, lại là trẻ thành phố, quý như báu vật… nhưng mà cũng chẳng nỡ từ chối trước sự khẩn khoản của người ta. - Đen cho tôi, thằng bé về nhà trọ với tôi, cả ngày tha thẩn chơi rất ngoan. Tối. Mẹ nó đón, thấy con ngoan ngoãn sạch sẽ thì cứ ngẩn người ra, rồi “bác có lòng giúp em thêm mươi bữa nữa, cho đến khi nhà trường mở cửa trở lại.” - Tôi từ chối - Cô ấy vật nài: “bác không giúp thì em chẳng biết phải thế nào, nhà em có hai vợ chồng, ông xã thì bận tối mắt tối mũi từ sáng tới đêm, em thì không nghỉ được.” - Tôi bảo: “Hay là chị đưa cháu lên cơ quan…” - “Không được đâu bác, hôm nay cả cơ quan em toàn trẻ con, nhà nào cũng hoàn cảnh như thế cả, bọn trẻ đến chỗ làm của bố mẹ, đứa khóc, đứa phá, loạn cả lên chẳng ai làm việc nổi. Sếp cáu: Ngày mai cấm nhân viên đưa con đến cơ quan! Bác không giúp em thì em chết!” - Mẹ nó bảo, thế thì tôi còn biết từ chối làm sao?

Đã 3 ngày rồi tôi phải làm bảo mẫu. Thấy việc đó cũng thật giản đơn, chỉ không hiểu vì sao chuyện con cái đối với người Thủ đô sao mà khổ ải thế! Cái gì cũng dựa vào dịch vụ, nhà trường đóng cửa mấy buổi thôi mà cuống hết cả lên. Như ở quê mình, trường hợp như thế này, bố mẹ đi làm thì đã có ông bà, ông bà ở xa thì còn có hàng xóm láng giềng, thế nào chẳng có người ở nhà, đâu đến nỗi phải như con kanguru địu con đi làm. Bác giáo Bình thấy tôi nghĩ vậy thì bảo “chú cứ hay so sánh vớ vẩn, ở phố nhà nào hay nhà nấy, họ sống kiểu Tây, sao có thể dễ dàng làm phiền hàng xóm như người nhà quê mà nói chuyện tối lửa tắt đèn” - Tôi không chịu “Thế sao bên Tây họ không gặp những sự khủng hoảng đóng cửa trường như thế này?” - Bác giáo cười “Bên Tây làm gì có chuyện đột ngột ngừng cung cấp dịch vụ như ở ta. Nhà trường đóng cửa thì phải có kế hoạch, thông báo cho phụ huynh học sinh trước cả tuần để chuẩn bị phương án đối phó. Ngừng cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ bị thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu” - Lần này tôi chịu, không cãi bác ấy nữa. Quả thật, mỗi môi trường sống đều phải có một sự văn minh tương ứng. Khi mà cộng đồng phụ thuộc vào dịch vụ thì nhà cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm. Chứ như người Hà Nội thì khổ thật. Không còn cái văn hoá tối lửa tắt đèn như người quê chúng mình, trong khi đó thì bị động hoàn toàn trước các nhà cung cấp dịch vụ. Cắt điện, cắt nước, đào đường, dỡ cầu, rồi đóng cửa trường học… tất cả đều bất ngờ như đánh trận… Gay thật, mẹ nó nhỉ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên