Một câu chuyện buồn

“Bây giờ thì phiên toà phúc thẩm đã diễn ra, bản án 8 năm tù cho người đàn bà phi thường ấy đã có hiệu lực rồi. Tôi khóc suốt đêm, vẫn khóc khi ngồi viết cho mẹ nó những dòng chữ này”.

Hà Nội ngày 24/11/2009

Gửi mẹ cái Mùa

Mấy tuần rồi không biên thư về cho mẹ nó. Chẳng phải bởi tôi quên, mà vì thời gian qua tôi không để ý đến chuyện gì ngoài vụ án của chị Ba Sương.

Đã từ rất lâu rồi, mẹ nó nhỉ! Có nhiều đêm vợ chồng mình nằm ngắm sao Thần Nông mà nói chuyện mùa màng. Nói đi nói lại, cuối cùng bao giờ mẹ nó cũng ước mơ làm sao để bà con nông dân mình có thể sống khoẻ với đất đai. Đến khi tôi quyết định bỏ làng lên phố làm xe ôm, lẽ ra mình chẳng còn bao giờ ước mơ về điều đó. Thế rồi mẹ nó động viên tôi rằng, sẽ có ngày mà ở quê mình cũng sẽ có những mô hình sản xuất nông nghiệp như Nông trường Sông Hậu của chị Ba Sương. Vợ chồng mình chưa bao giờ được gặp người đàn bà vĩ đại đó. Nhưng, câu chuyện của cha con chị, câu chuyện thần kỳ về Nông trường Sông Hậu đã trở thành một biểu tượng nuôi dưỡng mơ ước của những người nông dân chúng mình. Người phụ nữ ấy, một nữ anh hùng được Nhà nước công nhận, người mà chỉ vài năm trước còn được ghi nhận là người phụ nữ ấn tượng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhờ tìm ra những ý tưởng giải pháp cho những vấn đề bức bối nhất của người nông dân không chỉ ở Việt Nam. Vẫn người phụ nữ ấy, bây giờ là tội phạm tham nhũng.

Bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) cùng các cộng sự tại phiên sơ thẩm vụ án "Lập quỹ trái phép" ở Nông trường Sông Hậu (ảnh: Vietnamnet)

Ai tham nhũng thì tôi tin. Chị Ba Sương tham nhũng thì làm sao mà tin nổi. Một người đàn bà không chồng không con, từ khi tốt nghiệp đại học đến lúc về hưu dành toàn bộ tâm sức cho nông trường, đến giờ 60 tuổi đời với đủ thứ bệnh tật mà chẳng có nổi một thứ tài sản giá trị nào để có thể kê khai... Chị Ba tham nhũng ư, chị đã làm gì với những đồng tiền tham nhũng? Tôi theo dõi cả hai phiên toà. Người ta truy tố chị tội chủ mưu lập quỹ trái phép với số tiền 4,5 tỷ đồng. Tôi không phải luật sư để biết khoản quỹ 4,5 tỷ đồng ấy sai phạm ở mức nào? Song, số tiền ấy không rơi vào túi chị, đó là số tiền mà trong suốt hơn 20 năm qua được dùng để giúp đỡ 16.000 người nông dân của nông trường. Nhờ số tiền đó mà nông trường giữ chân được các thầy cô để con em nông dân được học hành nên người.

Tôi không dám bàn về yếu tố pháp lý của câu chuyện này. Nhưng về tình cảm, tôi đã không thể kìm được nước mắt mình tuôn rơi khi thấy gương mặt đau đớn của chị trước vành móng ngựa. Việc lập quỹ trái phép mà người ta tuyên án cho chị có làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường? Số tiền ấy có khiến đời sống của những người nông dân sông Hậu lầm than hơn? Nếu thực như vậy, hẳn sẽ không có chuyện hàng trăm hộ nông dân ở đó làm đơn xin được đi tù thay cô Ba!

Hôm toà tuyên án, nhiều tờ báo cũng đăng tin bà con xin đi tù thay chị Ba Sương. Tôi với bác giáo Bình ngẩn ngơ chẳng biết phải nghĩ gì. Thằng con bác giáo bảo: “Bà con nông dân Nam Bộ ngây thơ thật! Làm sao mà có thể đi tù thay!” - Thằng bé biết gì đâu cơ chứ! Bản án 8 năm tù của chị Ba Sương đâu chỉ nhốt đi thân xác một con người. Bản án ấy, theo suy nghĩ của tôi, đã chạm vào khát vọng của những người nông dân như vợ chồng chúng mình. Phải không mẹ nó!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên