Mượn danh nghĩa vì người nghèo để làm giàu

Người nghèo thì chẳng thể bán mình, nên cái thương hiệu người nghèo mới bị người ta lợi dụng như thế  

Ngày 13/3/2009

Gửi mẹ cái Mùa

Tôi cực lực lên án những ai gọi mình là người nghèo, cực lực phản đối những chương trình mượn danh nghĩa vì người nghèo để làm giàu cho người không nghèo! – Tôi ra tuyên bố như vậy, mẹ nó xem đã đủ đanh thép, đã đúng với thông lệ quốc tế hay chưa? Tôi biên thư hỏi ý kiến mẹ nó trước, để rồi biết đâu vài bữa nữa tôi sẽ viết một bức tâm thư gửi Đảng, Nhà nước bày tỏ nỗi đau của những người dân nghèo bị lợi dụng.

Mẹ cái Mùa có biết không, trước khi ngồi sắp xếp những con chữ rời rạc gửi về cho mẹ nó, tôi với bác giáo Bình đã vật hết một chai rượu trắng Kim Sơn chỉ vì cái tin đọc trên báo hồi hôm. Tin rằng: Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Phó giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Rừng Tây Nguyên và một bà Phó chánh văn phòng Tỉnh uỷ Đắc Lắc. Theo kết luận điều tra, trong khoảng 10 năm (1998-2007), Công ty Rừng Tây Nguyên có nhiều tờ trình, đề nghị cho chủ trương về một “chương trình nhân đạo” thu mua, cung ứng gỗ tròn.

Từ đây, Chính phủ và Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo khai thác và cấp chỉ tiêu cho Công ty được phép thu mua, vận chuyển gỗ tròn từ rừng tự nhiên để cung ứng, dự trữ đóng tàu thuyền đánh bắt cá xa bờ, dành cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. UBND các tỉnh Tây Nguyên ra quyết định phân bổ chỉ tiêu cho Công ty được mua gỗ của một số lâm trường với giá chỉ định (giá sàn, không qua đấu thầu). Mục tiêu đề ra thì đầy tính nhân đạo như vậy, nhưng Công ty này đã móc nối với các tư thương để bán quyền “mua chỉ tiêu” gần 155.000m3 gỗ tròn nhằm trục lợi số tiền chênh lệch hơn 16,4 tỷ đồng.

Vụ rút ruột này khiến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung không được hưởng lợi từ chương trình nhân đạo của Chính phủ…

Thế đấy, đọc cái tin này, mẹ nó bảo sao mà tôi không điên ruột. Phận nghèo như mình dĩ nhiên là khổ đủ đường rồi, đến cái cuối cùng là một chút thanh danh cũng bị người ta tước đoạt mất. Người ta muốn phá rừng công khai cũng vin vào cái cớ vì người nghèo. Tôi với bác giáo Bình ngồi uống rượu xuông, nhâm nhi cái tin nhân đạo ấy mà lòng đau như xát muối. Người nghèo vẫn cứ bị lợi dụng như vậy thì làm sao mà thoát được nghèo.

Nói ra thì mẹ nó bảo là tôi tiêu cực, nhưng thực lòng, lâu rồi, cứ nghe thấy cái từ “nhân đạo” là người nghèo chúng tôi thấy tủi thân nhiều lắm. Gần xóm trọ tôi ở có một công ty cũng lấy tên là Nhân đạo, nhưng họ chỉ làm mỗi một cái việc là mua rẻ, bán đắt “vì mục đích nhân đạo”. Sản phẩm đáng giá 1.000 đồng, họ bán 4.000, thậm chí 5.000 đồng. Người mua, vì sự nhân đạo, ai để tâm đến sự chênh lệch ấy. Chẳng biết bao nhiêu phần trong số tiền ấy về tay người nghèo, chỉ thấy cái ông giám đốc công ty Nhân đạo thì giàu lên nhanh chóng.

Người nghèo, kể ra cũng là một thương hiệu mẹ nó nhỉ? Có điều người nghèo thì chẳng thể bán mình, nên cái thương hiệu người nghèo mới bị người ta lợi dụng như thế. Vậy nên, đó là điều mà tôi “cực lực lên án”. Mẹ nó thấy như thế có phải không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên