Ngày trùng cửu

Ngày để mừng vui hay ngày tai họa? 

Hà Nội ngày 10/9/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Cả ngày hôm qua tôi cứ nghĩ đến mẹ nó mới hay chứ! Tiếc là không sắm cho mẹ nó cái điện thoại di động để có thể nhận tin nhắn của tôi nhân ngày 9/9/2009.

Chắc đọc đến đây hẳn mẹ nó vẫn chưa biết vì sao tôi lại nhắc đến cái ngày 9/9/2009 nhỉ? Thật ra, nó cũng chỉ là một cái ngày bình thường như bao ngày, đối với người nhà quê chúng mình. Dẫu người nhà quê, nhưng tôi sống, kiếm ăn ở thành phố thì cũng lây một số cái kiểu cách của người thành phố, mẹ nó à. Sáng ngày hôm qua, vừa mở mắt ra, bật cái máy điện thoại thì “tit, tit, tit, tit…” tin nhắn chẳng biết từ đâu đã dồn dập bay vào. Mở ra, toàn là quảng cáo, từ cơ hội mua sắm có một không hai nhân ngày toàn số 9, đến thời điểm tuyệt vời để bạn bày tỏ tình cảm với người thân bằng cách nhắn tin qua tổng đài XYZ…

Biết tỏng đó là trò làm tiền của những nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, tôi nhét cái điện thoại vào túi quần, vô tư lự dắt xe đi làm. Ai dè, cái con số toàn 9 vẫn không ngừng đeo bám tôi, ra đến đầu ngõ, anh chàng nhà báo quen vẫy lại: “Hôm nay bác phải giúp em chạy sô thôi, hơn chục cái giấy mời, toàn khai trương với khánh thành, rồi ký kết hợp đồng, chỉ vì cái ngày mồng 9 tháng 9…” - Ra là vậy, xem ra cái ngày 9/9/2009 nó quan trọng thật.

Nhất là khi tôi mở tờ báo ra, thấy các công trình trọng điểm quốc gia như cầu Phú Mỹ thì tổ chức thông xe đúng vào lúc 9 giờ, 9 phút, 9 giây, rồi hàng loạt cơ quan Nhà nước khác cũng tổ chức sự kiện nhân dịp này. Tờ báo còn thống kê hơn 400 trẻ sơ sinh ra đời trong ngày hôm qua tại TP.HCM…

Những thông tin ấy khiến tôi lại bất giác lôi cái điện thoại ra, định nhắn tin thổ lộ một bí mật chết người của đời mình cho mẹ nó. Bấm chữ rồi, bỗng nhớ mẹ nó làm gì có điện thoại để mà đọc tin nhắn, lại thôi. Từ lúc đó trở đi, trong đầu tôi toàn nghĩ về mẹ nó.

Chiều tối, trên đường về, tôi ghé chỗ chắn tàu đường Khâm Thiên mua mấy lạng thịt chó để mời bác giáo Bình uống rượu. Nhìn gói thịt chó, bác giáo Bình hấp háy: “Chú Cả Chiêm trúng quả gì thế!” - “Quả gì, gọi là ăn tươi nhân ngày toàn 9” - Tưởng bác ấy sẽ cho mấy lời có cánh về ý nghĩa của ngày này để mình được mở mắt, ai dè bác ấy bĩu môi: “Lại a dua a tòng mấy cái thứ rởm đời của bọn trọc phú thị dân! Từ sáng tới giờ suốt ngày nghe nói đến chuyện ngày Trùng Cửu, cứ như là một sự kiện đáng mừng lắm không bằng” - “Thì cũng đáng mừng chứ sao, bao nhiêu năm mới có một ngày…” - Tôi chống chế. Bác giáo Bình hỏi: “Chú có biết cái ngày Trùng Cửu có ý nghĩa thế nào không? Sách xưa chép rằng, vào cuối đời nhà Hạ, bên Tàu, vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy, mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn... Tục ấy thành lệ và ngày 9/9 Âm lịch được gọi là ngày Tết Trùng Cửu, mọi người lên núi cao để lánh nạn thủy tai. Vậy nên, ngày Trùng Cửu là ngày tai họa hơn là ngày để mừng vui”.

Nghe bác giáo phân tích như vậy, tôi ngộ ra rằng tính bầy đàn của người thành phố còn cao hơn nông dân chúng mình. Người ta sẵn sàng a dua hành động theo số đông mà không cần biết ý nghĩa cái việc làm của mình. Không chỉ người dân ít học như tôi, mà nhiều cán bộ, tri thức cũng thế mới lạ chứ! Nghĩ vậy, tôi nói với bác giáo: “Thôi thì sẵn thịt chó đây, anh em mình gọi là giải đen, giải cái hạn của nhân loại” - Ngồi uống rượu với bác giáo Bình, tôi chợt nghĩ đến mẹ nó. Giá như mẹ nó có điện thoại để tôi nhắn dòng tin. Quê mình sông nước nhiều, mẹ nó biết mà cẩn trọng đề phòng, mùa mưa lũ cũng đã cận kề…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên