Người thành phố ăn gì cũng lo

Sự lo lắng thái quá của người dân thành phố khiến bác Cả Chiêm lo cho bà con nông dân mình, không khéo lá rau con cá làm ra chẳng bán được.

Hà Nội ngày 20 tháng 8 năm 2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Người thành phố bây giờ lúc nào cũng sợ bị ngộ độc. Năm ngoái, hết nước tương bẩn đến sữa có chất gây sạn thận, năm nay lại đến thịt lợn thối… Nói chung, ăn cái gì người ta cũng sợ. Sợ hãi đến mức ăn cái gì họ cũng lo, bất cứ lời đồn nào về thực phẩm cũng khiến họ tin… Chuyện này khiến tôi lo cho bà con nông dân mình, không khéo lá rau con cá làm ra chẳng bán được.

Bác giáo Bình bảo “chú khéo lo xa”. Bác ấy không làm nông dân nên không biết, người thành phố lo lắng bất cứ chuyện gì thì cũng ảnh hưởng tới nông dân. Hồi dịch tả năm ngoái có phải là người dân làm mắm tôm ở Thanh Hoá khốn đốn hay sao? Tôi lo lắm, nhất là khi mọi nỗi sợ hãi đều xuất hiện cùng với sự mơ hồ của thông tin khiến thật giả lẫn lộn. Thế mà cái bác giáo Bình ấy cứ nhất định bảo là tôi lo bò trắng răng.

Bác ấy nói “người dân đóng thuế để vận hành các cơ quan chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm, họ còn phải lo hơn các chú ấy chứ!” - Tôi biết là họ lo, tôi biết mới đây Bộ Y tế đã trình Quốc hội phương án giảm đầu mối quản lý an toàn thực phẩm nhằm tránh sự chồng chéo và thiếu hiệu quả. Theo đề xuất này, Bộ Y tế sẽ quản lý thực phẩm nhập khẩu, trừ thực phẩm tươi sống; các cơ sở chế biến thực phẩm; kinh doanh thực phẩm. Bộ NN&PTNT quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ (chợ) đối với thực phẩm tươi sống như: rau, thịt, thủy sản, sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Với đề xuất này, tôi vẫn cứ thấy việc quản lý an toàn thực phẩm chưa thoát khỏi sự chồng chéo khi mà ít nhất vẫn có ba bộ cùng tham gia quản lý, vẫn khó tránh khỏi khả năng có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành. Phương án trên vẫn chưa thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là làm thế nào để người dân có thể hoàn toàn yên tâm được với độ an toàn của thực phẩm? Đáp án cho câu hỏi này, đứng từ góc độ một người dân như tôi thấy thì không nằm ở chỗ một, hay nhiều bộ chịu trách nhiệm. Những vụ việc ầm ĩ như nước tương, như sữa có melamine, hay gần đây nhất là chuyện nguyên liệu thực phẩm quá hạn… vấn đề chính không nằm ở chỗ trách nhiệm của ai, thuộc đơn vị nào quản lý mà là việc chậm trễ, hoặc thiếu chính xác của thông tin sản phẩm.

Bác giáo Bình kiên nhẫn ngồi nghe tôi bày tỏ ý kiến. Nghe xong, bác ấy gật gù “quả thế thật!” - Trầm tư ít phút, bác ấy phân tích: “để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất thiết không phải là bao nhiêu cơ quan quản lý mà là cần phải có một hệ thống tiêu chuẩn cụ thể cho sản phẩm, và hệ thống tiêu chuẩn ấy được giám sát một cách chặt chẽ. Vậy ai sẽ giám sát việc đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn ấy? Đương nhiên, không ai có quyền lực cao hơn chính người tiêu dùng, là cộng đồng thông qua kênh báo chí, hoặc các hội, ngành bảo vệ người tiêu dùng. Câu chuyện luôn là thế, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ cộng đồng nào… nhưng lại thêm một câu hỏi được đặt ra là làm sao người tiêu dùng, làm sao báo chí có thể tiếp cận được những thông tin đầy đủ nhất về chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng?

Câu hỏi này chỉ có thể trả lời được khi những cơ quan quản lý, dù là thuộc một, hay nhiều bộ phải có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng có đủ thông tin chi tiết: được nuôi, trồng ở đâu, như thế nào, công nghệ chế biến ra sao… Minh bạch thông tin, đó mới là điều cốt yếu để người dân có thể tự tin về độ an toàn của thực phẩm, và khi chưa thực hiện được yêu cầu này, một hay nhiều bộ quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ không còn là vấn đề phải tranh luận, bàn bạc” - Tuôn ra một tràng như thế, bác giáo Bình quay sang vỗ vai tôi: “Nông dân các chú đúng là có thực tế nên nhìn nhận vấn đề cũng thực tế hơn. Sao người ta không lấy ý kiến người dân về những việc liên quan đến người dân nhỉ?” - Ờ, tôi cũng nghĩ mãi sao lại thế nhỉ? Mẹ nó có biết thế nghĩa là sao không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên