Sống trên rác…

Những đống rác khổng lồ có dễ tới vạn tấn, hôi thối kinh khủng, thế mà người dân ở đây vẫn chịu được, vẫn sinh hoạt, mua bán như thường…

Hà Nội ngày 18/8/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Tôi lên thành phố đã hơn năm rồi, lần nào về quê mẹ nó cũng bảo “trông bố nó văn minh lịch sự hẳn lên!” - Đã đành! Dẫu sao tôi cũng ở Thủ đô mới về. Thú thực, nghe mẹ nó khen vậy, tôi cũng thích, và cũng thường nhân đó nói về cái sự văn minh của người Hà Nội, mặc dù không phải sự thật bao giờ cũng như thế.

Sáng nay tôi có khách đi xa, về tới điểm cuối cùng của địa phận Thủ đô mới, giáp Hoà Bình. Vùng Chương Mỹ, Xuân Mai tôi cũng từng đóng quân hồi trước khi đi B mấy chục năm về trước, giờ đi lại, thấy lòng nao nao. Vậy mà, cái sự nao nao trong lòng nhanh chóng được thay bằng cảm giác nôn nao khi chứng kiến những núi rác khổng lồ ở bên đường, đoạn qua các thị trấn Chúc Sơn và Xuân Mai.

Ngồi quán nước đợi ông khách đi công chuyện, tôi lân la hỏi thì được người dân ở đây bảo “Chúng tôi quen rồi, họ đổ rác ở đây từ giữa năm ngoái đến giờ, không biết chừng nào thì rác phủ kín nơi ở của chúng tôi…” - Sao lại có thể quen được một việc như vậy cơ chứ! Chẳng cần biết xét về mặt khoa học thì hậu quả sẽ ra sao, chỉ bằng mắt thường, bằng mũi thường cũng thấy hãi hùng rồi… Ông chủ quán thấy tôi thắc mắc chỉ cười nhạt: “Có phải rác đấy tự nhiên mà sinh ra đâu, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đem đổ ở đây, hẳn người ta phải có lý do chứ tự dưng sao được!”.

Đặt mình vào địa vị người dân sống ở đây, tôi thấy ông chủ quán nói có phần phải. Công ty môi trường được thành lập để giúp người dân có được một môi trường sống tốt nhất, sạch sẽ nhất, dĩ nhiên, người ta sẽ chọn cách tốt nhất để đảm bảo môi trường sống của người dân, hẳn họ có lý do xác đáng để đổ rác ở đây. Có điều, tôi vẫn không thể hiểu được cái “lý do xác đáng” ấy cụ thể là gì.

Trên đường về, tôi trao đổi với ông khách đi xe câu chuyện này. Ông khách tỏ ra khó chịu vô cùng: “Tôi quê ở đây, nhìn việc này chướng mắt lâu rồi. Lý do xác đáng cái nỗi gì, họ thành lập công ty môi trường, dành hợp đồng vận chuyển thu gom rác, nhưng chẳng đầu tư bãi chôn, lấp, cứ tiện đâu đổ đấy rồi lấy tiền vận chuyển.” - Tôi không tin luận điểm này, công ty môi trường đô thị phải là doanh nghiệp công ích chứ, đâu phải ai thích cũng làm được. Dẫu là công ty dịch vụ tư nhân thì cũng phải có đầy đủ hạ tầng, năng lực thu gom xử lý rác thì mới ký được hợp đồng với chính quyền địa phương chứ! - Nghe tôi nói vậy, ông khách bảo “Bác nói đúng quá! Nhưng họ cứ làm như vậy đấy, chính quyền địa phương cứ để họ làm đấy, cảnh sát môi trường thì bận kiểm tra các doanh nghiệp lớn chứ ai đi kiểm tra các công ty môi trường, họ cứ gây ô nhiễm đấy, hơn một năm nay chính quyền địa phương cứ nhắm mắt làm ngơ đấy… Chú làm gì được người ta!”.

Cái ông này hay thật đấy mẹ nó nhỉ? Tôi thì làm gì được người ta, nếu đúng như ông khách ấy nói thì chính quyền địa phương còn chẳng làm gì được người ta, những người dân phải sống chung với rác còn chẳng làm gì được cơ mà. Nhưng mà tôi nhất định không chịu chấp nhận kiểu không chịu làm gì. Tôi viết thư cho mẹ nó kể chuyện này, ít ra cũng là để mẹ nó thấy được rằng ở quê cũng tốt, đâu phải cứ dân thành thị là văn minh, lịch sự, mẹ nó nhỉ!?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên