Tản mạn “mùng tám tháng ba”

Trên phố những ngày này, đâu đâu cũng thấy quảng cáo nhân 8/3. Nhìn cảnh ấy, có là gỗ đá đi chăng nữa thì tôi cũng phải nghĩ chứ!  

Ngày 7/3/2009

Gửi mẹ cái Mùa!

Thế là sắp đến ngày 8/3. Ấy, tôi biết đọc câu này thì mẹ nó lại cười thầm trong bụng, rằng “Cái lão Cả Chiêm học đòi dân phố, từ bé đến giờ có khi nào biết đến cái ngày 8/3 là gì đâu…” - Mẹ nó có cười thì tôi cũng phải chịu, vì đúng là xưa nay tôi chúa ghét mấy cái trò nhân ngày nọ ngày kia để mà bày tỏ tình cảm với nhau. Làm gì mà tôi không biết được ngày 8/3 là Quốc tế Phụ nữ, trẻ con còn biết hát bài “ra vườn hái những một bông hoa để mang tặng cô giáo”, nhưng mà chuyện kỷ niệm ngày nọ, ngày kia là chuyện của tổ chức, đoàn thể… tình cảm con người, nó đến từ trái tim, từ những phút giây gụi gần cảm mến chứ đâu phải ấn định bằng thời tiết, thời gian.

Mẹ cái Mùa yêu mến của tôi ơi, tay tôi viết vậy, nhưng trong lòng tôi không phải không nghĩ đến mẹ nó. Trên phố những ngày này, đâu đâu cũng thấy quảng cáo nhân 8/3. Nhìn cảnh ấy, có là gỗ đá đi chăng nữa thì tôi cũng phải nghĩ chứ! Mẹ nó cả đời vất vả, má hồng sương gió, tay ngà sần chai cũng vì năm bố con tôi. ấy thế mà cả đời nào có biết đến một bó hoa chồng tặng. Hồi hôm nói với bác giáo Bình. Tưởng bác ấy có học, đầu óc văn minh, ai dè bác ấy nhìn tôi như thằng dở: “Chú này hâm thật. Kiếm cái đút vào mồm còn vã mồ hôi... Đến tôi đây, hồi xưa làm hiệu phó trường làng mà còn chẳng bao giờ tặng hoa cho vợ.” - Thế đấy, mẹ nó ạ! Giàu nghèo gì một bó hoa, nhưng mà xem ra nông thôn mình ở đâu cũng thế cả, một chút tinh thần cho chị em mà cũng hiếm.

Tôi lên phố lâu rồi, thấy nhiều cái dị hợm, nhưng mà cái hay ho cũng lắm, ít nhất là về cái sự hạnh phúc của chị em. Mấy cô, mấy bà hay đi xe của tôi đấy thôi. Họ cũng chẳng phải giàu có gì mà cũng khối thứ vui ngoài gia đình, chồng con. Buổi tối ra bờ hồ tập thể dục với nhau, tháng đôi ba lần hưởng thú vui đầu tóc, rồi đi lễ chùa xa, đền gần, rồi phim ảnh, thỉnh thoảng cùng chồng con tới nhà hàng đổi món… Những thứ xa xỉ thì mình không mơ. Nhưng, nhìn họ, tôi nghĩ tủi cho mẹ nó thật. Ngày xưa, ở quê đôi khi còn có chiếu bóng, với văn công để chị em còn có dịp quần là áo lượt ra sân kho hợp tác cùng chưng diện.

Bây giờ nhà nào cũng có cái ti vi xem phim Hàn, phim Mỹ… Nhưng mà vấn đề không phải mấy bộ phim, cái chính là không gian văn hóa cộng đồng, thiếu cái ấy, chị em chẳng có dịp mà giao lưu. Sinh hoạt của tổ chức phụ nữ thì quanh quẩn cũng chỉ làm giàu, rồi cam kết nọ kia là hết chuyện. Rõ chán! Đời sống tinh thần cho chị em nông thôn, các nhà văn hóa còn không nghĩ, thế nên những ông chồng như tôi, như bác giáo Bình, không tặng hoa cho vợ cũng là chuyện tự nhiên.

Nghĩ thế, tôi bỗng thấy cảm thông với mấy cô gái trẻ rủ nhau lấy chồng ngoại. Có thể anh chồng ấy cũng chẳng hay ho gì, nhưng mà ít ra còn được ít tiền đỡ đần cha mẹ. Còn lấy một anh chàng cùng làng cùng xã, tháng ngày biền biệt mưu sinh, về đến nhà có khi lại rượu chè, cờ bạc rồi đánh vợ cho vui… có khi còn khổ hơn ấy chứ. Tôi cứ nghĩ cực đoan như thế! Đúng sai có khi còn phải xét, nhưng mà nhân tiện viết thư cho mẹ nó, tôi cứ trải lòng tôi, có khi cũng mang lại niềm vui cho mẹ nó mấy bữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên