Tôi làm như vậy là đúng hay sai

Không biết tôi có nên kể cho mẹ nó nghe cái chuyện ngày hôm nay? Sự thực thì tôi đã băn khoăn suốt cả ngày nay rồi, bởi chưng tôi cũng chẳng biết mình đã đúng hay sai  

Ngày 31/3/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Sáng nay, lẽ ra tôi đã bắt được một tên cướp. Thật vậy, chưa bao giờ tôi lại có một cơ hội làm người hùng rõ ràng đến như thế! Tên cướp là một gã trai trẻ, chắc cỡ tuổi thằng Bội nhà mình. Nó ngồi sau cái xe máy của thằng đồng bọn, giật cái túi xách của nạn nhân, cách chỗ tôi dừng xe chỉ chừng trăm mét.

Chạy gần đến xe tôi, thằng cầm lái chẳng hiểu lượn lách thế nào mà làm văng tên ngồi phía sau xuống đường. Đúng lúc ấy thì tôi ngoái lại, phía xa có người hô “cướp, cướp!”. Mười mấy năm quân ngũ, phản xạ của tôi vẫn còn nhạy bén lắm! Tôi bỏ xe, nhấp chân định nhảy ra tóm sống. Thế rồi chỉ trong một khoảnh khắc, đôi chân tôi như bị đổ bê tông, cúi mặt nhìn xuống đường, ngẩng lên thì thằng cướp đã mất dạng.

Chuyện dừng ở đó, lẽ ra cũng chẳng đáng để bận tâm. Nhưng chỉ sau đó thì tôi gặp nạn nhân. Đó là một cô học trò nhỏ, mặt mày xây xát, vừa lôi cái xe đạp cong vành vừa khóc. Nghe đâu, cái túi bị cướp chứa gần triệu tiền học thêm mà con bé được giáo viên uỷ quyền thu của các bạn. Nhìn dáng vẻ thiểu não của con bé, tôi giận mình, chỉ quyết đoán một chút mà thôi đã có thể giúp người được rồi. Tự thấy bực mình, tôi về xóm trọ, chẳng muốn làm gì suốt cả ngày hôm nay.

Tối. Bác giáo Bình về, nghe tôi kể thì an ủi: “Mỗi ngày trên phố có cả chục vụ cướp, dẫu chú có là Lục Vân Tiên tái sinh thì cũng đâu có thể ngăn chặn được hết!”. Vẫn biết bác giáo có ý tốt giúp tôi đỡ buồn. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ mình là Lục gia, chỉ giận mình không hiểu nổi bản thân nữa.

Cả Chiêm tôi đâu có phải loại đớn hèn, chẳng biết điều gì đã níu chân tôi trên phố sáng nay? Bác giáo Bình nghe tôi hỏi câu đó thì như chợt nhớ ra điều gì - “Mấu chốt là ở chỗ ấy đấy! Người ta làm việc gì cũng có động cơ. Bắt cướp: Một là để trở thành người hùng, hai là cảm thấy bất bình trước cái ác. Trở thành người hùng, ở tuổi chú chắc không còn cái sự hùng tâm tráng khí đó. Còn bất bình trước cái ác, dĩ nhiên là người lương thiện thì ai mà chẳng có cái ý đó. Nhưng, thật lòng mà nói, cái sự bất bình nó không còn mạnh mẽ khiến máu trong người ta sôi lên vì xem ra cái ác giờ nhiều quá!”.

Lời bác giáo Bình hẳn nhiên là có lý. Song, tôi lại nghĩ thêm về một điều, xưa nay người ngay vốn dĩ ngại kẻ gian cũng là thường. Vấn đề là xã hội có kỷ cương, việc bắt cướp là phải của cảnh sát, đâu phải người dân cứ tuỳ tiện mà làm cho được! Nghĩ vậy, nhưng tôi nào có dám nói với bác giáo ý đó, sợ bác ấy lại cười bảo tôi nguỵ biện để giấu đi cái sự hèn của mình. Mẹ nó liệu có nghĩ thế không?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên