Từ vụ Tân Hiệp Phát: Nghĩ về những dòng tin mang một nửa sự thật

Thời gian vừa qua, dư luận người tiêu dùng xôn xao rất nhiều về vụ việc tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam (Trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr. Thanh…) sử dụng nguyên liệu quá date để sản xuất…

Sự việc bắt đầu bằng một mẩu tin không đầy đủ trên báo về việc cơ quan chức năng phát hiện một lô hàng đã hết hạn sử dụng trong kho của tập đoàn này. Ngay lập tức, các siêu thị lớn tạm ngưng kinh doanh sản phẩm của Tân Hiệp Phát, các chủ hiệu tạp hóa thì nhận được cảnh báo từ nhân viên bán hàng của các hãng nước giải khát khác rằng: “Đừng bán trà xanh 0 độ, và Dr. Thanh vì chủ doanh nghiệp đã bị bắt do dùng nguyên liệu hết hạn để sản xuất.”, hoặc “Báo đưa tin trà xanh 0 độ và Dr. Thanh sản xuất bằng nguyên liệu hết hạn, gây ung thư, sao còn bán?”…

Mẩu tin đầu tiên xuất hiện trên báo ngày 5/6, liên tiếp các ngày sau đó, rất nhiều báo đưa tin theo với những phân tích theo chiều hướng như một vụ án nghiêm trọng, gây hoang mang trong dư luận. Sau một tuần, ngày 12/6 những thông tin cụ thể và khách quan xuất hiện trên hàng loạt báo chí với kết luận rằng các sản phẩm nổi tiếng như Dr. Thanh và trà xanh 0 độ được sản xuất bằng nguyên liệu phù hợp, đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chỉ với một tuần, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam đã quay lưng với sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát, những thương hiệu được xây dựng với kinh phí hàng chục tỉ đồng nhanh chóng bị vùi dập.

Vấn đề nằm trong câu chuyện này là ai chịu trách nhiệm về những thiệt hại của doanh nghiệp khi thương hiệu bị ảnh hưởng? Các nhà báo không khẳng định sản phẩm của Tân Hiệp Phát sử dụng nguyên liệu quá date để sản xuất. Họ chỉ đưa tin về kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Trên thực tế: Cuộc kiểm tra là có thật. Tuy nhiên, đây chỉ là một cuộc kiểm tra hành chính bình thường do cơ quan quản lý thị trường thực hiện nhưng báo chí lại đưa tin như một vụ án do cơ quan công an tiến hành khiến cho sự việc trở nên nghiêm trọng và đáng chú ý hơn. Cái lý của nhà báo là trong đoàn kiểm tra có cả cán bộ công an. Tức là đúng một nửa sự thật. Những lô hàng nguyên liệu quá hạn trong kho của Tân Hiệp Phát là có thật. Tuy nhiên đó là lô hàng chờ thanh lý và không phải nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đang có mặt trên thị trường của Tân Hiệp Phát.

Một nửa sự thật không phải là sự thật! Điều này, mọi nhà báo đều biết. Song, những dòng tin mang một nửa sự thật vẫn xuất hiện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng để triệt hạ thương hiệu của đối thủ. Trà xanh 0 độ, Dr. Thanh, những sản phẩm mà Tân Hiệp Phát đầu tư hàng chục tỷ đồng làm thương hiệu đã bị hạ bệ. Các nhà báo có thể chỉ muốn có được những dòng tin hấp dẫn, thu hút sự chú ý của công luận. Họ đã không ý thức được rằng một chút vô tình của mình đã khiến ngòi bút của họ bị lợi dụng, và rất có thể hàng trăm ngàn người lao động sẽ mất việc làm khi doanh nghiệp bị phá sản chỉ bởi những dòng tin thiếu một nửa sự thật!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên