Vệ sinh thực phẩm- người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm

Việc quản lý các cơ sở, quán ăn vỉa hè của tỉnh Kon Tum còn buông lỏng đã khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng.   

Các công trình đang được xây dựng ngổn ngang tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Những nguyên nhân này cộng với ý thức của người kinh doanh chưa cao nên nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm nói riêng và mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung là rất lớn.

Là thị xã vừa được công nhận thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh, Kon Tum  đang ngổn ngang với nhiều công trình cầu, đường thi công dang dở. Những ngày mưa, nhiều đoạn đường có công trình đang thi công như đường Hùng Vương, đường Hồ Chí Minh (phía Nam thành phố Kon Tum) trở nên lầy lội, nhão nhoét. Những ngày nắng ráo, đây là những đoạn đường bụi mù mịt. Tuy vậy, dọc bên những con đường này, các quán ăn sáng, ăn chiều vẫn mọc lên nhan nhản. Người đến các quán này ăn uống vẫn nườm nượp, vội vã, nhất là vào các buổi sáng.

Chị Lê Thị Điệp, công nhân nhà máy chế biến sắn Vĩnh Hưng húp vội tô bún riêu bên lề đường để kịp đi làm cho đúng giờ. Chị Điệp nói: “Đi ăn bên lề đường là vấn đề nhiều người quan tâm. Thực ra không ít quán ở lề đường người ta làm đồ ăn, thức uống rất bừa bãi và mất vệ sinh. Tuy nhiên nhiều lúc do công việc quá bận rộn buộc người ta phải đi ăn nhanh nên phải chọn phương án ăn lề đường chứ thực sự là không yên tâm chút nào”.

Anh Trần Cao Sang, sinh viên trường Đại học Huế đã có gần 3 tuần đi tham quan các điểm du lịch ở Kon Tum để làm luận văn về kiến trúc cổ ở Tây Nguyên. Anh Sang rất thích thưởng thức nhiều món ăn ở thành phố trẻ này như ngô nướng, ngô luộc, lợn quay... nhưng cũng tỏ ra không yên tâm vì hầu hết các quán mọc lên tự phát này nằm cạnh đường đầy bụi. Nhiều quán cơm, quán nhậu bên đường cũng nhộm nhoạm, mất vệ sinh.

Anh Trần Cao Sang nói: “Có một số quán nhìn vào thì rất là bẩn. Theo ý kiến tôi thì phải thường xuyên nhắc nhở để họ làm thức ăn cho khách được sạch sẽ hơn, vệ sinh hơn để khách yên tâm. Nhắc nhở mà họ không làm thì phải phạt thật nặng và rút giấy phép kinh doanh của những quán như thế.”

Đã có không ít trường hợp bị ngộ độc thức ăn do sử dụng những đồ ăn, thức uống bán bên lề đường. Chị Lê Thị Hải, ở tổ dân phố 3, phường Lê Lợi cách đây 2 tuần có con trai là Nguyễn Việt Hưng đi học về bỗng đau bụng, buồn nôn và sốt nặng phải đi cấp cứu. Hai bạn của Hưng tuy nhẹ hơn nhưng cũng diễn ra triệu chứng tương tự. Nguyên nhân là do Hưng và các bạn đi học về ăn chè và uống nước ngọt dọc đường.

Về các quán ăn uống di động không đảm bảo vệ sinh này, chị Lê Thị Hải nêu ý kiến: “Các quán ăn uống bên đường cần có sự quản lý một cách chặt chẽ. Ví dụ như các cơ quan phải thường xuyên đi kiểm tra xem những món ăn đó có đầy đủ chất dinh dưỡng hay không, hợp vệ sinh hay không, đó là điều quan trọng”.

 Tỉnh Kon Tum có hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm và gần 1000 quán ăn uống, trong đó thành phố Kon Tum chiếm hơn một nửa. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra gần đây, chỉ có 60% cơ sở dịch vụ ăn uống đạt yêu cầu, gần 250 cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có đến 16 loại đồ ăn thức uống buộc phải tiêu huỷ. Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Phan Thị Kiều Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum, cho biết: “Đối với địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, các cơ sở kinh doanh thực phẩm chủ yếu là mang tính hộ gia đình, nhỏ lẻ cho nên điều kiện kinh tế của họ còn khó khăn. Các cơ sở chưa đảm bảo, trang thiết bị cũng thiếu. Về con người, muốn đủ điều kiện nấu ăn thì họ cũng phải tham gia học tập kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cái thứ hai là phải khám sức khoẻ định kỳ theo quy định và phải thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Những lao động làm thuê tại các nhà hàng thường không ổn định do đó mà các cơ sở cũng rất khó khăn trong việc thực hiện tổ chức khám sức khoẻ cho họ. Còn thức ăn đường phố thì hiện nay cũng không ai dẹp được, một mình ngành Y tế cũng không thể dẹp được cho nên cũng rất là khó.”

Tết Trung Thu đang đến gần, những sạp hàng bày bán các loại bánh kẹo bao bì với đủ các màu sắc cũng đang mọc lên nhan nhản ở nhiều khu vực thuộc thành phố Kon Tum. Có không dưới 20 cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ lẻ, tự phát tại các xã ven thành phố đang tung ra nhiều loại bánh kẹo vào thị trường trong dịp này. Tại một số nơi như phố chợ Trần Hưng Đạo, bến xe, ngoài các quày bánh kẹo của hãng Kinh Đô, có không ít những loại bánh kẹo khác không rõ xuất xứ, nhãn mác cũng được bày bán  bên lề đường. Nhiều người dân dẫn con đi mua bánh tỏ ra lúng túng trước những loại bánh kẹo có bao bì khá bắt mắt.

Anh Nguyễn Hữu Lài,  ở đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum cho biết: “Về việc mua bánh kẹo dịp trung thu cho các cháu thì ngay bản thân tôi không yên tâm lắm nhưng các cháu đòi thì chúng tôi cũng phải mua vì cũng không có nguồn cung cấp nào khác. Ở đây để có những quày hàng bán những bánh kẹo mà có nhãn mác, có kiểm định rồi thì thật sự là còn rất ít trên địa bàn. Cũng gần đến dịp Trung thu rồi, chúng tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng nên vào cuộc để kiểm tra các nguồn phục vụ bánh kẹo trong dịp tết này để  đảm bảo an toàn hơn cho người dân khi sử dụng.”

Rõ ràng, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang bị thả nổi. Người tiêu dùng ở đây chưa thực sự yên tâm khi phải sử dụng hàng ngày những đồ ăn thức uống không đảm bảo vệ sinh ở thành phố này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên