Việt Nam phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Việt Nam phấn đấu tới năm 2020, giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp xuống còn 30%, tăng tỷ lệ lao động làm công ăn lương lên 50%; tiếp tục hỗ trợ các nhóm yếu.

Ngày 5/12, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 15 (APRM15) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở cố đô Kyoto, Nhật Bản, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chủ trương phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, để thực hiện chủ trương này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện một loạt các chính sách như Chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo; các chương trình, dự án hỗ trợ các đối tượng yếu thế như phụ nữ nghèo, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngoài chương trình việc làm quốc gia, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án về dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng và các khu vực đặc thù như: chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chương trình việc làm cho thanh niên, đề án dạy nghề cho nông dân… Các chương trình này đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động/năm.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tại Hội nghị

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận, hệ thống thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011–2020, Việt Nam sẽ tập trung tạo lập đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động trong nước; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ và bền vững hơn cho người lao động; phấn đấu tới năm 2020, giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp xuống còn 30%, tăng tỷ lệ lao động làm công ăn lương lên 50%; tiếp tục hỗ trợ các nhóm yếu thế hoà nhập thị trường lao động.

Việt Nam sẽ tích cực xây dựng khung chính sách về an sinh xã hội cho giai đoạn 2011-2020; nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để trình Quốc hội thông qua vào năm 2012 và xây dựng các luật như Luật Việc làm và Luật Tiền lương tối thiểu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định: “Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vì hòa bình, thịnh vượng và công bằng cho tất cả mọi người, xây dựng một tương lai bền vững cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Cũng tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo “Xây dựng tương lai bền vững với việc làm tốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, của Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia. Báo cáo gồm 2 phần, trong đó phần 1 đề cập tới các vấn đề được thảo luận ở Hội nghị lần này như phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, việc làm và an sinh xã hội; tạo việc làm có năng suất cao và phát triển kỹ năng; việc làm xanh; các quyền của người lao động tại nơi làm việc và đối thoại xã hội. Phần 2 đề cập tới các hoạt động của ILO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn 2006-2010.

Cùng ngày, ILO đã tổ chức 2 phiên họp đặc biệt về việc làm xanh và sự phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, việc làm và an sinh xã hội.

Việt Nam gia nhập ILO từ năm 1992. Tại kỳ họp lần thứ 100 của ILO ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 6/6/2011, Việt Nam đã được các nước thành viên ILO bầu làm thành viên chính thức của Hội đồng Quản trị ILO - cơ quan có quyền lực cao nhất trong tổ chức này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên