Việt Nam tích cực góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu

Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và các tổ chức quốc tế khác trong vấn đề biến đổi khí hậu và sẽ góp phần vào thành công của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Copenhagen (COP 15) tháng 12 tới.

Ngày 4/9, phát biểu tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường nước ta Nguyễn Văn Đức nêu rõ rằng Việt Nam đã tích cực góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cho biết nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam trong vòng 50 năm qua (1958-2007) đã tăng 0,5 - 0,7 độ C; mực nước biển tăng khoảng 20 cm; các vụ thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán cũng có xu hướng tăng lên.

Theo báo cáo năm 2007 của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài, các khu kinh tế và dân cư sống tập trung ven biển và nguồn sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, khai thác tài nguyên thiên nhiên và lâm nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy Việt Nam đã và đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên nhiều mặt.

Sau khi đánh giá cao chủ đề của Hội nghị "Thông tin khí hậu tốt hơn cho một tương lai tốt hơn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức nói: "Nhằm chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam và góp phần cùng nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 2/12/2008; phê chuẩn để công bố Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam đầu tháng 8/2009. Theo kịch bản này, đến cuối thế kỷ này, ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 2-3 độ C và mực nước biển sẽ dâng cao 75 cm.

Những thông tin bổ ích và kết quả có được từ hội nghị này sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ đã được đưa ra tại Chương trình mục tiêu quốc gia".

Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và các tổ chức quốc tế khác trong vấn đề biến đổi khí hậu và sẽ góp phần vào thành công của Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Copenhagen (COP 15) tháng 12 tới.
Hội nghị toàn cầu về chống biến đổi khí hậu lần thứ ba, được tổ chức tại Geneva từ 31/8 đến 4/9/2009, nhằm trao đổi thông tin để thiết lập một khuôn khổ toàn cầu cho các dịch vụ về khí hậu; thúc đẩy việc lồng ghép các dịch vụ đó vào tiến trình ra quyết định để quản lý tốt hơn những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức vào năm 1979 đã thành lập Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC); Chương trình khí hậu toàn cầu (WCP) và Chương trình nghiên cứu khí hậu toàn cầu (WCRP). Hội nghị lần thứ hai diễn ra năm 1990 đưa ra sáng kiến xây dựng công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên