VOVTV trăn trở tìm hướng đi
(VOV) - Lên sóng đã tròn 4 năm nhưng Kênh truyền hình VOV vẫn canh cánh tìm đường đột phá giữa rừng truyền thông hiện nay.
Canh cánh cũng phải thôi vì VOVTV thuộc vào hàng những kênh hình trẻ tuổi nhất ở nước ta. Đài Tiếng nói Việt Nam từng là nơi đầu tiên ở miền Bắc thử nghiệm phát sóng truyền hình, nhưng việc đó diễn ra lâu lắm rồi và đội ngũ làm truyền hình khi ấy cũng đã tách ra thành VTV. Thành thử, tất cả đều trở nên mới mẻ và nhiều bỡ ngỡ đối với VOV khi bắt tay vào xây dựng hệ truyền hình mới tinh.
Đã vậy, lúc VOVTV ra đời, truyền hình trong nước cũng đã khá phát triển, từ trung ương đến địa phương. Đến nay còn có thêm một số đài truyền hình thuộc các bộ ngành. Riêng các Kênh An ninh và Thông tấn tuy chính thức ra đời sau VOVTV nhưng thực chất đã có bề dày hoạt động từ trước đó. Với quá trình hội nhập của đất nước, thị phần truyền hình xuất hiện thêm nhiều “người chơi” như các công ty truyền thông tư nhân và các kênh truyền hình nước ngoài có phụ đề tiếng Việt.
Tại khu vực trường quay VOVTV |
Trong bối cảnh ấy, VOVTV đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn và buộc phải tìm cho ra được hướng đi để khẳng định mình.
Nhu cầu bứt phá
Tiếp phóng viên VOV online, Giám đốc VOVTV Đồng Mạnh Hùng trông có phần hơi mỏi mệt, có lẽ vì bận lo toan cho hoạt động của hệ truyền hình (quân số khoảng 140 người) trong suốt thời gian qua. Ông chia sẻ nhiều băn khoăn về đường hướng phát triển tiếp theo của kênh truyền hình này sau khi bước đầu được công chúng biết đến.
“Trăn trở của chúng tôi thì nhiều lắm. Lớn nhất là tìm hướng đi và tạo sự khác biệt. Nhưng đồng thời, không được riêng rẽ hoàn toàn mà vẫn phải nằm trong dòng chảy Đài TNVN và giữ bản sắc của 1 kênh truyền hình có tính chính luận,” vị giám đốc nói.
“Chúng tôi phải xây dựng đội ngũ làm truyền hình chuyên nghiệp và chiếm lĩnh sự chú ý của công chúng, phải làm sao để khi nhắc đến VOVTV thì nhiều người biết ngay và nói rằng tôi đang xem và sẽ xem. Rất tiếc là chúng tôi thậm chí vẫn chưa tiến hành được cuộc điều tra khán giả nào cả, để xác định xem họ là ai, họ cần gì,” ông Hùng trầm ngâm nói tiếp.
Trong khi đó, theo lời ông Hùng, công chúng đã “quen nhiều kênh truyền hình khác, đặc biệt là VTV”.
Giọng quả quyết, ông nói thêm, “chúng tôi đang cố gắng tạo bước đột phá, nhưng nhịp độ đổi mới này phải nhanh hơn, gấp gáp hơn chứ không thể duy trì như tốc độ hiện nay”. Tuy nhiên khi hỏi về kế hoạch cụ thể tạo nét riêng, ông xin phép chưa được “bật mí” vội vì có nhiều hướng đang phải cân nhắc, và “chúng tôi mới chỉ cựa mình thôi, chưa làm được gì nhiều”.
Khát khao khẳng định chỗ đứng của VOVTV dường như cũng là nỗi niềm chung của nhiều người ở kênh hình này. Ngay cả khối kỹ thuật của kênh cũng sốt sắng muốn thay đổi.
Phòng Tổng khống chế của VOVTV |
Anh Lê Quốc Triệu, kỹ thuật viên từng công tác tại khối phát thanh của VOV từ năm 1996, mong muốn “thể hiện được hình ảnh tốt nhất cho công chúng”. Thùy Dương, còn rất trẻ, đang công tác tại tổ dựng hình, thì nói cô muốn VOVTV có vị thế cao hơn nữa, và khán giả chỉ cần thoáng nhìn hình ảnh trên kênh là nhận biết được ngay đấy là VOVTV. Hồng Quân, một đồng nghiệp của Dương, cũng thừa nhận sức hút của VOVTV chưa thực sự cao lắm và qua khảo sát nhỏ cá nhân của anh, khán giả có biết đến kênh nhưng tỷ lệ xem trọn vẹn chương trình còn thấp.
Nhớ lại buổi đầu
Việc ra được kênh VOVTV là cả một nỗ lực đáng kể của lãnh đạo và nhân viên VOV. Như nhiều người nhận xét, làm truyền hình cực tốn kém và phức tạp. Không ít người nói vui, đó là loại hình báo chí của “nhà giàu”. Và thực sự, mảng kỹ thuật là một mặt trận nóng bỏng khi VOV quyết định ra hệ hình này, dù rằng VOV đã có nền tảng chung về báo chí và công nghệ.
Anh Lưu Đình Thành, trưởng phòng kỹ thuật VOVTV, nhớ lại không khí căng thẳng trước lần phát sóng đầu tiên của kênh vào ngày 7/9/2008. Khi ấy, anh và các đồng nghiệp đã rất lo lắng liệu có làm được hay không.
“Đến tận 15/8 (2008), công việc vẫn ngổn ngang. Trường quay chưa có gì, chúng tôi phải ngồi hàn từng cái dây, và nhờ những người bạn bên VTV và truyền hình Hà Nội sang giúp. Đồng nghiệp thì đa số là mới tuyển và ít người từng làm trong ngành truyền hình,” anh Thành chia sẻ.
Anh Lưu Đình Thành |
Cũng từ đây, cột mốc 7/9/2008 này mở đầu một chuỗi các áp lực công việc của anh Thành. Đêm 6/9/2009, anh và các nhân viên trong phòng phải tức tốc chuyển toàn bộ thiết bị của kênh từ khu vực phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm, HN) sang trụ sở mới bên 58 Quán Sứ. Thời gian chuyển chỉ có vài tiếng để kênh kịp phát sóng ngay sáng sớm hôm sau. Do thời gian gấp gáp, nên mỗi kỹ thuật viên dùng 1 xe máy để chở thiết bị sang Quán Sứ lắp ráp. Áp lực tiếp theo là đúng 1 tháng sau đó, phải lên được chương trình trực tiếp. Về thời lượng phát sóng, lúc mới đầu chỉ có 3 tiếng buổi tối (từ 6h), 3 tháng sau phải tăng lên 9 tiếng, và bây giờ là cả ngày.
Dù đã có buổi phát trực tiếp rồi nhưng đây chỉ là quay sẵn một chương trình đã được bên khác thực hiện, nên nhóm của anh Thành vẫn tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị để đến 22/5/2011 thực hiện trọn vẹn một chương trình trực tiếp đầu tiên có sự phối hợp của toàn bộ ê-kíp riêng của kênh (gồm cả biên tập viên, phóng viên và MC). “Đợt đấy chúng tôi phản ánh trực tiếp và trơn tru cuộc bầu cử quốc hội, với các đầu cầu Sơn La, Đà Nẵng, Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh”, anh Thành kể với vẻ tự hào.
Khó khăn đặc thù
Các nhân viên VOVTV ghi nhận, làm truyền hình khó và áp lực hơn phát thanh rất nhiều. Bên phát thanh, 1 người có thể độc lập làm trọn vẹn 1 sản phẩm, nhưng sang truyền hình thì lại phải cần nhiều người và nhiều công nghệ. Khi xảy ra sự cố, khắc phục bên phát thanh cũng dễ hơn. Chẳng hạn, phát thanh viên có thể đọc ngay tại chỗ văn bản giấy của những clip âm thanh không “gắp” được từ mạng sản xuất ra để phát sóng, nhưng với truyền hình, trong trường hợp ấy, chẳng lẽ lại để MC ngồi đọc cả ngày?
Anh Lê Quốc Triệu, hiện phụ trách trường quay, tâm sự: “Hồi được điều sang VOVTV năm 2008, tôi bỡ ngỡ lắm. Trong 2-3 tháng đầu, tôi không biết bắt đầu thế nào. Về công nghệ, từ phát thanh sang truyền hình quả là khác một trời một vực. Tôi phải học mới rất nhiều thứ.”
Cũng như anh Triệu, Thùy Dương khẳng định hình ảnh trong truyền hình có ngôn ngữ riêng, tự nó phải truyền đạt được thông tin và phải kết hợp nhuần nhuyễn với âm thanh. Dương cho biết, hồi đầu anh chị em biên tập ở đây (đa phần xuất thân phát thanh) ít nhiều mang tư duy phát thanh vào sản phẩm truyền hình của mình. Tất nhiên, giờ thì tình hình đã khác.
Ngay cả Giám đốc VOVTV Đồng Mạnh Hùng, vốn là 1 nhà báo phát thanh lâu năm, cũng chia sẻ, “bất cứ nghề mới nào đều không đơn giản và bản thân tôi vẫn phải tự học từ đầu”.
Dẫu tốt nghiệp đúng chuyên ngành kỹ thuật tại trường Cao đẳng Truyền hình, nhưng Thùy Dương cho biết những gì cô học tại trường mới chỉ là những cái đơn giản. Phải đến khi về làm chính thức tại VOVTV, cô mới được tiếp xúc với rất nhiều thứ “cụ tỉ” của thực tế và được tham gia dựng những chuyên đề dài. Song Dương vẫn ước có người cố vấn, là chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm về truyền hình, đến “giải thích cho bọn em biết mình có những sai sót gì, và phải làm thế nào để chương trình hay hơn”. Cô cho biết thêm, hiện chưa có nhiều khóa đào tạo ngắn dành cho khối kỹ thuật của kênh hình.
Lợi thế so sánh và phác thảo hướng đi
Khó khăn nhiều là vậy, nhưng anh chị em VOVTV vẫn tự tin về tương lai của kênh truyền hình này do xác định được các lợi thế của kênh mình. Thứ 1, nó nằm trong lòng Đài Phát thanh Quốc gia có bề dày lịch sử và uy tín. Thứ 2, được kế thừa hệ thống trạm phát sóng của VOV và Kho Âm thanh đặc sắc (mà không phải Đài PTTH nào cũng có) cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị kỹ thuật (Trung tâm Âm thanh và Trung tâm Kỹ thuật VOV), của đoàn nhạc cùng nhiều cơ quan thường trú VOV ở trong và ngoài nước. Thứ 3, được đi thẳng vào công nghệ tiên tiến (do đi sau). Và thứ 4, có đội ngũ nhân lực trẻ.
Camera robot tự chế gắn trên trần trường quay của VOVTV |
Phát huy tính chủ động sáng tạo, anh chị em kỹ thuật viên đã có những sáng kiến nhất định để cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc và giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, ở trường quay cần máy camera điều khiển từ xa gắn trên trần để có các góc quay và hình ảnh đẹp, nếu nhập thiết bị này nguyên chiếc từ nước ngoài thì sẽ rất đắt (hàng chục ngàn USD/camera robot). Năm 2010, anh em khối kỹ thuật đã tự tìm tòi lắp thêm bộ phận điều khiển vào sau camera thường. Tuy không linh hoạt như một chiếc camera “xịn” đúng kiểu nhưng những chiếc camera tự chế đã đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản của trường quay như điều khiển được từ trong phòng máy, zoom được, lấy nét, hay lia,… Ngoài ra, phòng kỹ thuật VOVTV cũng tự viết phần mềm quản lý lưu trữ dữ liệu phù hợp với nhu cầu và đặc thù của đơn vị. Hiện phòng cũng đang nghiên cứu cách truyền trực tiếp tín hiệu hình ảnh từ hiện trường các sự kiện (xảy ra bất ngờ), có thể qua mạng internet hoặc sóng 3G, với hy vọng tạo thêm 1 phương thức đưa tin nhanh và sống động cho cánh phóng viên VOVTV. Còn tổ dựng hình của Dương cố gắng hàng tuần ngồi lại với nhau 1 buổi để bình luận và tự rút kinh nghiệm từ 2-3 tác phẩm được chọn bất kỳ của tuần.
Tuy Giám đốc Đồng Mạnh Hùng không “bật mí” việc tạo nét riêng biệt cụ thể ra sao, nhưng ông có tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho công tác đào tạo cũng như cho việc chuẩn hóa studio, và phấn đấu để đưa VOVTV thành kênh truyền hình chuyên biệt hàng đầu tại Việt Nam về Thời sự - Chính trị - Tổng hợp. Việc điều tra khán giả chắc cũng sẽ phải tiến hành bài bản, ông nói.
Một số nhân viên trẻ và khá tâm huyết với công việc của VOVTV mạnh dạn hiến kế đổi mới kênh. Thùy Dương thì cho rằng cần phải đẩy nhanh tốc độ thông tin để có thể cạnh tranh với các "đối thủ". Hồng Quân thấy cần xác định được phân khúc khán giả chính để từ đó xây dựng được “key” chính cho kênh, tạo được format chương trình đặc biệt, không trùng lẫn với kênh khác. Anh cũng trăn trở về sự cần thiết xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu chuẩn, từ logo, màu sắc chủ đạo, đến các quy chuẩn về hình ảnh, font chữ, và hình cắt hình hiệu, v.v./.