Vùng nguyên liệu mía BISUCO: Khốn đốn sau lũ

Chỉ trong vòng 1 tháng, vùng nguyên liệu mía ở tỉnh Bình Định, Gia Lai liên tiếp bị 2 đợt bão lũ gây thiệt hại nặng. Hiện nay, niên vụ ép mới của Công ty Đường Bình Định (BISUCO) đã bắt đầu nhưng mía nguyên liệu bị thiếu hụt nghiêm trọng…  

Ông Nguyễn Phương ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường (Tây Sơn), nghẹn ngào: “Vụ này, gia đình tôi trồng 8 sào mía; chăm sóc suốt 9 tháng trời, mía đang phát triển xanh tốt thì bão số 9 xảy ra đã bẻ ngọn trọi lỏi. Số mía bị gãy ngọn kể như đã bỏ, mọi hy vọng chỉ còn trông vào số cây đứng sẽ gỡ lại ít vốn để trả nợ tiền đầu tư của nhà máy. Nào ngờ bão số 11 tiếp tục lại bẻ gãy đọt toàn bộ số mía còn lại. Khi cây mía đã bị gãy ngọn thì sẽ mọc lên chồi khác, dù có chăm sóc đến mấy thì dinh dưỡng cũng sẽ chỉ nuôi chồi mới chứ không nuôi cây nên chữ đường sẽ giảm mạnh”.

Ông Trương Thiên Thành, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Tây Sơn là vùng nguyên liệu mía trọng điểm. Những năm trước, do hiệu quả của cây mì cao hơn nên nhiều nông dân đã bỏ mía sang trồng mì. Từ niên vụ 2008-2009, BISUCO có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất cùng với thực tế cây mì bị mất giá nên nhiều hộ nông dân đã quay trở lại với cây mía. Hiện nay, diện tích mía trên địa bàn huyện đã tăng lên 300 ha, song cơn lũ dữ vừa qua đã làm thiệt hơn 100 ha mía dọc ven sông Côn, sông Kút, sông Đồng Sim…

Nhiều diện tích mía của BISUCO trên địa bàn tỉnh Bình Định bị nước lũ làm gãy đổ, năng suất giảm mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: Trong đợt bão lũ vừa qua, trên địa bàn huyện có 204 ha mía bị nước lũ gây thiệt hại. Hầu hết diện tích mía đều bị gió bẻ gãy đọt, nước lũ ngâm lâu ngày thối rữa thân, chết hàng loạt. Người trồng mía không còn gì để thu hoạch trong niên vụ mới này.

Theo tính toán của người trồng mía, mỗi ha mía từ đầu vụ đến nay đã đầu tư 25 triệu đồng, số tiền này một phần do BISUCO cho ứng trước để trồng, còn lại do người dân đầu tư. Niên vụ ép của BISUCO cũng đã bắt đầu mà người dân chẳng còn mía để bán cho nhà máy.

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc BISUCO, thở dài: “Bão số 9 xảy ra trong đầu tháng 10 đã tàn phá hầu hết vùng nguyên liệu của công ty, cả trên địa bàn Bình Định lẫn Gia Lai với diện tích lên đến 7.074 ha mía, sản lượng bị ảnh hưởng đến 83.709 tấn. Tiếp đến, bão số 11 lại tàn phá thêm 1.000 ha nữa trên địa bàn Bình Định. Hầu hết diện tích mía thiệt hại do bị nước lũ ngập, ngã, gãy đọt, thối rữa thân…, năng suất, chữ đường bị giảm từ 20 - 30%, giá trị thiệt hại vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh ước tính ban đầu hơn 6 tỉ đồng”.

Hiện nay, hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ở các vùng nguyên liệu của BISUCO đang lâm cảnh khốn đốn. Nợ vốn đầu tư của nhà máy còn đó, thu hoạch sản phẩm thì không còn gì nên người trồng mía rất lo lắng. Không chỉ vậy, lượng giống mía để trồng mới trong niên vụ tới cũng sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, diện tích mía trồng mới của BISUCO sẽ là 4.000 ha, lượng giống cần có đến 48.000 tấn. Hiện nay, BISUCO và nông dân đều khó khăn trong vấn đề giống sản xuất bị thiếu hụt do 2 cơn bão lũ liên tiếp gây ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên