Vượt đèo đưa bữa cơm nóng lên điểm trường vùng cao

VOV.VN - Hàng chục năm qua, các cô giáo trường Mầm non xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hàng ngày vẫn tổ chức nấu nướng rồi mang cả trăm suất cơm nóng vượt qua những con đường đèo dốc lên những điểm trường vùng cao.

Giờ nổi lửa, bắc bếp của các cô cấp dưỡng tại điểm trường chính ở Xuân Lạc thường phải sớm hơn nơi khác. Bởi thức ăn sau khi nấu chín còn phải vượt đèo dốc đến với 4 điểm trường ở các bản, trong đó, điểm xa nhất là Bản Eng xa tới 6 km. Dù nhà trường mới được xây dựng hệ thống nước sạch vài tháng trước, nhưng do trường ở vùng cao lại trong mùa khô cạn nên các cô vẫn phải đi xin từng xô nước của các hộ dân xung quanh về để nấu khoảng 200 suất ăn cho trẻ.

Cô Hoàng Thị Dược cho biết: “Nước mùa khô rất khó khăn, chúng tôi phải xách xô xuống dưới mấy nhà dân ở dưới làng, ai có thì xin thôi. Cứ phải chủ động chiều hôm trước xách trước vài xô, sáng hôm sau lấy tiếp. Tôi mong muốn có được 1 giếng khoan hay cách nào đó, để có đủ nước sạch và để vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo hơn".

Dù thiếu nước, phải đi xin ở xa, nhưng để bảo đảm an toàn cho bữa ăn của các con, các cô vẫn cẩn thận rửa rau qua 3 lượt nước, sau đó ngâm nước muối rồi mới đem chế biến; Các loại cơm, thức ăn sau khi nấu cũng được lưu mẫu kiểm nghiệm theo quy định.

Gần 10h, khi cơm canh đã chín cũng là lúc cô giáo ở các điểm trường đi xe máy đến lấy cơm, thức ăn mang lên bản. Trường hợp các cô giáo điểm trường bận, Ban Giám hiệu sẽ cử cán bộ, thậm chí là lãnh đạo nhà trường trực tiếp đưa lên bản. Những chiếc xe gắn máy, loại phương tiện hữu hiệu nhất với kiểu đường đèo dốc được gắn thêm giá gỗ, bên trong có các thùng inox chứa cơm, rau và cả đồ cho bữa ăn phụ buổi chiều. Cô giáo Ma Thị Nguyệt, điểm trường Khuổi Sáp chia sẻ: Đường xa, đèo dốc khó đi nên các cô luôn dặn nhau phải chằng buộc cẩn thận... 

 “Những ngày nắng thì đi lại cũng dễ thôi, nhưng nếu trời mưa rét đi lại cũng vất vả, nếu mưa lạnh đi lại thì người có khi cũng bị ướt. Lên điểm trường Khuổi Sáp còn đoạn ngắn là đường đất, nên mưa cũng khá khó khăn. Các cháu từ nhà đến trường cũng đã rất khó khăn rồi nên khi đến lớp, các cô sẽ cố gắng, cái gì các cô làm được sẽ làm hết khả năng của các cô” - cô Nguyệt chia sẻ.

Quãng đường từ trường chính đến điểm trường Tà Han chỉ hơn 3km, nhưng đây lại là cung đường gian nan hơn cả. Dù mới được đổ bê tông, nhưng đường hẹp, nhiều đoạn dốc cao kèm cua tay áo, bên là núi cao, bên là thung sâu, đến cả những tay lái "cứng" cũng còn e ngại. Vậy nhưng với cô Nông Thị Hảo, cán bộ cấp dưỡng trường Mầm non Xuân Lạc thì đây là cung đường đã quen thuộc cả chục năm qua. Cô Hảo bộc bạch: “Mấy năm trước chưa đổ bê tông đi vất vả hơn nhiều, đường toàn đất đỏ ấy, trời mưa phải để xe ở ngoài lối ra rồi gánh bộ đi vào. Đường bây giờ đa số đổ bê tông rồi nhưng vẫn rất sợ, mưa trơn trượt sợ đổ hết thức ăn của các cháu thì bữa trưa các cháu không có gì ăn, nên đi trời mưa lo lắm. Mình ngã thì không sao đâu, chỉ lo các cháu không có gì ăn thôi”.

Bản Tà Han có hơn 100 hộ người Mông, tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Đây cũng là một trong những điểm trường có đông học sinh của Mầm non Xuân Lạc với gần 70 trẻ. Dù đã là điểm trường, nhưng vẫn có những học sinh phải đi 5-6km để đến lớp. Đây cũng là điểm trường hiếm hoi có đủ quỹ đất để làm nhà bếp, nhưng điều kiện khó khăn nên chính quyền địa phương cũng chưa thể bố trí kinh phí xây dựng. Các cô giáo có sáng kiến là nấu cơm tại điểm trường, còn thức ăn sẽ chuyển từ điểm trường chính để đỡ vất vả và đảm bảo an toàn, bởi với số học sinh đông, nếu lấy cơm sẽ phải có 2 xe máy mới chở hết. Cô giáo Hoàng Thị Hợp, điểm trường Mầm non Tà Han chia sẻ: "Nhìn các con ăn bữa trưa ngon lành với cơm nóng, đủ thịt, đủ rau... đó cũng là niềm vui của các cô giáo “cắm bản”. 100% trẻ ở đây là dân tộc Mông và con hộ nghèo, đời sống trẻ rất khó khăn. Đầu năm đi học các trẻ suy dinh dưỡng rất nhiều, tuy nhiên, qua một kỳ học, với trẻ lớp nhà trẻ được ăn 3 bữa/ngày, trẻ mẫu giáo ăn 2 bữa/ngày thì đến nay tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm rất nhiều, việc duy trì sĩ số đạt 100%”.

Xuân Lạc là xã khó khăn nhất của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn với đa số là người Mông thuộc diện hộ nghèo. Trường Mầm non Xuân Lạc có gần 380 học sinh, gồm 1 điểm trường chính tại trung tâm xã và 9 điểm lẻ ở các bản, nơi xa nhất lên đến hơn 10 km trên những triền núi đá giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang. Hiện Nhà trường chỉ bố trí được 3 bếp nấu ăn, riêng điểm trường chính ở Bản Ó sẽ nấu cho 4 điểm khác là Bản Eng, Bản Tưn, Tà Han và Khuổi Sáp. Trong khi bếp ở Pù Lùng 1 sẽ nấu cho cả Pù Lùng 2 và bản Khuổi Hỏ. Còn bếp ở điểm Nà Bản sẽ nấu cho thêm điểm trường Cốc Slông. Dù đã bố trí bếp về tận điểm trường, nhưng quãng đường để đưa thức ăn đến cho trẻ vẫn phải từ 3-7km.

Cô Phan Thị Thủy, Hiệu trường Trường Mầm non Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn mong muốn: “Nhà trường đã tạo mọi điều kiện vượt khó để 100% học sinh được ăn bán trú. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn, các cô phải về trường chính lấy thức ăn. Tuy vẫn đảm bảo nhưng không thể được như trường bạn, vì sơ chế, nấu tại chỗ sẽ đảm bảo các chất dinh dưỡng hơn, rồi vận chuyển đi xa cũng rất khó, một phần nào đó ảnh hưởng thức ăn. Do đó, nhà trường mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm xây dựng thêm bếp ăn, trước mắt là ở điểm trường Tà Han để đảm bảo điều kiện cho các cháu”.

Những bát cơm nóng đong đầy tình thương, trách nhiệm của các cô giáo đã góp phần giúp những học trò bản nghèo vùng cao xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Mong muốn lớn nhất của các cô giáo cũng như người dân nơi đây là sớm có một bếp ăn ngay tại bản, để các con có bữa ăn ngon hơn và các cô giáo cũng không còn vất vả nắng mưa hay giá rét trên những cung đường gập ghềnh đèo dốc.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngôi trường bán trú: Mái ấm của những học sinh vùng cao
Ngôi trường bán trú: Mái ấm của những học sinh vùng cao

VOV.VN - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các thầy cô trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở An Thắng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đang ngày đêm vì học sinh vùng cao

Ngôi trường bán trú: Mái ấm của những học sinh vùng cao

Ngôi trường bán trú: Mái ấm của những học sinh vùng cao

VOV.VN - Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Dự án 5) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các thầy cô trường PTDT bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở An Thắng, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đang ngày đêm vì học sinh vùng cao

Nỗ lực để trẻ em ở vùng cao Sàng Ma Sáo (Lào Cao) vui đến trường
Nỗ lực để trẻ em ở vùng cao Sàng Ma Sáo (Lào Cao) vui đến trường

VOV.VN - Mặc dù thiệt thòi hơn so với các bạn cùng lứa tuổi ở khu vực đô thị hay địa bàn thuận lợi, trẻ lớp 1 tại xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng được trải nghiệm tại những lớp học bổ ích.

Nỗ lực để trẻ em ở vùng cao Sàng Ma Sáo (Lào Cao) vui đến trường

Nỗ lực để trẻ em ở vùng cao Sàng Ma Sáo (Lào Cao) vui đến trường

VOV.VN - Mặc dù thiệt thòi hơn so với các bạn cùng lứa tuổi ở khu vực đô thị hay địa bàn thuận lợi, trẻ lớp 1 tại xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng được trải nghiệm tại những lớp học bổ ích.

Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo kết nối xây dựng gần 60 điểm trường
Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo kết nối xây dựng gần 60 điểm trường

VOV.VN - Hơn 20 năm gắn bó với những điểm trường xa xôi nhất ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ là người mang con chữ đến học sinh miền núi mà còn là cầu nối để các em có thêm những bữa cơm no, những tấm áo ấm. Từ nỗ lực vận động của thầy Vỹ và các cộng sự, đã có thêm khoảng 60 điểm trường được xây mới tại huyện miền núi khó khăn Nam Trà My.

Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo kết nối xây dựng gần 60 điểm trường

Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo kết nối xây dựng gần 60 điểm trường

VOV.VN - Hơn 20 năm gắn bó với những điểm trường xa xôi nhất ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ là người mang con chữ đến học sinh miền núi mà còn là cầu nối để các em có thêm những bữa cơm no, những tấm áo ấm. Từ nỗ lực vận động của thầy Vỹ và các cộng sự, đã có thêm khoảng 60 điểm trường được xây mới tại huyện miền núi khó khăn Nam Trà My.