Xử lý dịch đau mắt đỏ tại các địa phương

Người dân nên tránh đưa tay bẩn lên mắt, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch, thường xuyên giặt khăn mặt, khăn mùi xoa bằng xà phòng và phơi chỗ nắng.

Tại tỉnh Thái Nguyên, số người mắc bệnh viêm kết mạc cấp do virus (thường gọi là bệnh đau mắt đỏ) ngày càng tăng lên.

Theo thống kê từ Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, mỗi ngày có khoảng 40 đến 50 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh đau mắt đỏ. So với thời điểm này năm ngoái, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên tăng khoảng 30%. Ở các bệnh viện khác như: Bệnh viên Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C... số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám bệnh cũng tăng hơn ngày thường từ 20 - 30%...

Trước tình trạng này, cơ quan y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn chú ý giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh tiếp xúc với người đã bị bệnh và hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết. Tuy bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không kịp thời điều trị đúng cách sẽ có thể gây biến chứng giảm thị lực dẫn đến mù loà, do đó khi mắc bệnh cần chú ý những khuyến cáo của cơ quan y tế, điều trị đúng hướng dẫn của y, bác sĩ...

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hơn 1 tuần nay, bệnh đau mắt đỏ đang có biểu hiện lan rộng, với tỷ lệ người bị mắc gấp 1,5 đến 2 lần so với cùng kỳ năm 2009 (ước tính 450.000 người bị mắc). Số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gia tăng đột biến. Những địa phương có số người bị bệnh đau mắt đỏ nhiều nhất là các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Kim Thành và thành phố Hải Dương.

Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân cách phòng ngừa bệnh đau măt đỏ như: tránh đưa tay bẩn lên mắt; sau một ngày lao động nên nhỏ vào mắt vài giọt nước nhỏ mắt natri clorid 0,9% (nước muối sinh lý); rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch, thường xuyên giặt khăn mặt, khăn mùi xoa bằng xà phòng và phơi chỗ nắng.

Đồng thời, khi bị bệnh cần chữa bệnh khẩn trương, rửa mắt với dung dịch natri clorid 0,9% ba lần/ngày; dùng kháng sinh (thuốc nhỏ, thuốc mỡ). Trường hợp, bệnh viêm kết mạc có bội nhiễm vi trùng (ghèn xanh như mủ) hoặc có biến chứng trên giác mạc (mờ mắt, sợ ánh sáng và đau), người bệnh phải đến khám bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự chữa theo các liệu pháp dân gian như xông khói, rửa bằng nước lá…

Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Hà Giang cho biết, ngày 10/8, trên địa bàn thị xã Hà Giang mới phát hiện 5 trường hợp bệnh nhân bị đau mắt đỏ nhưng đến nay đã lây lan ra các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc với số lượng bệnh nhân lên đến 1.800 người.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh đau mắt đỏ bùng phát và lây lan nhanh ra cộng đồng là do nhiều người không hiểu biết về bệnh đau mắt đỏ, dẫn đến coi thường và chủ quan. Đa số người bị bệnh đau mắt đỏ lại không kiêng và cách ly, dẫn đến tình trạng 1 người trong gia đình bị, thì cả nhà cùng bị. Nhiều người khi bị lây bệnh đau mắt đỏ vẫn đến công sở làm việc; nhiều cháu bé bị đau mắt đỏ các bậc làm cha, mẹ không cho con nghỉ học.

Trước thực tế này, các cơ quan có liên quan của Hà Giang cần khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để dập dịch, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết cách phòng chống dịch./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên