Yêu cầu xe chính chủ là không khả thi

(VOV) - Có khi hai vợ chồng đi chung một chiếc xe và không phải lúc nào cũng có thể mang hộ khẩu, giấy tờ liên quan để chứng minh.

Nghị định 71 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34) đã chính thức có hiệu lực. Một trong các qui định của Nghị định này khiến nhiều người băn khoăn là: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trả lời báo chí về vấn đề này.

PV: Thưa ông, theo qui định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, các loại xe tương tự mô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ bị phạt tiền. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Ngô Văn Minh: Chứng minh chính chủ là vô cùng vô lý. Ví dụ như con ruột mang họ tôi, nhưng con rể, con dâu đứng tên xe mà lại bảo tôi phải đi chứng minh vì con rể, con dâu không đúng họ(?!).

Còn việc chứng minh là cùng hộ khẩu cũng khó thực hiện. Tôi hộ khẩu ở ngoài này, còn con tôi hộ khẩu ở trong quê thì bảo tôi chứng minh kiểu gì? Ông không tin tưởng thì ông “đè” tôi ra ông phạt. Như vậy là hết sức vô lý. Một chủ trương ban hành ý tưởng là tốt muốn tập trung vào đối tượng mua đi bán lại. Không sang tên đổi chủ là trốn thuế. Khi tội phạm xảy ra là chúng ta khó truy tìm, khó điều tra. Nhưng để giải quyết những điều đó phải có biện pháp khác, phải có biện pháp đồng bộ hơn. Chứ chủ trương đòi chính chủ là không khả thi, gây một sự phản ứng không cần thiết trong nhân dân. Làm gì mỗi người có một chiếc xe, có khi hai vợ chồng đi chung một chiếc.

PV: Vậy điều này nói lên vấn đề gì trong khâu ban hành văn bản qui phạm pháp luật, thưa ông?  

Ông Ngô Văn Minh: Có lý luận mà thiếu thực tiễn. Đây là những người “ngồi trên trời” mà làm chính sách. Như thế là không nên. Những chính sách không có tính khả thi rõ ràng là những chính sách không đi vào cuộc sống, không phù hợp với tâm tư nguyện vọng nhân dân. Mà chính sách phải xuất phát từ trong thực tiễn. Không có thực tiễn thì dùng chính sách để làm gì? Ngay cả bây giờ cảnh sát giao thông cũng không thể phạt người dân được. Chẳng lẽ đi đâu người dân cũng phải mang theo hộ khẩu?

PV: Với trách nhiệm, quyền hạn của mình thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có ý kiến gì về Nghị định này không, thưa ông?

Ông Ngô Văn Minh: Sai thì phải sửa. Còn nếu nói là phù hợp thì phải có hướng dẫn thật cụ thể để cho điều luật đi vào trong cuộc sống.

PV: Theo ông, làm thế nào để đảm bảo tính thực tiễn cao, vừa đảm bảo được việc quản lý phương tiện lại tránh thất thu thuế?

Ông Ngô Văn Minh: Đó là việc của cơ quan chức năng quản lý Nhà nước. Phải đưa ra quy định để làm sao quản lý cho tốt, đi vào thực tiễn cuộc sống chứ đưa ra một quy định, chính sách mà nhân dân phản ứng thì đưa ra làm gì? Mà phải xem xét lại trách nhiệm của các “ông” đưa ra các quy định không đúng ấy. Ví dụ, trong Luật phòng chống tham nhũng đó là quyết định sai, ban hành quyết định sai, chủ trương chính sách sai là phải coi là một hành vi của tham nhũng. Trước phản ứng của dư luận, của nhân dân thì cơ quan ban hành chính sách, quy định đó phải điều chỉnh.

PV: Nhiều ý kiến cử tri cho rằng những chính sách ban hành gần đây đang làm khó cho dân, từ việc tăng nặng thuế, phí. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Ông Ngô Văn Minh: Ý tưởng thì rất là tốt, nhưng ở “trên trời” mà định vị. Không có thực tiễn. Do vậy làm chính sách thì phải xuất phát từ tình hình thực tiễn. Ví dụ ông học vị cao, giáo sư, tiến sĩ, nhưng cứ ngồi ở trên ban hành chính sách mà không đi có thực tiễn thì rõ ràng chính sách không đi vào cuộc sống, gây phản ứng từ phía nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên