Tranh chấp quốc tế, đặc biệt là tranh chấp biên giới - lãnh thổ, luôn là mầm mống gây ra các cuộc xung đột, thậm chí là xung đột vũ trang giữa các quốc gia. Vì vậy, việc tích cực và chủ động giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình luôn được Việt Nam và các quốc gia láng giềng coi là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Lãnh thổ là một trong những yếu tố cấu thành nên quốc gia, vì vậy mà đây cũng chính là lợi ích cốt lõi của dân tộc. Giải quyết các tranh chấp lãnh thổ phải dựa trên cơ sở lịch sử, pháp lý và cân nhắc một cách hợp lý đến lợi ích chính đáng của cư dân.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cả nước là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tập trung giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ tạo điều kiện cho đổi mới, hội nhập quốc tế. Để giải quyết các nhiệm vụ trên, sự vận dụng và áp dụng sáng tạo luật quốc tế vào điều kiện Việt Nam là một trong những yếu tố góp phần thành công.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển là một nguyên tắc của Luật quốc tế và cũng là cơ sở để hợp tác, phát triển, xây dựng kinh tế bền vững. Thành quả lớn nhất của Luật Biên giới Quốc gia 2003 và Luật biển 2012 trong những năm qua là đã định hình và khuyến khích việc giải quyết gần như hoàn toàn biên giới đất liền với hơn 4.500 km.

Việt Nam đã đàm phán hoạch định và hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền với Trung Quốc (1991-2009), với Lào (1977-2007) và 84 % biên giới đất liền với Campuchia, góp phần định hình rõ cương vực đất nước sau 4000 năm lịch sử. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: “Đây cũng có thể được coi là một võ công trong lịch sử dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh, vì chưa bao giờ nước ta có một đường biên giới quốc tế trên đất liền hoàn chỉnh, được đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại, được ghi nhận trong các điều ước quốc tế, được đăng ký tại Liên Hợp Quốc, làm cơ sở cho đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ và hợp tác với các nước như hiện nay”.

Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về luật biển 1977-1982 và là một trong những nước ký Văn bản Công ước luật biển năm 1982 ngay vào ngày mở ký, tạo điều kiện mở rộng các vùng biển Việt Nam theo luật pháp quốc tế và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tuyên bố Chính phủ về các vùng biển Việt Nam ngày 12/5/1977 và tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam lần đầu tiên khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán quốc gia trên vùng biển rộng hơn nhiều lần đất liền và tham gia quản lý Đại dương quốc tế. Đây được coi là võ công “tiến ra biển” lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định: “Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam luôn tuân thủ luật quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và hợp tác quốc tế. Việt Nam không chỉ áp dụng luật quốc tế mà còn áp dụng một cách sáng tạo”.

Việt Nam đã ký 4 thỏa thuận quốc tế về phân định biển. Thỏa thuận phân định biển với Thái Lan trong Vịnh Thái Lan năm 1997 là thỏa thuận phân định biển đầu tiên trong khu vực sau khi UNCLOS có hiệu lực. Trong thoả thuận này, hai bên đã áp dụng phương pháp hai giai đoạn: 1 - vạch đường trung tuyến ban đầu; 2 - tính tới hiệu lực các đảo và điều chỉnh đường phân định ban đầu để đạt được kết quả cuối cùng. Hai bên cũng đồng ý áp dụng một đường phân định cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thỏa thuận đã góp phần ổn định tình hình trên Vịnh Thái Lan vốn được nhiều người chú ý về cướp biển, tranh chấp đánh bắt cá.

Tới năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định. Việt Nam đã đấu tranh để triển khai phương pháp ba giai đoạn: 1 - hai bên vẽ đường phân định chủ trương; 2 - hai bên thảo luận về các hoàn cảnh đặc biệt để điều chỉnh; 3 - kiểm tra kết quả công bằng dựa trên tỷ lệ chiều dài bờ biển và tỷ lệ diện tích đạt được (Tỷ lệ diện tích Việt Nam/Trung Quốc là 53,27/46,73 và tỷ lệ chiều dài bờ biển 730/695 km cho thấy là tương đương).

Đáng chú ý phương pháp phân định ba giai đoạn để đạt được một giải pháp công bằng đã được áp dụng thành công tại Vịnh Bắc Bộ 9 năm trước khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) chính thức khuyến cáo các quốc gia sử dụng trong vụ phân định biển giữa Romania và Ukraine năm 2009.

Nguyên tắc công bằng trong UNCLOS cũng được áp dụng sáng tạo trong cả đường phân định đơn nhất hay tách biệt cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. UNCLOS không đòi hỏi áp dụng phân định đơn nhất cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như một quy tắc bắt buộc. Các phán quyết của trọng tài quốc tế và tòa án công lý quốc tế như vụ Vịnh Maine, Vụ đảo Jan Mayen… cũng có các kết luận đa dạng về áp dụng đường ranh giới đơn nhất hay tách biệt, phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể và thỏa thuận các quốc gia.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003 và đặc quyền kinh tế với Indonesia năm 2022. Việc hoàn thành phân định biển với Indonesia sau 49 năm đàm phán đã góp phần củng cố tình đoàn kết giữa hai nước trong ASEAN và hợp tác đấu tranh chống nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).

Việt Nam cũng là nước áp dụng nhiều hình thức dàn xếp tạm thời trong khi chờ đợi kết quả phân định cuối cùng, quy định trong điều 74 và 84 như Vùng nước lịch sử chung Việt Nam – Campuchia năm 1982 hay khu vực xác định khai thác chung Việt Nam – Malaysia năm 1995. Việt Nam là đồng tác giả với Philippines trong soạn thảo Dự thảo COC của ASEAN và đã tích cực đấu tranh thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hồi năm 2002 và hiện đang phấn đấu cùng các bên liên quan đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với yêu cầu cần có cơ chế cưỡng chế và ràng buộc pháp lý để nâng cao tính hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Thị Hường khẳng định, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả pháp luật quốc tế trong việc giải quyết biên giới lãnh thổ. Việt Nam thực hiện đầy đủ và thiện chí các điều ước quốc tế đã ký kết và tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề biên giới lãnh thổ, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ hợp tác và phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này đã được lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam khẳng định tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, song phương và đa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn - Nguyên Chủ tịch, Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Nguyên Vụ trưởng Vụ Luật và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại Giao: “Trong giải quyết các tranh chấp biên giới, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chỉ có những giải pháp bình đẳng, hợp tình hợp lý cho các tranh chấp, qua đó xác định một đường biên giới ổn định, thì mới tạo ra cơ sở vững chắc một nền hòa bình lâu dài, cho sự hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia láng giềng”.

Chính vì vậy trong đàm phán biên giới – lãnh thổ không được nóng vội, không đặt ra vấn đề về tốc độ. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều tranh chấp lãnh thổ, ví dụ như tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản liên quan đến quần đảo trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Kuril và Nhật coi là Lãnh thổ Phương Bắc kéo dài từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai (1945) đến nay mà vẫn chưa thể giải quyết được. Đồng thời, trong đàm phán cũng phải biết nắm bắt thời cơ thuận lợi chín muồi để thúc đẩy việc việc tìm kiếm một giải pháp hợp tình hợp lý và công bằng cho các tranh chấp biên giới lãnh thổ.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng: “Lãnh thổ liên quan đến lợi ích cốt lõi của tất cả các quốc gia, vì vậy nên đàm phán về biên giới hết sức khó khăn, cần phải có bản lĩnh và kiên trì”.

Sự khéo léo trong đàm phán là làm sao để vừa bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời không để cho các tranh chấp về biên giới, các xung đột về lãnh thổ phát triển căng thẳng hơn, thậm chí có thể trở thành xung đột vũ trang. Phải tìm ra các giải pháp quá độ hoặc tạm thời làm giảm căng thẳng nhằm từng bước tiến tới một giải pháp căn cơ.

Về vấn đề này, Giáo sư Pierre Klein - Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do Bruxelles cho rằng: “Việt Nam đang giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ một cách rất nghiêm túc. Theo đó, Việt Nam đã chủ động phân định biên giới của mình với các nước láng giềng. Các bạn đã rất tích cực và đạt hiệu quả trong lĩnh vực này. Chắc chắn rằng, việc xác định ranh giới rõ ràng và duy trì sự ổn định của đường ranh giới là yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước. Bởi vì, ranh giới chính xác và ổn định sẽ góp phần đảm bảo an toàn, an ninh. Do vậy, tất cả các hành động, chính sách góp phần bảo vệ, đảm bảo an ninh biên giới đều được hoan nghênh, ủng hộ. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước láng giềng”.

Giáo sư Pierre Klein (giữa) - Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Tự do Bruxelles (Bỉ)

Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, Tiến sĩ Constantinos Yiallourides - Đại học Macquarie, Sydney nói: “Việt Nam luôn hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế. Việt Nam đã đi một chặng đường dài để đạt được các thỏa thuận với các quốc gia láng giềng theo các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Do đó, Việt Nam là một ví dụ điển hình về một quốc gia đã thực hiện mọi nỗ lực trong khả năng của mình để duy trì quan hệ hòa bình với các nước láng giềng và đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công”.

Thành công đó không phải ngẫu nhiên mà có, Đảng ta đã xác định rõ, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân, nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm, công tác phối hợp của các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong quản lý biên giới được triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học trên tất cả lĩnh vực liên quan.

Tác giả: Hùng Cường, Lê Hoàng, Kiều Anh

Ảnh: Ủy ban Biên giới Quốc gia

Thứ Tư, 06:12, 08/11/2023