Heo nuôi theo quy trình an toàn vẫn nhiễm chất cấm!
VOV.VN -Cơ quan chức năng, người dân không nên tin tưởng heo được chứng nhận VietGAP đồng nghĩa với không nhiễm chất cấm trong chăn nuôi.
Trước thông tin TP HCM phải tiêu hủy 80 con heo có chứng nhận VietGAP bị nhiễm chất cấm Salbutamol cao gấp 5 lần cho phép, khiến dư luận hết sức lo ngại. Người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về chất lượng thịt heo được nuôi theo công nghệ an toàn.
Có nên tin chứng nhận VietGAP?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, VietGAP không do cơ quan nhà nước đứng ra chứng nhận. Theo quy định của pháp luật là bên thứ 3, tức là xã hội hóa các tổ chức chứng nhận độc lập.
Lô heo nhiễm chất cấm được cách ly trước khi đưa đi tiêu hủy (Ảnh: CTV Trung Anh/VOV.VN) |
Việc cơ sở chăn nuôi có chứng nhận VietGAP nhưng heo xuất chuồng vẫn nhiễm chất cấm, trước hết cần phải xem xét lại cơ sở chăn nuôi; sau đó là toàn bộ quá trình chăn nuôi cho đến khâu vận chuyển, thu mua, giết mổ.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Có thể cơ sở chăn nuôi áp dụng đúng VietGAP, nhưng cơ sở thu gom về lại nuôi một thời gian. Chính thời gian này heo được vỗ béo bằng chất cấm Salbutamol. Chúng ta phải xem xét rất cặn kẽ ở quy trình này để xem vi phạm từ khâu nào”.
Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tám thừa nhận, việc phát hiện heo nhiễm chất cấm sau khi xuất chuồng chứng tỏ việc hậu kiểm rất tốt. Cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên tin tưởng ngay vào việc cơ sở đã được chứng nhận VietGAP đồng nghĩa với thực phẩm an toàn, mà phải có kiểm chứng ở nhiều khâu.
Có kẽ hở trong chứng nhận VietGAP
Lý giải về nguyên nhân thịt heo nhiễm chất cấm dù có chứng nhận VietGAP, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục Trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng lạm dụng Salbutamol trong chăn nuôi đã được Bộ NN&PTNT quyết liệt ngăn chặn. Nghị định 119 về xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi thú y, cũng như Thông tư 57 về sử dụng chất cấm của Cục Chăn nuôi quy định, nếu phát hiện heo được nuôi bằng Salbutamol có thể giữ lại 14 ngày để kiểm tra. Khi heo không còn tồn dư Salbutamol nữa thì sẽ được giết mổ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đơn vị đề xuất nếu giữ lại số heo thì sẽ gây khó khăn cho cơ sở giết mổ, cũng như tính răn đe không nghiêm. Do đó Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo sửa đổi Nghị định 119 cũng như Thông tư 57, quy định nếu như phát hiện heo nhiễm chất cấm tại lò mổ thì phải được tiêu hủy.
“Liên quan đến 80 con heo nuôi theo quy trình VietGAP vẫn nhiễm Salbutamol và TP HCM tiêu hủy hồi cuối tháng 4, đối với trách nhiệm của Cục Thú y, chúng tôi kiểm soát bắt đầu từ khi heo được xuất ra khỏi chuồng đến lò mổ. Theo quy định thì chúng ta phát hiện ra chất cấm thì con heo đó sẽ bị tiêu hủy” – bà Thu Thủy nói.
Nói về quy trình cấp chứng nhận VietGAP, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục Trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ở nước ta lúc cao điểm có đến 150 trang trại chăn nuôi VietGAP. Những trang trại này, Cục Chăn nuôi chỉ định cho trên 10 đơn vị chứng nhận. Bên cạnh đó, các nông hộ cũng được xem xét cấp VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi an toàn thực phẩm đã xây dựng thí điểm trên 12 tỉnh, chứng nhận cho 9.037 hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP nông hộ. Theo đó, vừa rồi xảy ra việc một hộ chăn nuôi VietGAP có heo nhiễm Salbutamol là ở nhóm này. VietGAP nông hộ là do địa phương chứng nhận. Do đó, có thể do việc kiểm tra chưa được chặt chẽ cho nên đã xảy ra hiện tượng như vừa qua. Đối với ngành chăn nuôi trang trại, cho đến giờ phút này chưa để xảy ra hiện tượng chăn nuôi không an toàn”./.
Ngày 27/4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp Chi cục Thú y TP HCM tiêu hủy 80 con heo, có chứng nhận VietGap, nhiễm chất cấm Salbutamol. 80 con heo trị giá 400 triệu đồng do thương lái Nguyễn Văn Toàn nhập từ Đồng Nai về giết mổ tại công ty thực phẩm lớn tại TP HCM. Chi cục Thú y thành phố sau khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh đã phát hiện heo có chất tạo nạc Salbutamol.
Ngoài việc tiêu hủy lô heo, Thanh tra Bộ Nông nghiệp phạt ông Toàn 25 triệu đồng, buộc trả phí tiêu hủy lên đến 100 triệu đồng do hành vi vi phạm của mình.