Cô giáo quỳ gối, học sinh bóp cổ cô giáo: Còn đâu môi trường sư phạm?

VOV.VN -Những vụ việc như cô giáo bị phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi, học sinh bóp cổ cô giáo… khiến dư luận vô cùng lo lắng về môi trường giáo dục.

Là một phụ huynh có con đang đi học, những ngày qua, theo dõi các thông tin về ngành giáo dục, tôi thực sự hoang mang, lo lắng. Không biết rồi đây tương lai của các thế hệ trẻ hôm nay sẽ ra sao khi môi trường sư phạm của chúng ta hiện nay có quá nhiều vấn đề.

Học sinh trường THCS Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) bóp cổ cô giáo trong giờ học.

Nhiều người đứng bục giảng đang tỏ ra bất lực trước đám học trò tinh nghịch, hiếu động, thậm chí có em cá biệt, hỗn láo. Giáo viên có áp lực không? Áp lực lắm chứ. Nếu nhìn vào các chỉ tiêu, thành tích mà trường đặt ra với mỗi giáo viên mới thấy công việc của họ không hề nhẹ nhàng, dễ thở. Họ phải làm quá nhiều công việc ngoài công tác giảng dạy (như thi giáo viên giỏi, thi sáng kiến; chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học liên tục thay đổi…). Thêm vào đó, sự can thiệp quá sâu của phụ huynh vào công việc “bếp núc” của ngành sư phạm khiến họ lúc nào cũng phải căng mình để đối phó, thậm chí có những phương pháp giáo dục rất tiêu cực.

Có lần, một cháu bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, đầu to óc quả nho là gì ạ? Đầu voi óc chim sẻ là gì ạ?”. Mẹ bé giật mình hỏi: Ai nói với con như thế?”, con hồn nhiên trả lời: Cô giáo con nói bạn A… như thế ạ! Ở đây không phải là câu chuyện đòn roi hay hình phạt, mà là những lời nói của cô giáo với học sinh. Các em sao hiểu những câu nói ấy của cô giáo ám chỉ gì, mà chỉ có cha mẹ các em khi nghe con nói lại thấy giận tím sôi mặt mày. Rất may, họ có hành xử văn minh, khéo léo, khác với phụ huynh ở trường Tiểu học Bình Chánh.

Hai tháng qua dư luận ồn ào về câu chuyện phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Sau một đợt rà soát, đã có mấy chục hồ sơ phải để lại, phải xem xét. Đây là vấn đề thực sự khiến xã hội lo lắng. Bởi chính những người đào tạo ra người thầy còn chưa trung thực, giữa danh và thực còn nhiều khập khiễng thì sao có được thế hệ kế nghiệp thực sự vừa hồng – vừa chuyên.

Câu chuyện giáo dục luôn nóng, lúc nào cũng nóng, đặc biệt lúc này vô cùng nóng. Nó nóng ở tất cả các cấp học, bậc học. Nếu từ bậc mầm non, tiểu học và trên nữa không đào tạo, định hướng để có được những học sinh, sinh viên có năng lực, phẩm chất cho xã hội nói chung và ngành sư phạm nói riêng thì tương lai nguồn nhân lực sẽ đi về đâu chắc không ai dám tưởng tượng nữa.

Giáo dục đã thực sự thành công chưa khi giờ đây mỗi một việc tốt đều trở thành hiện tượng “lạ” trong xã hội? Còn nhớ, chỉ cách nay 20 năm, thời thế hệ sinh những năm 70, 80 của thế kỷ trước đi học, chuyện nhặt được của rơi trả lại người mất là việc rất đỗi bình thường, cho dù cuộc sống còn khó khăn hơn bây giờ gấp bội phần; Chuyện những em nhỏ giúp đỡ người già, người cao tuổi không phải là hiếm gặp; Gặp đám tang, nhiều người dừng xe ngả mũ cúi đầu là có thật nhưng giờ thì kể cả xe cấp cứu người ta cũng chẳng nhường đường; Rồi chuyện cảnh sát giao thông giúp người qua đường cũng là chuyện rất thường tình, dễ gặp, còn bây giờ nếu một ai đó giúp đỡ người đi đường, được đăng lên mặt báo thì nhiều người sẵn sàng vào “ném đá” nói rằng đó là dàn dựng, làm hàng…

Giáo dục là nền tảng, gốc rễ của xã hội. Thế nhưng cái nền tàng ấy đang bị lung lay, đe dọa nghiêm trọng, khi mà những chuẩn mực sư phạm không còn được nâng niu, giữ gìn, thậm chí còn bị trà đạp, xâm hại một cách nghiêm trọng. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ.

Cô giáo bị phụ huynh ép phải quỳ vì đã từng xử phạt như vậy với con họ; học sinh bị cô giáo nhắc nhở vì làm việc riêng trong giờ thì ngay lập tức xông lên bóp cổ cô giáo; học sinh lao dao vào đầu bạn khiến bạn phải nhập viện… Vì đâu mà nên nỗi? Thực tế này đang khiến những người làm cha, làm mẹ có con đi học vô cùng lo lắng về môi trường sư phạm.

Các cụ ta có câu “Bề trên mà chẳng chính ngôi, để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào”, thiết nghĩ câu nói này luôn đúng trong môi trường sư phạm và ở mọi lúc, mọi nơi. Bề trên – trước hết là những người làm nghề dạy học, là những bậc phụ huynh cần phải có cách cư xử, xử lý mọi tình huống, vấn đề phải chuẩn mực, đúng pháp luật, đúng truyền thống đạo đức của dân tộc, có trách nhiệm. Người lớn hãy làm gương cho con trẻ thì mới mong gia phong, xã hội có một nề nếp tốt. Và hơn bao giờ hết, những người làm giáo dục hãy nghiêm túc để lấy lại truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tạm đình chỉ học tập học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre
Tạm đình chỉ học tập học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre

VOV.VN - Học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre đã tạm thời cho ngưng việc học. Cô giáo vẫn đến trường giảng dạy bình thường.

Tạm đình chỉ học tập học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre

Tạm đình chỉ học tập học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre

VOV.VN - Học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre đã tạm thời cho ngưng việc học. Cô giáo vẫn đến trường giảng dạy bình thường.