Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Đại hội đồng LHQ

Sáng nay (26/9, theo giờ Hà Nội), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết đã phát biểu tại Phiên thảo luận chung khoá họp thứ 64 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Phiên thảo luận chung cấp cao lần này có chủ đề “Ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu: tăng cường chủ nghĩa đa phương và đối thoại giữa các nền văn minh vì hoà bình, an ninh quốc tế và phát triển.”

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu ra các thách thức mà toàn thế giới phải trải qua trong năm qua. Khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu làm gay gắt thêm những thách thức về an ninh lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu, nhất là đối với các nước đang phát triển. Trong khi đó, căng thẳng và xung đột vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực. Thực tế cho thấy không một quốc gia nào có thể một mình ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính cùng hàng loạt các thách thức toàn cầu hiện nay. Và cũng rõ ràng là những chính sách, biện pháp áp đặt, đơn phương sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế chỉ gây căng thẳng, đối đầu và đưa đến bế tắc. 

Trên quan điểm đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc trong quan hệ quốc tế là yếu tố quyết định đảm bảo hoà bình, an ninh, là những điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc cần tiếp tục tích cực góp phần làm giảm căng thẳng và giải quyết hoà bình các bất đồng, xung đột còn tồn tại.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Việt Nam mong sớm có tiến bộ trong các cuộc thương lượng về một giải pháp hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Trung Đông trên cơ sở đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine và đảm bảo lợi ích chính đáng của tất cả các bên. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ công cuộc hoà giải dân tộc, tái thiết đất nước ở Afganistan, Iraq và cực lực lên án các hành động khủng bố đối với người dân ở hai nước này cũng như ở những nơi khác trên thế giới. Chúng tôi cũng phản đối việc sử dụng đơn phương các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại các nước đang phát triển và ủng hộ các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sự cần thiết chấm dứt ngay lập tức việc cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba”.

Đề cập việc ứng phó đối với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, về lâu dài cần cân nhắc về mô hình phát triển phù hợp cho mỗi quốc gia và cải tổ quan hệ kinh tế quốc tế từ lâu đã bộc lộ nhiều mặt bất hợp lý; Cần tiếp tục phát huy vai trò Liên hợp quốc để xây dựng các chiến lược và cơ chế quốc tế xử lý khủng hoảng năng lượng, lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Để hoàn thành xứ mệnh này, bản thân Liên hợp quốc cũng cần tiếp tục quá trình cải tổ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Việt Nam chia sẻ quan điểm chung là cải tổ cần được tiến hành đối với tất cả các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó Hội đồng Bảo an cần được tăng tính đại diện rộng rãi và dân chủ, minh bạch hơn trong phương thức hoạt động. Cải tổ về cơ chế cần đi đôi với đổi mới nội dung và chú trọng cân bằng giữa các lĩnh vực hoạt động của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc cũng cần có được đầy đủ nguồn lực cho hoạt động của mình”.

Sau khi khát quát những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, góp phần vào các nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy các chương trình phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội, thách thức toàn cầu cũng như triển khai tốt sáng kiến “Một Liên Hợp Quốc”.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: “Từ kinh nghiệm của đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh với những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các tác hại lâu dài của chất độc màu da cam, và nay thu được thành tựu quan trọng trong phát triển, Việt Nam luôn nỗ lực để HĐBA hoạt động hiệu quả trong việc hỗ trợ tái thiết cho những nước vừa trải qua xung đột. Trong hoạt động của mình, Việt Nam hết sức coi trọng tham vấn, hợp tác với các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các thành viên Liên hợp quốc khác, trong đó có việc đưa ra sáng kiến tham khảo ý kiến các nước về Báo cáo năm của Hội đồng Bảo an.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, Đại hội đồng năm nay diễn ra vào thời điểm đặc biệt, thế giới đã chứng kiến nhiều đổi thay quan trọng trong năm 2009 và đòi hỏi phải có những quyết sách tương xứng. Chỉ có sát cánh bên nhau, tăng cường hợp tác đa phương, thì mới đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân các nước, định ra phương hướng phát triển lâu dài của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, sáng ngày 25/9 (theo giờ địa phương), tức tối qua (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Institutional Investor phối hợp tổ chức. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.

Trước hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo những kết quả nổi bật mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế, ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính toàn cầu. Năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến khoảng 5% và năm tới có thể khả quan hơn. Thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế có sự đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đặc biệt, năm 2009, Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD.

Trên nền tảng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang hướng tới hợp tác và cùng phát triển, những khó khăn vướng mắc đang từng bước được tháo gỡ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến với Việt Nam, đất nước có nhiều tiềm năng và môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước có nền kinh tế thị trường với dân số trên 80 triệu người, dồi dào lực lượng lao động trẻ có tri thức, tài năng và nhiệt huyết hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Điểm mạnh thứ hai của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng GDP cao, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang quyết tâm vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ phát triển ở mức khá.

Một yếu tố nữa được xem là điểm mạnh tuyệt đối của Việt Nam đó là sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việt Nam cũng đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đang có những bước chuyển đổi cơ chế, chính sách theo đúng lộ trình đã cam kết.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:Một điểm mạnh tuyệt đối của Việt Nam đó là sự ổn định về chính trị...

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Việt Nam cam kết thực hiện những cam kết với WTO theo đúng lộ trình, Cơ chế luật pháp, hành chính phù hợp với quốc tế. Đây là những điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư, bình đẳng trước pháp luật. Mọi nhà doanh nghiệp đều được đảm bảo quyền lợi. Bên cạnh đó người dân Việt Nam hòa hiếu, nhân hậu, mến khách, luôn mong muốn hợp tác với bè bạn, anh em theo đường lối của Đảng, Nhà nước và cũng là truyền thống của người dân Việt Nam”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tin tưởng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân hai nước có thêm cơ hội hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam làm ăn có hiệu quả, hai bên cùng có lợi.

Tại Diễn đàn, ông Gary Mueller, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Institutional Investor nhận xét Việt Nam đã giảm thiểu được tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Dựa trên những số liệu tích cực như sản xuất công nghiệp đang phục hồi nhanh, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang quay trở lại, du lịch tăng trưởng vững, tín dụng ngân hàng phát triển… Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 lên mức 4,7%. Dựa trên những số liệu này, Việt Nam đã và đang là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên