Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Hải Phòng
VOV.VN -Ngày 27/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã tới kiểm tra dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Đây là một trong dự án trọng điểm nằm trong cụm cảng Hải phòng và miền Bắc nhằm tạo nên cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu lớn vào trung chuyển hàng đi khắp các khu vực trên thế giới.
Chủ tịch nước cũng đã tới thăm công ty Nhà máy Z 189 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chuyên đóng mới, sửa chữa các phương tiện hàng hải và dự Lễ khai trương Tổ hợp công nghệ LG Hải Phòng.
Tại Hải Phòng, Chủ tịch nước và đoàn công tác đã đến kiểm tra Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nằm trên đảo Cát Hải, với quy mô đáp ứng khoảng 12,8 - 13,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Dự án này khi hoàn thành sẽ tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải lên đến 100.000 tấn, đồng thời tạo thành nơi trung chuyển quan trọng đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Báo cáo về tiến độ dự án với Chủ tịch nước, lãnh đạo Bộ GT-VT cho biết, dự án được chia làm hai hợp phần. Hợp phần A do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư là 18.624 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 76,8 tỷ yên và vốn đối ứng là 2.326 tỷ đồng.
Đến nay gần 2/3 Gói thầu số 6 bao gồm xây dựng đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ bờ, tôn tạo bãi, xử lý nền đất yếu và hạ tầng điện nước đang được thi công khẩn trương và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Gói thầu số 6 là mắt xích rất quan trọng quyết định tiến độ của toàn bộ Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng. Hợp phần B của toàn bộ Dự án sẽ do Liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và đối tác Nhật Bản đầu tư, bao gồm 2 bến container có trọng tải đến 100.000 tấn, các công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật. Dự án sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào đầu năm 2018.
Lắng nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tiến độ, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là dự án hạ tầng hết sức quan trọng và có ý nghĩa nhiều mặt đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và kinh tế đất nước, do vậy các đơn vị thi công dự án phải đặc biệt chú ý tiến độ, chất lượng của công trình, tránh để tình trạng đội vốn của dự án; với các gói thầu theo phương thức hợp tác công tư (PPP) cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.
Chủ tịch lưu ý, việc xây dựng phải đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường, nghiên cứu xây dựng cụm cảng thương mại kết hợp du lịch phù hợp sự phát triển của khu vực cũng như xu thế phát triển hiện nay.
Thăm và dự Lễ khai trương tổ hợp công nghệ LG – Hải Phòng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Chủ tịch nước chúc mừng thành công của dự án và sự hợp tác hiệu quả giữa 2 nước Việt Nam-Hàn Quốc. Đặc biệt, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư số một về quy mô với vốn đầu tư 7,33 tỷ USD và hơn 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó Tổ hợp LG Hải Phòng là tổ hợp nhà máy có quy mô lớn nhất trong khu vực của LG với diện tích 800.000 m2, tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như TV, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của LG trên toàn cầu.
Ông Ko Tae Yeon, Giám đốc chiến lược và đầu tư LG Việt Nam khẳng định LG sẽ sử dụng công nghệ hiện đai nhất, nỗ lực hết mình vì thành công của sự hợp tác đầu tư này.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao việc thực hiện cam kết của Tập đoàn LG đã sớm đưa Tổ hợp đi vào hoạt động với cơ sở vật chất hiện đại được xây dựng dựa trên gói đầu tư 1,5 tỷ USD, cùng đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, đồng thời đóng góp vào quá trình đổi mới cơ cấu phát triển và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung.
Trước đó, Chủ tịch nước đã tới thăm Công ty 189 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Một trong đơn vị có nhiệm vụ sửa chữa và đóng mới phương tiện hàng hải.
Từ công ty chủ yếu là sửa chữa tàu phục vụ quốc phòng, đến nay công ty đã có chuyển biến mạnh mẽ chuyển dần từ sửa chữa sang đóng mới, kết hợp nhiệm vụ quốc phòng với đa dạng hóa sản phẩm sản xuất thương mại. Nổi bật, công ty đã từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại, phối hợp với công ty đóng tàu hàng đầu Damen của Hà Lan đóng mới nhiều sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao cho nhiều nước như tàu cứu hộ tầu ngầm cho Austraylia, xuất 30 tàu và các loại trang bị cho các ngành khai thác biển của Hải quan, Hải quân các nước Châu Âu, Châu Úc, Châu Phi…
Đánh giá cao chuyển biến tích cực của công ty trong bối cảnh hội nhập vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển nền công nghiệp quốc phòng, vừa góp phần phát triển kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng việc phát huy tối đa công suất thiết bị hiện có gắn với áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật của công ty thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Sự kết hợp sửa chữa, đóng mới phương tiện quân sự vừa kết hợp với thương mại là hướng đi đúng cần tiếp tục đẩy mạnh, nhất là liên doanh với doanh nghiệp các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến để học học, tiếp cận chuyển giao công nghệ đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng trong giai đoạn mới cũng như sự phát triển chung của kinh tế đất nước./.