Dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ Việt-Nhật

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Taro Aso đã nhất trí phát triển quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.

<< Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm tỉnh Fukuoka (Nhật Bản)
<< Hoạt động của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Nhật Bản
<< Báo chí Nhật Bản ca ngợi chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
<< Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á
<< Hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản
<<  Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hội kiến Nhà vua Nhật Bản 
<< Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản

 << Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản

 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso.

Tháng 4 được người Nhật Bản coi là đẹp nhất trong năm khi Xuân chuyển sang Hè. Hoa anh đào nở dọc chiều dài đất nước Mặt trời mọc, lần lượt từ Nam lên Bắc, được người Nhật yêu thích vì phản ánh tính cách quyết liệt của dân tộc này. Dọc trên những con đường xung quanh Phủ Thủ tướng và nơi đoàn Việt Nam ở, những lá quốc kỳ Việt Nam, Nhật Bản tung bay cạnh những đoá anh đào, chào đón vị khách quý: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh sang thăm. Sau những nghi thức trọng thể, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hội kiến với Nhà vua Nhật Bản Akihito, Chủ tịch Hạ viện Yohei Kono và Chủ tịch Thượng viện Satsuki Eda; hội đàm với Thủ tướng Taro Aso.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đều đánh giá cao chuyến thăm của nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam tới Nhật Bản khi quan hệ hai nước đang hết sức tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Nói như Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Kono thì Việt Nam là đối tác quan trọng và hết sức tin cậy của nước này ở châu Á. Việc hai nước định vị mối quan hệ trong giai đoạn tiếp theo là đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á là một bước phát triển mới cho thấy cả hai nước đều coi trọng nhau. Như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định “...Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng và quyết tâm tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị ... ”

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản

Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược là hoàn toàn phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển của mỗi nước nhưng theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình thì quan hệ này còn có một vế nữa là vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á, tức là còn vì lợi ích chung của cả khu vực. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, Nhật Bản càng nhận thấy phải liên hệ chặt chẽ hơn nữa với châu Á và chỉ có đóng góp thúc đẩy phát triển của châu Á, thì Nhật Bản mới có thể thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay cũng như duy trì sự phát triển trong tương lai.

Chính vì vậy, Nhật Bản chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Tiểu vùng sông Mekong, trong đó Việt Nam là nước quan trọng nhất nhằm tạo ra những lợi thế. Đơn cử như việc đầu tư phát triển giao thông với hành lang kinh tế Đông- Tây ở khu vực này sẽ giúp hàng hoá Nhật Bản chuyển sang Ấn Độ Dương giảm từ 14 ngày xuống 8 ngày. Thủ tướng Aso cho biết Nhật Bản đang có kế hoạch trị giá 20 tỷ USD giúp châu Á khôi phục khủng hoảng kinh tế và tăng thêm 2 tỷ USD vốn ODA cho khu vực này.

Với thế mạnh về vốn, công nghệ trình độ quản lý, Chính phủ và các tập đoàn lớn của Nhật Bản khi gặp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đều khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nhiều dự án lớn của Việt Nam nơi kinh tế vẫn tăng trưởng, chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thị trường hàng chục triệu dân với thu nhập ngày càng tăng. Điều này thực sự có ý nghĩa trong điều kiện kinh tế thế giới đang khủng hoảng, nguồn đầu tư giảm mạnh. Cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược và Hiệp định Đối tác Kinh tế sẽ được Quốc hội Nhật Bản thông qua, chắc chắn quan hệ kinh tế Việt Nam- Nhật Bản càng có nhiều “đất” để phát triển.  Ông Kubota, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản đánh giá: Việt Nam- một thị trường đầu tư hấp dẫn và ổn định đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Cùng với hợp tác kinh tế, các nhà lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản cùng lãnh đạo các chính đảng quan trọng ở  nước này đều ủng hộ việc duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam. Điều đó thể hiện niềm tin của phía bạn với việc thực hiện có kết quả nguồn vốn này phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Việc thực hiện ODA sẽ dựa trên cơ sở hiệu quả, minh bạch và vững chắc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trong chương trình hoạt động dày đặc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đều chuyển tới Hoàng gia, Chính phủ, các giới và nhân dân Nhật Bản mong muốn của Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh trong sự hiểu biết, tin cậy. Chúng tôi xin dùng lời của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso để kết thúc bài viết này “Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ giữa hai nước và quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á giữa hai nước chúng ta sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên