Hành vi gây ô nhiễm tài nguyên nước chưa bị xử lý nghiêm

Nên trưng cầu ý kiến, sự giám sát của người dân đối với các tổ chức, doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước.  

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 chương, 85 điều.

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân; đồng thời cho rằng, cần phải có những giải pháp kiên quyết bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Đại biểu Trần Văn Huynh (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến: Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nên tập trung bảo vệ hồ chứa nước điều tiết lũ. Các công trình xây dựng không được cản trở dòng chảy của nước. Nhà máy xả nước gây lũ phải bị xử phạt nghiêm. Có như vậy, mới sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL nguồn nước bị nhiễm bẩn rất nặng do người dân nuôi trồng thuỷ sản, đổ chất thải, rác thải ra các con sông. Đây là nguyên nhân gây nên nhiều căn bệnh và gây ra những nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng đối với tài nguyên nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp), Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) kiến nghị, các địa phương cần phải tăng cường các biện pháp kiểm soát việc nuôi trồng thuỷ hải sản ở các con sông và nên có hệ thống nước đã qua xử lý dành riêng cho sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ hải sản nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên nước bị ô nhiễm.

Nước sông Nhuệ (Hà Nội) bị ô nhiễm do xả rác thải xuống sông

Hành vi gây ô nhiễm môi trường như khai thác vàng, cát, sỏi ở các dòng sông, khu vực gần sông đang ngày có chiều hướng gia tăng nhưng các biện pháp xử lý còn chưa nghiêm, dẫn đến hiện tượng “dẹp” được một thời gian thì khoảng vài ba tháng sau lại xuất hiện những bãi khai thác mới. Để khắc phục những bất cập trên, cơ quan quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước và UBND cấp tỉnh phải phối hợp kiểm tra sát sao, đình chỉ nghiêm khắc những bãi khai thác vàng, cát, sỏi tại địa phương - đây là quan điểm của Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắk Nông).

Dự án Luật nên nhấn mạnh đến việc phân cấp, quản lý tài nguyên nước cho các địa phương. Đại biểu Đỗ Hữu Lâm (đoàn Long An) nhấn mạnh như vậy và cho rằng, nếu không có sự phân cấp thì sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan, ban, ngành đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc quản lý và xử phạt những hành vi vi phạm tài nguyên nước. 

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) cho rằng: “Cần quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước để thanh tra, kiểm soát các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tài nguyên nước”.

Các địa phương nên trưng cầu ý kiến, sự giám sát của người dân  đối với các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước ở các khu công nghiệp, sản xuất trên địa bàn. Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nêu ý kiến như vậy và đưa ra kiến nghị, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, xử lý nước sạch tại các vùng nông thôn, vùng miền khó khăn.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm tài nguyên nước thì các địa phương cần dành ngân sách vào việc đầu tư cho công nghệ xử lý, sàng lọc nước thải. Đại biểu Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) kiến nghị.

** Cũng trong sáng 9/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, với 90,4% phiếu thuận; Nghị quyết về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015, với 89% đại biểu đồng ý; Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015, với 82% đại biểu tán thành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên