Hội nghị Geneva là dấu mốc quan trọng trong ngành ngoại giao Việt Nam

VOV.VN - Quá trình đàm phán Hiệp định Geneva vẫn còn giá trị tươi mới trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước hiện nay.

Đây là nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan–nhà ngoại giao kỳ cựu với 44 năm liên tục làm công tác ngoại giao.

PV VOV xin giới thiệu bài phỏng vấn nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhân dịp 60 năm Hiệp định Geneva.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

PV:  Thưa ông, Hiệp định Geneva ghi dấu mốc như thế nào trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Nước ta có một đặc thù là ngoại giao đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp giành và giữ độc lập của đất nước. Riêng Hội nghị Geneva năm 1954 là mốc rất quan trọng. Cho đến năm tận năm 1950, các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó gọi là dân chủ nhân dân mới công nhận chúng ta. Nhưng các nước khác thì chưa có ai công nhận Việt Nam cả.

Hội nghị Geneva là hội nghị đầu tiên, Hội nghị quốc tế lớn mà có cả 5 Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tham dự và đã trịnh trọng tuyên bố trong lời tuyên bố cuối cùng là công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam và cam kết không can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.

Đây là dấu mốc rất quan trọng về vị thế quốc tế của Việt Nam từ chỗ không được công nhận tới chỗ chính thức được công nhận. Đi liền với đó là chúng ta ngồi ghế ngang vai, bằng vế với các nước lớn. Đây là mốc quan trọng không thể không nói đến.

Mốc quan trọng nữa là miền Bắc nước ta từ Lạng Sơn đến vĩ tuyến 17 được giải phóng, có thời gian hòa bình nhất định để xây dựng đất nước, trở thành tiền tuyến lớn của cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi sau này để chống Mỹ cứu nước. Nếu mà không có hậu phương miền Bắc thì cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Bất luận như thế nào thì hội nghị Geneva cũng là sự kiện lịch sử đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

PV: Nhân kỷ niệm 60 năm ký Hiệp định Geneva, những phát biểu của ông trên  báo chí đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, trong đó ông nhấn mạnh rằng: Hiệp định Geneva là sự dàn xếp của các nước lớn. Ông có thể diễn giải về các nhận định trên được không?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Thực sự thì tình hình diễn ra đúng là như vậy, vì xuất xứ Hội nghị Geneva là do các nước lớn dàn xếp với nhau để tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề châu Âu, nhưng do bất đồng quá lớn nên không thành, họ xoay sang bàn về 2 cuộc chiến tranh nóng ở châu Á là cuộc chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương.

Bản thân chuyện Hội nghị có họp hay không họp, có bàn hay không bàn là do các nước lớn họ dàn xếp. Hơn nữa, nội dung giải pháp thế nào thì các nước lớn cũng giàn xếp với nhau vì lợi ích riêng của họ, và họ đi đến một chủ trương là tập kết quân của 2 miền, đi tới tạm thời chia cắt đất nước ta theo vĩ tuyến 17, sông Bến Hải.

Giờ đọc lại những tài liệu được công bố thì thấy rõ, đây là sự dàn xếp giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. Trong tài liệu Trung Quốc công bố công khai, Hội nghị Geneva tháng 5 mới họp, tháng 7 mới ký kết nhưng từ tháng 3/1954, Trung Quốc đã đề nghị phương án tạm thời chia vùng tập kết ra làm 2 miền mà Trung Quốc nói rõ trong đề nghị là dự kiến ở vĩ tuyến 16.

Kết thúc Hội nghị, có bản tuyên bố cuối cùng của các nước tham gia mà chủ yếu là các nước lớn. Một mặt, họ ghi nhận hiệp định, mặt khác họ buộc phải công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất của nước ta.

Về sau, quá trình thi hành, các nước lớn đóng vai trò rất nhiều. Vì hai đồng Chủ tịch Hội nghị là Liên Xô và Anh, họ thỏa thuận lập ra Ủy ban giám sát quốc tế. Vai trò nước lớn rất rõ trong Hội nghị Geneva. Đấy là một thực tế mà chúng ta không thể nào bỏ qua và không thể phủ nhận thực tế đó.

PV: Thưa ông, đến nay vẫn còn một số nhận thức khác nhau về việc đất nước chia cắt làm 2 miền theo kết quả của Hiệp định Geneva mà tới hơn 20 năm sau, nước nhà mới thu về một mối. Mặc dù xét trên bối cảnh lịch sử thì đây là kết quả khó có thể khác được, tuy nhiên có quan điểm cho rằng, đây là điều đáng tiếc. Xin ông phân tích về vấn đề này?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đáng đau chứ không phải là đáng tiếc. Vì đất nước 20 năm bị chia cắt, bao nhiêu gia đình bị phân ly, biết bao nhiêu máu đã chảy, chúng ta đã phải chiến đấu mấy chục năm trời sau đó mới giải phóng được cả nước, mới thống nhất được Tổ quốc. Đây là nỗi đau của dân tộc chúng ta, đây cũng là một thực tế lịch sử.

Năm 1954, về mặt tương quan lực lượng, chúng ta đã giành được thắng lợi rất lớn có ý nghĩa lịch sử là chiến thắng Điện Biên Phủ, và chiến thắng này là một quyết định cho thay đổi ở Hội nghị Geneva.

Đồng chí Trường Chinh lúc đó có nhận định, chiến thắng Điện Biên là cực kỳ to lớn nhưng chưa thay đổi hẳn được tương quan lực lượng. Trên thực tế, chúng ta cũng thấy các thành phố lớn từ Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng còn trong tay Pháp. Cả đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, Pháp còn đang kiểm soát, nên chúng ta cũng chưa thể giải phóng được cả nước ngay một lúc.

Về bối cảnh quốc tế, các nước và bạn bè của ta chủ yếu lúc đó là Liên Xô và Trung Quốc thì chủ trương hòa hoãn với phương Tây, chủ trương đi tới Hiệp định đình chiến. Bản thân ta cũng chưa đủ lực. Chúng ta cũng phải chấp thuận những thỏa thuận mà chúng ta không mong muốn. Chúng ta đành phải chấp nhận phương án như vậy với một quan niệm, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh.

Sau Hội nghị, Trung ương Đảng có ra lời kêu gọi và Bác Hồ có bài phát biểu nhấn mạnh  rằng, chúng ta phải kiên trì tiếp tục đấu tranh chứ không phải dừng ở đây. Quả thật chúng ta phải đấu tranh 20 năm nữa mới giành được thắng lợi.     

PV: Để đạt được Hiệp định Geneva không chỉ là đấu tranh quân sự mà là cuộc đấu tranh ngoại giao căng thẳng trong suốt 75 ngày đàm phán. Vậy, chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thử thách đó như thế nào?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Qua những tài liệu thu lượm được, qua lời kể của các đồng chí tiền bối đã tham gia Hội nghị đó, thì thấy bước vào Hội nghị, chúng ta có một món quà rất lớn của quân dân ta đem lại, tức là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chính chiến thắng đó đã tạo ra cho chúng ta một thế mới. Ở hội nghị Geneva, lúc đầu, phía Pháp không đồng ý đoàn đại biểu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngồi vào hội nghị, họ chỉ mời chính quyền Bảo Đại thôi.

Qua chiến thắng Điện Biên, Pháp buộc phải chấp nhận đoàn của ta do đồng chí Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu tham gia Hội nghị một cách đàng hoàng.

Còn phía Lào, Campuchia, họ chỉ mời chính quyền Phnom Penh và Vientiane chứ họ không chấp nhận đoàn kháng chiến Campuchia. Chặng đầu tiên chúng ta đấu tranh là  ai được tham dự hội nghị đó. Bài phát biểu của đồng chí Phạm Văn Đồng ở hội nghị đó là đấu tranh cho các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia tham gia hội nghị.

Đấu tranh đó chúng ta kiên trì, liên tục nhưng cũng không đạt được do tương quan lực lượng lúc bấy giờ.

Lúc bấy giờ phía Pháp, phía phương Tây chỉ bàn vấn đề quân sự, không muốn bàn vấn đề chính trị. Nghĩa là vấn đề đầu tiên họ quan tâm là tù binh, thương binh của họ ở Điện Biên Phủ trao trả như thế nào.

Chúng ta cũng sẵn sàng trao đổi vấn đề đó nhưng chúng ta tiếp tục phải đấu tranh để bàn tổng thể vấn đề quân sự chứ không phải chỉ là vấn đề tù binh. Đồng thời chúng ta đấu tranh không chỉ dừng lại vấn đề quân sự mà phải là vấn đề chính trị, nghĩa là phải tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước để đi thống nhất đất nước.

Qua đấu tranh của chúng ta, đến bước Pháp phải chấp nhận bàn cả vấn đề quân sự lẫn vấn đề chính trị và đi đến thỏa thuận 2 năm sau đình chiến phải tiến hành tổng tuyển cử.

Rồi vấn đề vùng tập kết, chúng ta cũng đấu tranh ở mức rất cao, không phải lúc đầu ta chấp nhận vĩ tuyến 17 mà đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ra phương án là vĩ tuyến 13, 14, rồi nếu vĩ tuyến 16 cũng là dưới Đà Nẵng chứ không phải sông Bến Hải.

Chúng ta đã đấu tranh từng bước từng bước một để thực hiện vùng tập kết cho có lợi nhất cho cách mạng. Nhưng do tương quan lúc bấy giờ, do tình hình quan hệ giữa các nước lớn bấy giờ thì cuối cùng thỏa thuận là vĩ tuyến 17 là tạm thời.

Phải nói đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Geneva một là rất kiên quyết, kiên định lập trường nhưng đồng thời cũng phải mềm mỏng, linh hoạt tùy theo tương quan lực lượng. Nhưng ở đây có một điều ghi nhận là chúng ta phải tính đến lập trường của Liên Xô, Trung Quốc là những nước mà cung cấp vũ khí chủ yếu cho chúng ta. Đó cũng là cái khó khăn ở Hội nghị, cái này khác hẳn Hội nghị Paris sau này.

PV:  Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, xin ông cho biết những kinh nghiệm trong đàm phán Hiệp định Geneva có ý nghĩa như thế nào?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Thực ra hai tình huống cũng khác nhau, vì mỗi sự kiện quốc tế đều có những nét riêng của nó, nhưng nó cũng có những nét chung.

Nét chung là ngoại giao là một phương tiện để đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình, thì Hội nghị Geneva cũng là hoạt động ngoại giao lớn để bảo vệ lợi ích của chúng ta là đấu tranh để thống nhất đất nước.

Bây giờ chúng ta vẫn phải kiên trì các biện pháp ngoại giao hòa bình thông qua những biện pháp đó để đi tới một cái giải pháp để bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Đấy là điểm tương đồng. Chúng ta phải kiên trì các biện pháp ngoại giao, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã có điều kiện hòa bình, chúng ta cần phát triển đất nước thì ngoại giao lại càng quan trọng.

Kinh nghiệm thứ 2 là ngoại giao có thành công hay không là do thực lực. Trong những bài báo tôi đã trích lời Bác Hồ rất hình ảnh, đó là muốn ngoại giao thắng thì phải có thực lực. Thực lực là cái chiêng, cái chiêng có to thì tiếng mới lớn.

Nhưng khi nói đến thực lực nhiều người chỉ liên hệ đến sức mạnh cứng thôi thì tôi thấy chưa đủ mà nó phải bao gồm cả sức mạnh mềm như cách nói của chúng ta hiện nay. Sức mạnh mềm là chính nghĩa, lẽ phải của mình, để dư luận thế giới, dư luận các nước cũng thấy là mình có lý. Sức mạnh mềm còn là lòng yêu nước, sự đoàn kết của toàn dân tộc, là sự đồng tình của những người đồng tình yêu công lý trên toàn thế giới.

Hội nghị Geneva cũng vậy, bây giờ cũng vậy, thành ra chúng ta phải vừa đấu tranh ngoại giao nhưng vừa phải huy động sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết, huy động đồng tình của nhân dân thế giới. Hiện nay chúng ta đang làm theo cách như vậy, cách ấy đã chứng tỏ là có hiệu lực.

Bài học thứ 3 là bất luận trong trường hợp nào, chúng ta phải độc lập, tự chủ, công việc của chúng ta phải lo là chính nhưng chúng ta tranh thủ tối đa sự đồng tình của dư luận thế giới.

Muốn bảo vệ đất nước mình không có con đường nào khác phải đoàn kết nhau lại, mỗi người một cách, làm cho đất nước mình mạnh lên, mạnh lên cả về tinh thần, cả về ổn định, mạnh lên cả về sức mạnh kinh tế thì mới có thể bảo vệ được đất nước. Hiệp định Geneva cũng vậy, Hiệp định Paris cũng vậy, bây giờ cũng vậy, những bài học đó còn giá trị. Đấy là những nguyên tắc./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam
Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam

VOV.VN - Có nhà nghiên cứu cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương đã “lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây”.

Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam

Hiệp định Geneva: Yếu tố quốc tế có lợi cho Việt Nam

VOV.VN - Có nhà nghiên cứu cho rằng cuộc chiến tranh Đông Dương đã “lồng vào cuộc xung đột toàn cầu giữa phương Đông và phương Tây”.

Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva
Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva

VOV.VN -Trải qua 60 năm, Hiệp định Geneva đình chiến sự ở Việt Nam vẫn có ý nghĩa thời sự to lớn về đấu tranh ngoại giao

Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva

Diễn biến Hội nghị và nội dung chính Hiệp định Geneva

VOV.VN -Trải qua 60 năm, Hiệp định Geneva đình chiến sự ở Việt Nam vẫn có ý nghĩa thời sự to lớn về đấu tranh ngoại giao