Kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Trong hai ngày 30/6 và 1/7 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả tích cực, Chính phủ đã tập trung xác định và thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp điều hành kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm, đồng thời thông qua nhiều giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh cũng như triển khai nhiều biện pháp cứng rắn hơn nhằm quết tâm kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông….

Qua truyền hình trực tuyến, Chính phủ dành trọn ngày hôm nay (1/7) để cùng lãnh đạo chính quyền các địa phương trong cả nước tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Các ý kiến đều đánh giá cao 6 nhóm giải pháp chủ yếu, 7 nhiệm vụ trọng tâm điều hành của Chính phủ đã và đang phát huy tích cực với nhiều tín hiệu quả quan của nền kinh tế. Có thể thấy rõ nhất là mức tăng giá tiêu dùng đã và đang có xu hướng chậm lại: tháng 4 là 3,32%, tháng 5 giảm xuống còn 2,21% và tháng 6 này là 1,09%. Công tác quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng từng bước đi vào nề nếp. Dự trữ ngoại tệ tăng, lãi suất ổn định và cải thiện tính thanh khoản của ngân hàng. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giầu cho biết: trong 2 tuần qua cả lãi suất cả huy động và cho vay bắt đầu giảm khi tín hiệu CPI giảm, một vài ngân hàng cũng đã công bố huy động tiền gửi dưới 14%, thứ hai lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm nhanh hiện còn 12% đến 12,3%, thứ 3 là lãi suất liên ngân hàng ổn định và đặc biệt trong 23 ngày đầu tháng 6 vốn huy động tăng rất nhanh được 1,62% cao hơn tăng trưởng dư nợ 0,45% cho thấy tính thanh khoản được cải thiện vững chắc....   

Xuất khẩu trong 6 tháng qua cũng tăng trên 30% với trên 43 tỷ USD, còn nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ hơn, góp phần giảm nhập siêu 6 tháng chỉ còn 15,72%. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: nếu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân tiết kiệm điện nghiêm ngặt và phân phối, sử dụng điện khoa học thì từ nay đến cuối năm sẽ không xảy ra thiếu điện.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình an sinh xã hội ước đã lên tới gần 95.000 tỷ đồng; các bộ, ngành, địa phương và đơn vị cũng đã nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chi tiêu ngân sách và cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Lĩnh vực thu ngân sách trong 6 tháng qua cũng tăng 22,8% so với cùng kỳ và đạt 327.800 tỷ đồng còn bội chi ngân sách chỉ bằng 23% bội chi ngân sách nhà nước cả năm.

Trong bối cảnh khó khăn nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ tích cực trên cở sở đồng thuận của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự chỉ đạo và điều hành chủ động, linh hoạt và quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm đạt tăng trưởng 5,57%, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. … Bên cạnh đó, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện các biện pháp thích hợp đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ và các địa phương cũng đã phân tích 6 tháng cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cần phải giải quyết như lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn đang ở mức cao, nhập siêu vẫn còn lớn, sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn...

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để triển khai chương trình nhà ở xã hội không bị ách tắc.

Một vấn đề nổi lên trong quản lý và điều hành đưa ra tại phiên họp, đó là cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống ngân hàng, nhất là mức tín dụng cho vay bất động sản đảm bảo an toàn tính thanh khoản. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân dẫn chứng trên địa bàn thành phố hiện có tới trên 500/3000 công ty bất động sản đã vay vốn ngân hàng tới khoảng 93.000 tỷ đồng đầu tư bất động sản. Trong khi đó cả trăm nghìn doanh nghiệp khác vay vốn trong 6 tháng đầu năm cũng chỉ khoảng 60.000 tỷ đồng....

Phát biểu kết luận phiên họp chiều 1/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, với sự đồng thuận và quyết liệt của cả nước nền kinh tế nước ta đã chuyển biến tích cực nhưng đây mới là chỉ bước đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Chính phủ kiên định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục là trọng tâm ưu tiên điều hành trong thời gian tới nhằm phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu năm 2011, nhất là kiểm soát lạm phát khoảng 15-17%, tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, nhập siêu từ 15-16%, giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP và tăng trưởng GDP trong cả năm nay đạt khoảng 6%... Điều này sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tạo tiền đề cơ bản để phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Để thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng phải hiệu quả; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, các doanh nghiệp, vừa và nhỏ...

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì tỷ giá hợp lý, quản lý tốt thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Đặc biệt là phải tập trung quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, không để xảy ra tiêu cực, đổ vỡ, nhất là tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn dư nợ tín dụng cho vay đầu tư bất động sản của các ngân hàng; tăng cường quản lý, kiểm soát lãi suất minh bạch, ổn định và giảm dần lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát và tốc độ tăng trưởng.

Các bộ, ngành và các địa phương kiên trì thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 10% để dành cho an sinh xã hôi; tiếp tục rà soát, điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư công theo kế hoạch gắn với kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm cân đối cung - cầu các hàng hoá và dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường, lạm dụng tăng giá bất hợp lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng thu, giảm bội chi ngân sách nhà nước; quan tâm chỉ đạo sâu sát, tháo gỡ khó khăn duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dứt khoát không để người dân nào phải thiếu đói lúc giáp hạt hay bị thiên tai.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường các biện pháp mạnh kéo giảm tai nạn giao thông; không được chủ quan, lơ là tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền quốc gia....vv.

Trước đó trong ngày 30/6, các thành viên Chính phủ đã tập trung cho ý kiến nhiều lĩnh vực quản lý và điều hành quan trọng khác, nhất là phương án sớm tăng lương tối thiểu theo vùng cho các doanh nghiệp, thống nhất các giải pháp về thuế với số tiền lên tới 20.000 tỷ đồng trình Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh cũng như nhất trí triển khai nhiều biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên