Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo tỉnh Long An, TPHCM, thành phố Cần Thơ.

Sáng 29/6, tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, tỉnh Long An tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm, nguyên Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn ( 29/6/1902- 29/6/2012). Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo tỉnh Long An, TPHCM, thành phố Cần Thơ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cách mạng lão thành, đại diện gia đình các đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, cùng đông đảo các tầng lớp nhân sỹ trí thức, tôn giáo của tỉnh.

Trước lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm tại phù điêu Châu Văn Liêm và khởi công xây dựng giai đoạn 2 công trình Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 tại xã Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, Châu Văn Liêm đã được học chữ Hán. Lớn lên, ông học tại trường Sư phạm hậu bổ Sài Gòn. Đây cũng là lúc Châu Văn Liêm tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ và những người yêu nước, trong đó có báo Tiếng Chuông Rè và nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh. Ông sớm nhận ra những bất công dưới thời Pháp thuộc. Sau này, ông tham gia nhiều phong trào cách mạng ở Sài Gòn và Long Xuyên nơi ông dạy học.

Năm 1928, Châu Văn Liêm được bầu làm Bí thư tỉnh ủy Long Xuyên. Năm 1929, ông là Ủy viên Ban thường vụ Kỳ bộ Nam kỳ và tham gia thành lập An Nam cộng sản Đảng. Năm 1930, Châu Văn Liêm dự hội nghị hợp nhất 3 Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng, Trung Quốc. Sau hội nghị này, ông thống nhất các tổ chức cộng sản từ Khánh Hòa đến Cà Mau và được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định- Chợ Lớn. Đồng chí đã chọn Đức Hòa, tỉnh Long An làm địa bàn xây dựng cơ sở và gầy dựng phong trào cách mạng.

Ở Đức Hòa, với lối tuyên truyền giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, ông được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ cách mạng. Ngày 4/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức và trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân ở Đức Hòa, Long An. Tại đây, đồng chí đã hy sinh trong lúc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Tiếp nối truyền thống cách mạng đó, nhân dân Đức Hòa, nhân dân Long An nói riêng và Nam bộ nói chung đã kiên trung với Đảng, chiến đấu giành độc lập, xây dựng quê hương đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An nói: “Hơn 80 năm trôi qua, tấm gương hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm mãi sáng ngời của lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên trung với nước, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập của tổ quốc vì tự do của nhân dân. Như lời nhà nghiên cứu lịch sử Trung Chính đã viết: Đồng chí Châu Văn Liêm là một vị sáng lập viên của Đảng, đã treo cao cho toàn Đảng ngay từ những ngày đầu mới thành lập một gương hy sinh vô điều kiện, vì quyền lợi của quần chúng gian khổ. Tinh thần cách mạng tiêu biểu đã cho thấy sự quyết tâm của đồng bào Nam bộ nói riêng và của toàn quốc nói chung”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên