Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

“Tài nguyên nước cần được bảo vệ bởi hiện nay nhiều nơi sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm…”

Sáng 16/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

3 vấn đề chính được tập trung thảo luận tại phiên họp này là phạm vi điều chỉnh, quy hoạch và thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này, cũng như làm rõ khái niệm về tài nguyên nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, có sự mâu thuẫn của dự án Luật này với  điều 1 của Hiến pháp.

Ông Phan Trung Lý cho biết: “Bản thân chúng ta ghi trong này là dự án Luật điều chỉnh tài nguyên nước trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam mà điều 1 của Hiến pháp đã ghi rồi. Như vậy mâu thuẫn với điều 1 và mâu thuẫn với Hiến pháp. Và nếu ra Luật tài nguyên nước mà chỉ có đất liền, chỉ có một phần tư tài nguyên nước cần bảo vệ thì sẽ rất thiệt hại, gây thiệt hại rất lớn cho sau này. Vì tài nguyên nước sau này là tài nguyên nước trên biển. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển biển mà Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra”.

Trong dự án Luật này cũng đề cập tới việc quản lý thượng lưu và hạ lưu. Tuy nhiên, thượng lưu nhiều con sông như sông Hồng, Mekong không nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị dự án Luật cần bổ sung làm rõ việc quản lý nước trong lãnh thổ Việt Nam có liên quan tới các quốc gia khác và có thể bổ sung một điều riêng về hợp tác quốc tế.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị: “ Nguồn nước của nước ta có mối quan hệ vô cùng mật thiết với các nước xung quanh có cùng dòng sông, biển, nguồn nước. Do đó, hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng. Đề nghị nên có một điều riêng liên quan hợp tác quốc tế”.

Tài nguyên nước cần được bảo vệ bởi hiện nay nhiều nơi sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật này phải nêu rõ trách nhiệm của các pháp nhân và thể nhân, cũng như quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ các bên trong sử dụng nguồn nước. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị ghi rõ các đối tượng gây ra ô nhiễm phải có trách nhiệm phục hồi nguồn nước do hành vi của mình gây ra và xử lý nghiêm khắc./. 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên