1.000 tỷ đồng của nữ "đại gia" bán bún đã có chủ?

Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe: "Theo luật thừa kế, chị L sẽ được hưởng toàn bộ khối tài sản trên, nếu chị L được nhận con nuôi theo đầy đủ thủ tục của luật pháp".

Luật sư Vũ Thái Hà

Như VOV online đã thông tin về vụ chủ của số tài sản trên là bà T.K.P (66 tuổi, ở quận Tân Phú, TP HCM) đột tử để lại khối tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó bà P không có chồng con mà chỉ có người con nuôi là chị T.H.H.L (22 tuổi).

Hiện nay, giữa chị L và gia đình bà P đang xảy ra tranh chấp về số tài sản này và số tài sản này vẫn đang nằm tại Sacombank và chờ xử lý theo đúng trình tự pháp luật.

Phía chị L lý giải theo luật thừa kế, chị L. sẽ được thừa hưởng số tài sản trên. Tuy nhiên, phía gia đình bà P. đã không chấp nhận, cho rằng số tài sản của bà P. để lại cũng có sự góp sức của cả dòng họ nên cần phải chia đều cho từng người.

Dư luận đang rất quan tâm về việc số tài sản này sẽ được giải quyết theo hướng nào và ai sẽ được thừa kế. Để rộng đường dư luận, VOV online phỏng vấn luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe để có thêm một góc nhìn về vụ việc này.

PV: Việc  bà T.K.P (66 tuổi, trên đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) có khối tài sản 1.000 tỷ đồng chết đột tử không có di chúc, theo luật pháp thì ai sẽ được hưởng số tài sản này, thưa ông?

Luật sư Vũ Thái Hà: Theo quy định của pháp luật, nếu người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia cho người thừa kế theo pháp luật. Điều 676 Bộ luật Dân sự quy định, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, theo như thông tin cung cấp, bà P chết không để lại di chúc, không còn cha mẹ, không có chồng và con đẻ, nếu bà P đã thực hiện đầy đủ thủ tục về nhận con nuôi theo quy định của pháp luật thì đương nhiên, toàn bộ phần di sản bà P để lại thuộc về người con nuôi.

PV: Ngoài số tài sản có giấy tờ bà P gửi ở Sacombank, chẳng hạn có những tài sản khác có giá trị mà bà chưa kịp làm giấy tờ hoặc đang cho vay mượn... Theo nhận định của ông thì những tài sản như vậy có đòi được không? 

Bà P mặc áo màu xám, đeo kính đang chúc mừng mọi người.

Luật sư Vũ Thái Hà: Tại Điều 636 Bộ luật Dân sự quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.

Theo đó, ngoài những tài sản có giấy tờ bà P gửi ở Sacombank, thì những tài sản khác có giá trị mà bà P chưa kịp làm giấy tờ, hoặc các khoản nợ đang cho vay mượn mà có đủ căn cứ để xác định đó là tài sản của bà P thì người thừa kế có quyền đòi lại những tài sản đó.

PV: Theo thông tin được biết, vì khối tài sản quá lớn nên hiện có sự tranh chấp giữa anh chị em ruột của bà P và con nuôi của bà. Xin ông cho biết việc tranh chấp đòi tài sản của anh chị em ruột bà P có thể giải quyết theo hướng nào?

Luật sư Vũ Thái Hà: Trong vụ việc trên, nếu anh chị em của bà P chứng minh được họ có đóng góp một phần trong quá trình tạo lập khối tài sản thì có quyền khởi kiện, đòi phân phần tài sản tương đương với phần đóng góp của họ.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên