Ánh sáng của lòng nhân ái

Hiện nay, cả nước có 10 tỉnh thành tham gia vào phong trào hiến giác mạc, đứng đầu về số lượng là Ninh Bình.

Lấy lại ánh sáng

Cha Sứ trong một buổi tuyên truyền về hiến tặng giác mạc

Vừa tháo băng mắt, Phạm Quốc Tú, 19 tuổi thốt lên với mẹ rằng, thị lực của con tốt lên nhiều rồi mẹ ơi. Tú đưa ngón tay lên trước mắt để kiểm chứng, thật là rõ ràng. Bởi chỉ trước đó thôi, dù để gần sát cậu cũng không nhìn thấy gì. Tay cứ đung đưa trước mặt và cậu cười rất tươi. Ngồi trước mặt Tú, giọt nước mắt người mẹ cứ lăn dài vì chứng kiến niềm vui của cậu con trai. Cả gia đình Tú đã chạy chữa khắp nơi để mong đôi mắt cậu sáng trở lại nhưng tất cả đều không thành. Vì vậy, niềm vui này sao kể siết. Hiện Tú vẫn đang trong thời gian hẫu phẫu, phải sau 1 năm mới đủ điều kiện để đo chính xác được thị lực nhưng Tú vui lắm.

Khuôn mặt của chàng thanh niên quê Nam Định không giấu nổi niềm vui khi kể về bệnh tật của mình. Tú bảo: “Lúc còn học phổ thông, em cũng chỉ nghĩ đơn thuần là mắt bị cận thị. Càng học lên cao, mắt càng mờ nhưng năm cuối phổ thông trung học, mắt rất kém nhưng do ôn thi nên em cũng không để ý đến. Mọi thời gian, tâm sức em để dành vào việc ôn thi Đại học. Niềm vui đỗ vào trường đại học Dược Hà Nội chưa được toàn vẹn thì Tú biết mắt mình bị nặng hơn cậu tưởng”.

Tú buồn bã, thất vọng, mọi tương lai trước mắt dường như không có ánh sáng. Cậu thu mình vào một góc, không dám chia sẻ nỗi buồn với ai. Nghe ai nói ở đâu có phương thuốc hay, gia đình Tú đều tìm đến. Đông tây y kết hợp nhưng mắt của cậu ngày càng mờ. Tú nghĩ, con đường, cuộc đời của mình chắc là dừng lại ở đây rồi, vì không nhìn thấy tia hy vọng nào cả. Nhưng thôi còn nước còn tát.

Rồi cuối cùng câu trả lời về đôi mắt của Tú cũng đựoc giải đáp: Mắt Tú bị tật giác mạc hình chóp. Phương án chữa trị duy nhất là phải ghép giác mạc. Và Tú được đăng ký vào danh sách những người chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Vậy là cũng mừng hơn chút vì tìm ra câu trả lời cho bệnh tật của mình và giờ chỉ chờ đợi vào số phận. Thời gian ngồi chờ ghép giác mạc mới thật sự hồi hộp. Thật may mắn, đúng vào thời điểm đó, Bệnh viện Mắt Trung ương nhận được một số giác mạc từ thiện từ một tổ chức nhân đạo của Mỹ gửi về. Vậy là Tú được ghép giác mạc.

Giờ thì khỏi phải nói, Tú nói đúng là đi đến cuối đường hầm thì tìm ra ánh sáng. Mặc dù hiện tại vẫn trong giai đoạn hậu phẫu nhưng Tú đã đi học trở lại bình thường. Hiện cậu là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Dược Hà Nội.

Ước mơ trở thành dược sĩ giống mẹ cậu sắp trở thành hiện thực. Tú bảo, theo luật pháp, người nhận giác mạc không được biết nguồn gốc của người cho giác mạc nhưng lúc nào cậu cũng thầm cảm ơn nghĩa cử cao đẹp đó. Chính họ đã đem lại ánh sáng cho cậu, nuôi dưỡng ước mơ của cậu thành hiện thực. Nằm mơ cậu cũng không thể nào tin được. Chính vì vậy, Tú và mẹ đã làm đơn xin hiến giác mạc khi qua đời. Tú bảo, đó cũng là hành động nhỏ để nói lời cảm ơn với người đã hiến giác mạc cho mình và tỏ lòng biết ơn tới những người tham gia vào phong trào hiến giác mạc ở Việt Nam. Đúng như câu ghi trên khẩu hiệu ngoài cổng bệnh viện: Một người qua đời nhưng vẫn đem lại ánh sáng cho 2 người.

Cùng độ tuổi như Tú, Lê Đăng Doanh, quê ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bị giác mạc hình chóp bẩm sinh. Khác với Tú, Doanh bị cả hai mắt. Lên lớp 6, Doanh đã thấy mắt mờ cậu nghĩ mình bị loạn thị. Mỗi năm tăng từ 1 đến 2 độ.

Năm học lớp 11, đi khám trên Bệnh viện Mắt Trung ương thì Doanh biết mắt mình phải thay giác mạc thì mới khỏi. Nhưng việc này hơi khó vì Ngân hàng Mắt Trung ương lúc nào cũng trong tình trạng thiếu giác mạc. Doanh nghe buồn lắm và nghĩ không biết đến bao giờ mắt mình mới được thay. Cả hai mắt đều mờ khiến mọi sinh hoạt, học hành, chơi thể thao đều bị khó khăn bởi Doanh không nhìn thấy rõ. Sở thích chơi bóng đá cũng phải dừng lại. Doanh đành ngậm ngùi ngồi nhìn lũ bạn hả hê với những đường bóng đẹp. Doanh tự nhủ cố gắng học xong PTTH sẽ vào Nam làm nghề nuôi ong như bố. Cậu nghĩ nghề này không nặng nhọc và đi lại nhiều. Mắt mờ như cậu chắc là làm được. Ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng đành gác sang một bên. Nhưng tốt nghiệp cấp III cậu vẫn nộp đơn thi đại học để thoả nguyện mong ước. Doanh đỗ cả hai trường, Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế Quốc dân. Được gia đình động viên, Doanh lên Hà Nội nhập học trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Lý do Doanh chọn học trường này là sau ra trường nếu mắt vẫn mờ thì cậu vẫn có khả năng làm được.

Cái ngày nhập học cũng là lúc Doanh nhận được thông báo từ bệnh viện có giác mạc để ghép. Tuy chỉ được ghép mắt trái nhưng cảm giác lúc đó rất sung sướng, Doanh bảo như vậy. Doanh lập tức xin nhà trường bảo lưu kết quả 1 năm để điều trị mắt. Sau gần 1 tháng băng kín, ngày bỏ băng, Doanh không tin vào mắt mình, mọi cái trở nên rõ ràng đến khó tin. Doanh chỉ nghĩ may mắn sau mổ cậu nhìn thấy rõ đường đi là được nhưng đến lúc này, cậu hạnh phúc đến run người. Bao năm trời Doanh chỉ nhìn thấy mờ mờ khuôn mặt của bố giờ  nhìn rõ cả từng nếp nhăn, Doanh thấy cay cay sống mũi. Mắt trái giờ đã nhìn rõ, Doanh không phải đeo chiếc kính dày cộp nữa. Doanh biết ơn người đã tặng mình giác mạc nhưng cậu không biết làm sao để bày tỏ lòng biết ơn của mình và chỉ còn cách duy nhất là cố gắng học.

Doanh bảo, em là người quá may mắn, nếu không được thay giác mạc thì giờ không biết em đang ở đâu và làm gì. Giờ thì cuộc sống của Doanh đã thay đổi, Doanh sẽ tham gia vào phong trào vận động hiến tặng giác mạc ở Việt Nam. Hạnh phúc đấy nhưng ẩn sâu trong đôi mắt chàng trai trẻ vẫn canh cánh nỗi niềm, không biết bao giờ mắt phải mới được ghép giác mạc. Nếu để lâu, Doanh sợ mắt sẽ bị hỏng và cơ hội sẽ không còn. Doanh không dám nghĩ tiếp vì dù sao cậu cũng đã rất may mắn, sau cậu còn hàng trăm ngàn người đang chờ được ghép giác mạc.

Gian nan con đường tìm ánh sáng

Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương cho biết, hiện danh sách đăng ký chờ ghép giác mạc của Bệnh viện mắt Trung ương lên tới 1.000 người. Ngân hàng mắt được thành lập từ tháng 3/2010, là ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam nhưng chiếc tủ đựng giác mạc lúc nào cũng trong tình trạng thiếu.

Hiện nay, trên toàn quốc có 10 tỉnh thành tham gia vào phong trào hiến giác mạc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Lạng Sơn….đứng đầu về số lượng người hiến giác mạc và đăng ký hiến là tỉnh Ninh Bình.

Các bác sĩ lấy giác mạc

Anh Hoàng cũng cho biết, ở Ngân hàng Mắt chỉ có 3 anh em trực chiến với việc thu nhận giác mạc. Một điều thú vị cả 3 người đều không học ngành y. Anh Hoàng là cử nhân báo chí còn anh Quang và anh Sơn là dân học ngoại ngữ. Nhưng tất cả đều do duyên số đưa đẩy khiến 3 người đến với nhau để làm công việc này. Các anh được đi học ở nước ngoài về phương lấy giác mạc. Anh Hoàng nhớ lại ca đầu tiên về nhận giác mạc ở tỉnh Ninh Bình vào năm 2007. Mặc dù đã làm nhiều nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên các anh cũng hơi căng thẳng. Chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ và tâm lý, cuối cùng việc thu nhận giác mạc cũng thành công để lại ấn tượng đối với người xem.

Anh Hoàng cho biết, việc lấy giác mạc lần đó là chứng minh cho người dân rằng việc lấy giác mạc đúng như với những gì các anh đã tuyên truyền. Giác mạc chỉ là màng mỏng trong suốt che chắn một phần năm trước nhãn cầu. Nên việc lấy giác mạc không ảnh hưởng đến khuôn mặt người mất. Trước mọi người nhầm tưởng việc lấy giác mạc là lấy nguyên đôi mắt. Từ ca đầu tiên đó khiến cho các vị linh mục và những người được chứng kiến tuyên truyền thêm để dần dần mọi người hiểu hơn. Từ đó việc tuyên truyên ngày càng hiệu quả hơn. Tuyên truyền là một chuyện nhưng việc lấy giác mạc cũng đòi hỏi sự nhiệt thành và làm bằng cả cái tâm.

Bất kể lúc nào, không kể ngày hay đêm, trời mưa hay nắng… chỉ cần nhận được điện thoại là các anh lên đường. Mọi dụng cụ, kể cả hương nến để làm lễ cho người mất luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Bởi giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời trong vòng 6 - 8 tiếng là tốt nhất nên tâm lý trực chiến luôn thường trực trong các anh. Đi như tia chớp nhưng đến nhà người hiến giác mạc thì lặng lẽ. Lặng lẽ thắp hương trước linh hồn người đã mất thể hiện sự tri ân, rồi lại lặng lẽ làm công việc của mình. Thời gian không cho phép các anh chậm trễ vì quãng đường về còn dài.

Từ trường hợp đầu tiên vào năm 2007 đến nay, các anh tự tay thu nhận giác mạc của 101 người ở 10 tỉnh thành trong cả nước. Chỉ duy nhất 1 trường hợp do những cộng tác viên trong TP HCM tiếp nhận. Do có những quy định ngặt nghèo nên hiện tại việc lấy giác mạc mới chỉ thực hiện ở địa phương gần Hà Nội bởi quãng đường đủ để các anh bảo quản giác mạc.

Anh Hoàng, anh Sơn hay anh Quang đều có mong muốn là ở mỗi tỉnh thành sẽ có những cộng tác viên trực tiếp xử lý được việc thu nhận giác mạc. Có như vậy các anh mới mong ngày càng có nhiều ngọn nến bất tử./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên