Bắc Ninh nỗ lực khống chế dịch lợn tai xanh

Đến nay, số lợn mắc bệnh tai xanh trên địa bàn huyện Gia Bình, Bắc Ninh đã lên đến hơn 1.000 con trong tổng đàn khoảng 400.000 con…

Thông tin về chất cấm tạo nạc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh công bố: dịch tai xanh quay trở lại trên đàn lợn của các xã Bình Dương, Đại Lai, huyện Gia Bình, khiến nông dân vùng ven sông Đuống này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.  

Trên các ngả đường vào thôn Đìa, xã Bình Dương, huyện Gia Bình trắng xóa màu… vôi bột. Tại các chuồng trại cũng chỉ thấy vôi là vôi. Vỏ bao thức ăn chăn nuôi, vòi nước rửa chuồng... vứt chỏng chơ ở góc vườn. Không khí chán nản bao trùm lên các nhà ở thôn Đìa.

Cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Đìa, hơn 1 tuần qua, ông Vũ Văn Nội như ngồi trên đống lửa khi đàn lợn sắp xuất chuồng có giá trị gần 100 triệu đồng bất ngờ bị dịch bệnh tai xanh. Với sự hỗ trợ của ngành thú y, gia đình ông đã tiêu hủy 7 con lợn nái, đang tiếp tục tăng cường vệ sinh chuồng trại và tiêm thuốc vắc xin cho đàn lợn choai mắc bệnh tai xanh ở thể nhẹ.

Ông Vũ Văn Nội cho biết, trong thôn, những hộ có lợn mắc bệnh tai xanh được hỗ trợ 18.000 đồng/kg lợn con và 25.000 đồng/kg lợn nái. Tuy nhiên, đa số bà con vẫn lo lắng việc khôi phục tái đàn sẽ rất khó khăn. Nếu tính thiệt hại đàn này thì mất một nửa dù Nhà nước có hỗ trợ vì lợn ốm bị giảm cân.

Các phương tiện ra vào địa bàn có dich đều được phun thuốc cẩn thận

“Ví dụ bắt 1 đàn khoảng 18 triệu, nuôi lâu thì chắc lỗ một nửa. Nếu lợn to với giá 38.000 đồng/kg hơi thì có thể lỗ một chút, còn nếu lợn khoảng 30 - 35kg thì thiệt một nửa. Bây giờ làm đậu phụ bao nhiêu thì lại phải bù cho nuôi lợn, coi như làm không có lãi” – ông Nội cho biết.

Nhiều người dân Bắc Ninh cho biết, sau khi UBND tỉnh công bố dịch lợn tai xanh, người dân không dám mua thịt lợn về ăn vì sợ mua phải thịt lợn ốm, chết do dịch bệnh. Bởi vậy, nhiều hàng thịt phải tạm thời đóng cửa, hoặc chuyển sang bán loại thực phẩm khác.

Bà Nguyễn Thị Thao, chủ sạp bán thịt ở chợ cóc ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn cho biết, trước thì có bán thịt lợn nhưng khi có dịch tai xanh thì nghỉ chuyển sang bán gia cầm. Đồng thời chính quyền địa phương yêu cầu tạm ngừng buôn bán do dịch tai xanh.

Đến nay, số lợn mắc bệnh tai xanh trên địa bàn huyện Gia Bình đã lên đến hơn 1.000 con trong tổng đàn khoảng 400.000 con, số lợn chết và tiêu hủy khoảng 500 con. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp khoanh vùng, bao vây, dập dịch.

Tại những thôn tái phát dịch lợn tai xanh đã lập thêm chốt kiểm dịch, thường trực để ngăn chặn việc vận chuyển và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch; đồng thời cung cấp đầy đủ vôi bột, hóa chất để các địa phương vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh

Ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh nêu rõ, những ảnh hưởng của thông tin về chất tạo nạc thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi. Giá thực phẩm giảm xuống rất nhiều, người chăn nuôi đang có lãi lại trở thành lỗ nên việc xác định các biện pháp khống chế dịch bệnh không cho lây lan và hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi được ngành coi là trọng tâm trong thời điểm này.

Tính thời điểm này, khu vực miền Bắc có 6 tỉnh, gồm Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh tái phát dịch tai xanh, với khoảng 19.000 con lợn mắc bệnh, số chết và bị tiêu hủy chiếm gần một nửa. Cục thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cung ứng 180.000 liều vaccine tai xanh cho các địa phương.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tai xanh chủ động hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch; giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở quản lý chặt ổ dịch; Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh tai xanh để người dân chủ động tham gia phòng tránh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên