Để thực phẩm nhập lậu không còn đất sống

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, các cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển nội tạng động vật từ biên giới vào tiêu thụ trong nước đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Ngoài ra, hoa quả có chất bảo quản, thịt đông lạnh quá hạn sử dụng vẫn hằng ngày nhập khẩu vào nội địa gây lo lắng cho người dân. Làm thế nào quản lý được thực phẩm nhập lậu vào Việt Nam là bài toán khó mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục ATVSTP, Bộ Y tế: Khuyến khích người dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm

PV: Trước tình trạng thực phẩm "bẩn" nhập khẩu vào Việt Nam gây lo ngại cho người tiêu dùng, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã chỉ đạo các chi cục địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Chúng tôi xác định công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP không chỉ thực hiện trong dịp lễ, Tết, trong Tháng hàng động vì chất lượng ATVSTP mà tiến hành thường xuyên. Ban chỉ đạo ATVSTP Trung ương đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Chính sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các địa phương, các ngành chức năng, đặc biệt là công an, quản lý thị trường, y tế… đã phát hiện nhiều vụ vi phạm ATVSTP như thời gian qua, mà vi phạm phổ biến nhất là tình trạng “lên đời” cho hàng hóa, biến hàng hết hạn thành hàng còn hạn, làm nhái, làm giả hàng của các công ty…

Kho lạnh chứa gần 7 tấn thịt bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện ngày 6/4

PV: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nhưng việc truy tìm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rất khó khăn nên không xử lý được người vi phạm. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Người tiêu dùng khi mua thực phẩm ở chợ về chế biến, ăn vào bị ngộ độc thường không có căn cứ chứng minh mình mua thực phẩm ở đâu, quầy nào bởi các quầy bán thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ, do vậy, việc quy trách nhiệm người gây ngộ độc rất khó khăn. Về việc này, các ngành chức năng đang tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở bán thực phẩm, hàng hóa phải có nhãn mác, ghi hạn sử dụng.

Tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy, có nhãn mác, hạn sử dụng. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, người nhà cần lưu giữ những vật phẩm, mẫu thực phẩm ăn thừa, kể cả chất nôn của bệnh nhân, để điều tra truy suất nguồn gốc.

PV: Ngành y tế đã phối hợp với ngành khác như thế nào để kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Nhiên: Việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ở cửa khẩu gồm rất nhiều lực lượng tham gia. Riêng hàng hóa là thực phẩm nhập khẩu, ngành y tế có lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp có lực lượng kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch thủy sản. Hiện, Việt Nam có 13 cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Do vậy, các thực phẩm nhập khẩu chính ngạch được kiểm soát tương đối chặt chẽ. Hầu hết các lô hàng nhập khẩu không đạt yêu cầu đã bị phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật theo 4 cách: tái xuất, tái chế, chuyển mục đích sử dụng, tiêu hủy.

Tuy nhiên, thực phẩm nhập khẩu bằng con đường không chính ngạch rất khó kiểm soát. Nước ta có đường biên giới dài hàng nghìn km, đồi núi trập trùng trong khi lực lượng chức năng mỏng, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Vì thế, để làm tốt việc này cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng chức năng có liên quan. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân nâng cao vai trò phát hiện, tố giác hành vi vi phạm, giúp chúng tôi kiểm tra, kiểm soát, thu giữ hàng nhập lậu không đảm bảo ATVSTP.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Phan Thanh Phong - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội:  "Không nên mua hàng hóa không có nhãn mác"
Đối với thực phẩm, nhãn mác là yếu tố rất quan trọng. Qua nhãn mác, người tiêu dùng có thể biết được nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng, tên gọi của sản phẩm, đặc biệt là các thành phần cấu tạo nên sản phẩm. Nhưng với thực phẩm nhập lậu, tất cả điều này không có. Nguy hại ở chỗ, thực phẩm đó không được đưa đi kiểm nghiệm nên không biết nó có sử dụng chất bảo quản, phụ gia, hoá chất nằm trong danh mục cấm sử dụng hay không? Khi sử dụng thực phẩm đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ con người?

Do vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng phải có cảm quan, xem xét một vài mặt hàng cùng loại định mua để có sự so sánh. Đặc biệt, không nên mua và sử dụng hàng hoá là thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng để bảo đảm sức khoẻ.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam: Cần mở lớp đào tạo cho nhân viên làm ở khâu kiểm soát hàng nhập khẩu
Hàng hóa trong chuỗi siêu thị Fivimart được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ và thực tế sản phẩm. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm được cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Các nhà cung cấp các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam đã chú ý đến chất lượng, bao gói, kí hiệu nhãn mác, hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Người tiêu dùng hãy sử dụng hàng Việt Nam vì giá cả hợp với túi tiền và có vấn đề gì có thể truy tìm nơi sản xuất.

Siêu thị hạn chế nhập khẩu và chỉ nhập những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng nhập khẩu vào siêu thị đều có bộ chứng từ kèm theo. Các sản phẩm không đảm bảo chất lượng của tư nhân nhỏ lẻ bán ra thị trường chỉ có thể bán trôi nổi ở chợ tạm, chợ cóc chứ tuyệt đối không vào hệ thống siêu thị của chúng tôi được. Khâu kiểm soát thực phẩm nhập khẩu trong siêu thị là một quy trình khép kín, từ việc lựa chọn nhà cung cấp đến việc kiểm soát các giấy tờ pháp lý, kiểm soát hàng hóa thực tế. Để thực hiện đúng quy trình, nhân viên từng khâu phải được học, đào tạo bài bản, có thực tế nhiều năm công tác. Chúng tôi mong các cơ quan quản lý Nhà nước mở các lớp chuyên sâu đào tạo bồi dưỡng cho những nhân viên làm ở khâu kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên