Đừng tước mất quyền đi học của trẻ nhiễm HIV

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Song do hạn chế hiểu biết về HIV/AIDS, nhiều người lớn đang tước quyền được sống bình thường của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 60.000 trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng HIV/AIDS. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới do mỗi năm có 600 bà mẹ nhiễm HIV sinh con. Tuy nhiên, chỉ 7% trẻ nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị kịp thời. Trong nỗ lực đưa trẻ em nhiễm và bị ảnh hưởng HIV/AIDS hoà nhập cộng đồng, các cấp, ban ngành, đoàn thể ở thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm sự kỳ thị của xã hội với những em bé nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Sự kỳ thị nguy hiểm

Nhiều năm đã trôi qua nhưng các cán bộ và nhân viên ở Trung tâm Mai Hoà (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), nơi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, vẫn day dứt khôn nguôi về cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Ngọc Anh. Mẹ Ngọc Anh bị AIDS giai đoạn cuối. Trước khi qua đời, chị đã trăng trối về đứa con nhiễm HIV và tha thiết mong con mình được đưa đến Trung tâm Mai Hoà nuôi dưỡng. Lần theo địa chỉ của chị, Trung tâm Mai Hòa đã gặp một cháu bé khoảng 3 tuổi, người gầy gò, nhút nhát, hay giật mình sợ hãi khi gặp người lạ. Cháu đang sống cùng người thân nhưng bị mọi người trong gia đình xa lánh, hắt hủi. Trung tâm đã đưa cháu về chăm sóc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, vì bệnh tình quá nặng, cơ thể suy kiệt nên cháu không qua khỏi.

Trung tâm Mai Hòa đang nuôi dưỡng 15 trẻ bị nhiễm HIV, hai em có người thân mất vì HIV/AIDS. Trước đây, với trẻ nhiễm HIV, trung tâm chỉ dừng lại ở nỗ lực kéo dài sự sống vì hầu như các em đều mất trước 5 tuổi. Nhưng từ năm 2005 trở đi, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp chăm sóc trẻ HIV, trong đó có dùng thuốc đặc trị ARV, nên tuổi đời các em được kéo dài hơn. Nhiều em đã bước vào tuổi dậy thì cùng nhu cầu lớn về giao tiếp với xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, phần lớn các em không được đến trường do sự kỳ thị của xã hội. Các em phải học thành từng nhóm nhỏ ở trung tâm hoặc được gửi đến những trường ở xa để che giấu thân phận. Bà Lê Thị Tríu, phụ trách Trung tâm Mai Hoà cho biết: “Vì các em hơi lớn tuổi và vì không được đưa đến trường nên chúng tôi phải đưa các em đến một trường xa hơn, nên các em phải đi lại rất khó khăn. Đôi khi các em đi một mình cũng không an toàn”.

Các em có quyền được đi học

Năm học này, lần đầu tiên, 10 em nhỏ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình (Quận Thủ Đức) được công khai đến trường. Điều này bước đầu mở ra một cuộc sống mới, cuộc sống bình thường cho những trẻ em nhiễm HIV. Tuy nhiên, để có được kết quả như hôm nay, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Xuân Hiệp và trường Trung học cơ sở Xuân Trường, quận Thủ Đức phải trải qua một thời gian dài đấu tranh, thuyết phục, thay đổi định kiến của nhiều phụ huynh. Ngay từ đầu năm học, một số phụ huynh đã phản ứng gay gắt khi nghe tin trẻ em nhiễm HIV sẽ học cùng con mình. Họ gửi đơn kiến nghị đến Uỷ ban nhân dân quận và Phòng Giáo dục đề nghị gây sức ép với nhà trường. Tại cuộc họp Ban đại diện phụ huynh vào đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã mời Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức đến tuyên truyền về HIV/AIDS cho phụ huynh, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn giáo viên thực hiện sơ cấp cứu vết thương. Nhà trường cũng trang bị 50 hộp đựng dụng cụ sơ cấp cứu ở các lớp học và phòng đa chức năng. Các  em nhiễm HIV được trung tâm giáo dục rất kỹ về cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình.

Trong những năm qua, các cấp, ban ngành, đoàn thể ở thành phố Hồ Chí Minh đã chung tay triển khai nhiều biện pháp chăm sóc trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Từ năm 2005, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thành công chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nhờ đó, hàng năm cứu được khoảng 100 - 150 trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Mặt khác, chương trình đưa trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được triển khai đến nhiều trường học thuộc 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, con đường đến trường của trẻ HIV vẫn đang gặp trắc trở do lo ngại lây nhiễm HIV sang trẻ bình thường.

Về vấn đề này, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cho đến nay gần 30 năm, trên toàn thế giới chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm bởi các trẻ em khác qua các sinh hoạt bình thường. Khi trẻ đã được điều trị bằng thuốc ARV, phần lớn không tìm thấy virus HIV trong máu. Lúc đó trẻ như những em bé bình thường khác. Điều đó cho thấy khả năng lây nhiễm của những trẻ chơi chung với nhau hầu như không thể xảy ra. Ngành y tế, ngành giáo dục luôn luôn có đủ những biện pháp để bảo đảm sự an toàn này cho trẻ.

Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em Việt Nam thì mọi trẻ em đều có quyền được đi học. Song do hạn chế hiểu biết về HIV/AIDS, nhiều người lớn đang tước quyền được sống bình thường của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Một chiến dịch truyền thông đang được triển khai mạnh mẽ tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đưa được trẻ nhiễm HIV đến trường và giữ trẻ ở lại trường lâu dài, hoà nhập với bạn bè đồng trang lứa.

Chiến dịch này mang tên “Trường của em, bạn của em” sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 9, tập trung thành 3 đợt cao điểm là ngày Quốc tế thiếu nhi mùng 1/6, Tết trung thu và ngày tựu trường. Với hàng loạt hoạt động được tổ chức như: triển khai các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS cho phụ huynh, học sinh, giáo viên ở 10 trường tiểu học; khảo sát về thực trạng đời sống trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn thành phố và tổ chức đêm hội trại giao lưu giữa trẻ bình thường và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong ngày 1/6..., chương trình nhằm kêu gọi sự đồng thuận trong toàn xã hội để trẻ HIV được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên