Ngăn HIV từ mẹ sang con

Tỉ lệ thai phụ nhiễm HIV đang có chiều hướng tăng. Đáng lưu ý, phần lớn các thai phụ nhiễm HIV được phát hiện muộn đã làm giảm khả năng can thiệp bằng điều trị dự phòng để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Mỗi năm có 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV

Tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai đang có xu hướng tăng: năm 2004 là 0,02%, năm 2008 là 0,25%. Một số tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ mang thai rất cao như: Điện Biên 2,73%, Thái Nguyên 2,38%...

Mỗi năm nước ta có khoảng gần 5.000 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV tăng kéo theo tỷ lệ trẻ em từ 0-13 tuổi nhiễm HIV cũng tăng dần qua các năm: từ 0,2% năm 1993 lên 1,8% năm 2008. Riêng 3 tháng đầu năm 2009, trẻ em dưới 13 tuổi bị nhiễm HIV chiếm 2,7% trong tổng số người bị nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trung bình khoảng 30 - 40%. Như vậy, ước tính mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra nhiễm HIV.

Đáng lo ngại hơn khi TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết: “Theo thống kê trong 3 năm từ 2005 - 2008, trong số khoảng 48.500 sản phụ đến khám và đẻ tại BV Phụ sản T.Ư, sàng lọc được 271 trường hợp HIV dương tính, trong đó có tới 40% thai phụ chỉ biết mình nhiễm HIV khi chuyển dạ”.  Điều này cũng có nghĩa những sản phụ này đã đánh mất cơ hội để tiếp cận thuốc điều trị kháng vi - giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Phát hiện sớm, tỷ lệ nhiễm chỉ còn 2 - 5%

Theo ông Tiến, nếu phát hiện HIV trong thời kỳ mang thai, gần như 100% các bà mẹ sẽ được điều trị dự phòng kháng virus bằng thuốc Nevirapine. Và nếu được uống thuốc dự phòng đầy đủ từ tuần thai thứ 28, kết hợp không cho bú thì tỷ lệ lây bệnh giảm xuống chỉ còn khoảng 2 - 5%, cao nhất cũng chỉ đến 10%.

Ông Tiến cho biết, trẻ có thể bị lây nhiễm HIV vào các giai đoạn: trong thời gian mang thai, trong khi đẻ, giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế, việc phát hiện sản phụ nhiễm HIV sớm là vô cùng cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây truyền.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định, phụ nữ nhiễm HIV được tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) cũng là 1 trong 9 chương trình hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm khống chế tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang xuống dưới 10% vào năm 2010. Tuy nhiên, quá trình thực hiện DPLTMC gặp nhiều khó khăn.

Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, phụ nữ mang thai nhiễm HIV do thiếu kiến thức nên nhiều người không biết được rằng, nếu được phát hiện và uống thuốc dự phòng sẽ ngăn ngừa nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con.  Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là rào cản khiến phụ nữ mang thai không tìm đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và các dịch vụ y tế để được trợ giúp kịp thời... Điều này dẫn đến tình trạng, phụ nữ mang thai nhiễm HIV chỉ được phát hiện trong giai đoạn muộn (đa số là đến lúc chuyển dạ), làm cho các can thiệp bị chậm nên không có hiệu quả hoặc hiệu quả hạn chế.

Theo ông Ân, việc phát động các chiến dịch DPLTMC trên phạm vi toàn quốc với chủ đề: “Vì những đứa con không nhiễm HIV” là hết sức cần thiết. Năm 2009, chiến dịch DPLTMC tập trung cao điểm vào tháng 9. Mục tiêu của chiến dịch DPLTMC năm 2009 là tăng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng sớm (từ tuần thứ 28) lên 30% so với bình quân hàng tháng của 6 tháng đầu năm 2008; tăng gấp đôi số trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và được cung cấp sữa thay thế so với bình quân hàng tháng của 6 tháng đầu năm 2008; tăng gấp đôi số phụ nữ nhiễm HIV mang thai đến sinh đẻ tại bệnh viện có dịch vụ chăm sóc điều trị DPLTMC so với bình quân hằng tháng của 6 tháng đầu năm 2008; tăng gấp đôi số trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và được cung cấp sữa thay thế so với bình quân hằng tháng của 6 tháng đầu năm 2008.

Ông Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch thường trực ủy ban Phòng chống AIDS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình DPLTMC có tính xã hội cao nên không thể chỉ để ngành y tế thực hiện mà cần thiết phải huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và sự phân công rõ ràng, hỗ trợ đúng mức của cơ quan quản lý chương trình. Mặt khác, do nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế nên việc huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên